Chiều 6-8, tại phiên họp toàn thể lần thứ 14, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (gọi tắt: Ủy ban) cho ý kiến về Bộ Luật Lao động (sửa đổi).
Lương phải tăng theo lũy tiến
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban, về mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa, có ý kiến cho mở rộng ở ngành nghề, lĩnh vực và tính lũy tiến tiền làm thêm giờ từ 300 giờ/năm lên 400 giờ. Tuy nhiên, có ý kiến nói đấu tranh, phấn đấu tăng năng suất lao động, tăng lương giảm giờ làm thì sao lại tăng thêm giờ?
Người lao động luôn mong chính sách lương và làm thêm giờ được cải thiện tốt hơn (ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: HOÀNG TRIỀU
"Đến Bình Dương, tôi cảm động trước một nữ công nhân xanh xao, chảy nước mắt đề nghị làm thêm giờ, không làm thêm giờ lấy đâu tiền nuôi con và xin phép làm cho đến lúc không làm được nữa. Nhưng tôi có bảo cháu cần cân nhắc, làm quá sức lúc ốm đau lấy đâu tiền chữa bệnh? Do đó, nếu cho phép làm thêm giờ, tăng thêm 100 giờ/năm thì tiền lương phải tăng theo lũy tiến, áp dụng từ giờ thứ 301 đến giờ thứ 400" - ông Lợi nói và cho biết đa số đại biểu Quốc hội thống nhất tuổi nghỉ hưu như Chính phủ trình là nam 62, nữ 60 nhưng đề nghị làm rõ danh mục ngành nghề độc hại, nguy hiểm thì có thể cho nghỉ trước 5-10 năm. Tuy vậy, nhiều người lao động (NLĐ) không đồng ý nâng tuổi nghỉ hưu mà chỉ nâng với khối hành chính sự nghiệp.
Đại biểu Quốc hội Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, cho rằng tăng lương cho NLĐ mới là điều tiến bộ chứ không phải tăng thêm thời gian làm thêm giờ để hưởng thêm lương. Bà Hạnh cho biết qua lấy ý kiến công nhân, đại đa số cho rằng nên giảm thời gian làm việc chính thức vì có sự chênh lệch giữa khu vực nhà nước và doanh nghiệp; công nhân ở khối doanh nghiệp làm việc, lao động vất vả. Nhiều người đề nghị giảm còn 44 giờ/tuần hoặc 40 giờ cho bằng khối nhà nước. Còn thời điểm đi làm ngoài thời gian quy định sẽ tính vào thời gian làm thêm và tính theo lũy tiến.
Thống nhất ngành nghề đặc biệt
Theo báo cáo tiếp thu, giải trình của ban soạn thảo, về quy định nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn thực chất đang áp dụng cho khu vực nhà nước và thực hiện theo chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Chính phủ sẽ nghiên cứu ban hành nghị định quy định tuổi nghỉ hưu cao hơn cho những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người làm công tác quản lý, bảo đảm theo 3 nguyên tắc: Chỉ làm chuyên môn, không giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo; cơ quan có nhu cầu sử dụng; cá nhân có nguyện vọng và có đủ sức khỏe đáp ứng yêu cầu công việc.
Hiện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang rà soát để ban hành danh mục thống nhất công việc, ngành nghề, vị trí việc làm thuộc trường hợp đặc biệt mà NLĐ có thể được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn. Đối với một số công việc đặc thù như xiếc, thể thao, giáo viên mầm non… sẽ quy định theo hướng khi hết tuổi nghề làm công việc đặc thù thì được đào tạo để chuyển đổi nghề phù hợp, không chuyển đổi nghề thì có quyền nghỉ hưu sớm.
Do hai bên thỏa thuận
Về mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa, ban soạn thảo đề nghị tiếp thu theo hướng quy định trần tối đa làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ; trường hợp đặc biệt được làm thêm đến 400 giờ/năm; đề nghị quy định mức tiền lương làm thêm giờ ít nhất bằng 150% - 200% - 300% và việc trả lương lũy tiến làm thêm giờ với mức lương cao hơn mức trên thì do hai bên thỏa thuận.
Bình luận (0)