Chiều 25-10, Quốc hội (QH) đã công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn. Sau đó, QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm với 100% đại biểu (ĐB) có mặt tán thành. Kết quả kiểm phiếu được công bố cho thấy không có vị nào có tỉ lệ phiếu tín nhiệm thấp dưới 50%.
Tín nhiệm thấp: Giáo dục, giao thông
Với 437 phiếu tín nhiệm cao, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đạt tỉ lệ tín nhiệm cao nhất trong số 48 người được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6, QH khóa XIV. Tại hai lần QH lấy phiếu tín nhiệm trước đây (năm 2013 và 2014), trong vị trí Phó chủ tịch QH, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng dẫn đầu danh sách với số phiếu tín nhiệm cao nhất.
Các đại biểu Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn Ảnh: HỒ Ý
Người có số phiếu tín nhiệm cao thứ hai là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với 393 phiếu. Ở hai lần lấy phiếu tín nhiệm trước, khi còn là Phó Thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc cũng đạt số phiếu tín nhiệm rất cao.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh được 323 phiếu tín nhiệm cao. Các phó chủ tịch QH, nhiều ủy viên Ủy ban Thường vụ QH và các phó thủ tướng đều nhận được trên 300 phiếu tín nhiệm cao.
Tại kỳ lấy phiếu tín nhiệm lần này, đứng đầu số phiếu tín nhiệm thấp là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ với 137 phiếu. Ông Nhạ nhận được 140 phiếu tín nhiệm cao và 194 phiếu tín nhiệm. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể là người đứng thứ hai về số phiếu tín nhiệm thấp với 107 phiếu. Ông Thể nhận được 142 tín nhiệm cao và 221 phiếu tín nhiệm.
Đáng chú ý, trong các thành viên Chính phủ, nhiều người có số phiếu tín nhiệm thấp là các bộ trưởng: Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, 97 phiếu; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, 89 phiếu; Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, 72 phiếu.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến - thành viên duy nhất trong Chính phủ không phải là ủy viên Trung ương Đảng - lần này nhận ít phiếu tín nhiệm thấp hơn các lần bỏ phiếu trước đây, với 53 phiếu. Bà Tiến nhận được 224 phiếu tín nhiệm cao và 197 phiếu tín nhiệm.
Đại biểu Quốc hội nói gì?
Nói về kết quả lấy phiếu tín nhiệm, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM) bày tỏ băn khoăn khi Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ được 137 phiếu tín nhiệm thấp nhưng cũng nhận được tới 140 phiếu tín nhiệm cao. Nhìn nhận sự đánh giá còn quá chênh lệch, bà Lan đặt vấn đề: "Anh đứng ở góc nhìn nào để đánh giá? Cái này giống như lúc chúng tôi ở trong một hội đồng đánh giá một luận án, một bài thi của học viên, có thể chỉ là giữa các giám khảo có xê xích thôi chứ không thể vênh nhau một trời một vực như vậy được".
"Với 140 phiếu tín nhiệm cao thì tôi có thể nói thẳng: Nếu như chúng tôi có quyền đánh giá các lãnh đạo do QH bầu hoặc phê chuẩn thì người dân cũng có quyền đánh giá những ĐBQH mà họ đã bầu ra khi có những đánh giá chênh lệch như vậy. Và ai đúng, ai sai?" - bà Phong Lan nói thêm.
Với 137 phiếu tín nhiệm thấp mà "tư lệnh" ngành giáo dục nhận được, bà Lan cho rằng đó là "tiếng chuông lớn cảnh tỉnh toàn ngành để quyết tâm cải thiện niềm tin của người dân và QH".
Đối với "tư lệnh" ngành giao thông - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, bà Lan cho rằng ông nhận được nhiều phiếu "tín nhiệm thấp" là do cách giải quyết về BOT; chất lượng đường giao thông và những lý do khác.
Còn ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng có tới 90,1% số phiếu tín nhiệm cao dành cho Chủ tịch QH và 81,03% số phiếu tín nhiệm cao dành cho Thủ tướng Chính phủ là kết quả mỹ mãn. "Đây là kết quả thực chất và đáng mừng. QH đã bỏ phiếu rất khắt khe" - ông nhận định.
ĐB Cầu khẳng định kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã phản ánh đúng với tình hình thực hiện nhiệm vụ của các vị "tư lệnh" ngành. Riêng với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, ông thẳng thắn đánh giá đây là ngành còn nhiều vấn đề cần giải quyết nhưng cách làm của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng của cử tri cũng như ĐBQH.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nhìn nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này về cơ đã thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, mong muốn của các cử tri. "Các vị được lấy phiếu tín nhiệm cũng không nên suy nghĩ và nao núng nhiều về kết quả này mà nên lấy đó làm điều kiện để xem xét lại việc thực hiện các nhiệm vụ của mình và những vấn đề liên quan đến cuộc sống của bản thân. Từ đó tiếp tục quá trình thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân" - ĐB Nhưỡng góp ý.
Tranh luận về phương án xử lý tài sản chưa rõ nguồn gốc
Ngày 25-10, QH cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau tại dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi). Liên quan đến điều 52 về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc, Ủy ban Thường vụ QH trình QH hai phương án: Xử lý bằng con đường tòa án và xử lý bằng thu thuế. Hai phương án này tiếp tục nhận được ý kiến trái chiều từ các ĐBQH.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng cần bổ sung cơ chế xác minh tài sản, thu nhập. Qua đó, cơ quan quản lý tài sản khi nhận được bản kê khai tài sản, thu nhập cá nhân thì gửi hồ sơ về địa phương để xác minh, sau đó gửi cho cơ quan chức năng. Trong trường hợp nghi vấn, cơ quan trung ương sẽ thành lập đoàn tiếp tục xác minh. Về phương án xử lý tài sản tăng thêm không rõ nguồn gốc, ông Nhưỡng cho rằng cả hai phương án đưa ra đều không bảo đảm. Theo ông Nhưỡng, nếu sử dụng tòa án hành chính thì không có khái niệm này; còn nếu sử dụng tố tụng dân sự có hai vấn đề quan trọng, một là phải có hợp đồng, hai là có thiệt hại ngoài hợp đồng.
Không đồng tình, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng theo ý kiến của ông Lưu Bình Nhưỡng thì "không có lối thoát". Ông ủng hộ phương án 2 vì cho rằng "phải dùng giải pháp kinh tế để xử lý những vấn đề kinh tế".
Ý kiến
Bà NGUYỄN THANH HẢI, Trưởng Ban Dân nguyện:
Sự hài lòng của cử tri là thước đo
Kết quả tốt trong phần tín nhiệm cao, tín nhiệm là nguồn động lực, động viên giúp 48 người được lấy phiếu có đánh giá một cách đầy đủ về bản thân, phát huy mặt mạnh, khắc phục mặt hạn chế, đạt được sự hài lòng của người dân, của các ĐBQH ngày càng cao trong thời gian tới.
Công tác dân nguyện, việc giám sát của QH với các cơ quan lập pháp đều luôn luôn có sự va chạm. Quan trọng là làm sao cho các lĩnh vực mà mình giám sát ngày càng tốt hơn. Tôi nghĩ ĐBQH đánh giá qua kết quả đạt được. Vì vậy, khi làm có va chạm nhưng va chạm làm cho mọi việc tốt lên là động lực cho chúng tôi tiếp tục công việc. Chúng tôi lấy sự hài lòng của cử tri làm thước đo cho sự cố gắng của mình.
Ông VŨ HỒNG THANH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:
Suy nghĩ khi có phiếu tín nhiệm thấp
Trong suốt quá trình vừa qua, chúng tôi đã cố gắng hoàn thành trọng trách mà QH, Ủy ban Thường vụ QH giao. So với khi QH bầu, kết quả đánh giá của QH với bản thân tôi đã có sự ghi nhận. Tuy nhiên, tôi vẫn còn hơn 5% phiếu tín nhiệm thấp, đó cũng là điều tôi cho là phải suy nghĩ, phải cố gắng, vì có nghĩa là mình cũng chưa làm tốt hết các công việc. Tôi sẽ rà soát, xem xét lại những việc mình làm chưa được để suy nghĩ, để có giải pháp tốt nhất. Việc gì tốt rồi thì sẽ làm tốt hơn nữa.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo PHÙNG XUÂN NHẠ:
Sẽ cố gắng hơn nữa
Tôi chân thành cảm ơn các vị ĐBQH và đông đảo cử tri cả nước đã luôn đồng hành, chia sẻ với sự nghiệp GD-ĐT; quan tâm, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết cho ngành. Thực tế, giáo dục có liên quan đến từng người, từng nhà nên rất được xã hội quan tâm. Có những vấn đề mà ngành giáo dục không thể giải quyết ngay được mà cần có thời gian.
Tôi coi kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này là động lực để bản thân và toàn ngành cố gắng hơn nữa, có nhiều giải pháp quyết liệt hơn nữa để đáp ứng sự kỳ vọng của Đảng và của nhân dân đối với sự nghiệp GD-ĐT.
Bình luận (0)