Từ đầu tháng 4-2020 đến nay, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) liên tục gây chú ý khi lần lượt cho ra mắt 2 dịch vụ mua sắm mới: nhận đặt - giao hàng tận nhà qua hotline, fanpage và mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử Sendo.vn. "Công ty có kế hoạch phát triển mảng thương mại điện tử từ lâu nhưng chưa làm được, dịch Covid-19 đã thúc đẩy hiện thực hóa kế hoạch này" - ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Vissan, cho biết.
Vissan vẫn đang dẫn đầu thị trường về các mặt hàng thịt heo chế biến
Nhiều tuổi nhưng luôn năng động
Là doanh nghiệp (DN) hiếm hoi giữ nguyên nhà máy, thương hiệu, thị trường và logo in hình 3 bông mai từ ngày đầu thành lập (năm 1970) đến nay, Vissan từng bước trưởng thành theo đà phát triển chung của TP HCM. 10 năm nay, DN này là thành viên nòng cốt góp phần tạo nên tiếng vang cho chương trình bình ổn giá của TP HCM.
Vissan đã xây dựng mô hình khép kín từ trang trại đến bàn ăn, tạo chuỗi giá trị liên kết, chuẩn hóa nguồn chất lượng đầu vào với quy trình công nghệ chế biến khép kín, chặt chẽ. Đến nay, 100% thịt heo giết mổ tại Vissan là sản phẩm VietGAP, được truy xuất nguồn gốc.
Theo thông tin mà Vissan công bố, DN này đang chiếm 70% thị phần lạp xưởng, 65% thị phần xúc xích tiệt trùng, 40% thị phần hàng đông lạnh, 30% thị phần chả giò, 20% thị phần đồ hộp tại thị trường nội địa. Đến cuối năm 2019, Vissan sở hữu hệ thống 130.000 điểm bán; gần 120 nhà phân phối; hơn 1.000 siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Ngoài thị trường trong nước, công ty còn đẩy mạnh xuất khẩu và phát triển một số mặt hàng mới cho những thị trường mới như Nhật, Mỹ, Singapore, Úc…
Năm 2019, thị trường thịt heo đầy biến động, giá thịt heo tươi sống tăng phi mã do ảnh hưởng từ dịch tả heo châu Phi. Vissan gặp khó khăn trong việc tiêu thụ thịt heo tươi sống nhưng bù lại, thịt bò và thực phẩm chế biến tăng trưởng rất khả quan. Tính chung cả năm, DN này đạt lợi nhuận gộp 1.041 tỉ đồng (tăng 14,6% so với năm trước), lợi nhuận trước thuế 212,6 tỉ đồng - mức lợi nhuận cao nhất, nhì trong lịch sử 50 năm hoạt động của Vissan.
"Áp lực cạnh tranh mỗi lúc một nhiều hơn nhưng đây là lực đẩy giúp chúng tôi đột phá để phát huy tối đa nội lực, đồng thời luôn sáng tạo, đổi mới nhằm mang lại những giá trị tốt nhất cho người tiêu dùng" - ông Nguyễn Ngọc An nhìn nhận.
Vissan đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025 sẽ đẩy mạnh dòng sản phẩm thịt mát lên 50% sản lượng thịt tươi, chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào ở mức cao hơn, chiếm 20%-30% tổng sản lượng giết mổ của công ty. Về thị trường đầu ra, Vissan bổ sung, làm mạnh mảng phân phối trên kênh thương mại điện tử. "Sắp tới, sản phẩm của Vissan sẽ có mặt trên sàn Lazada" - ông An tiết lộ.
Tiệm cơm gà Đông Nguyên luôn đông khách và “kiểu gì cũng có món gà” trong thực đơn
Làm mới di sản cơm gà
Nếu những thương hiệu khác có thế mạnh riêng thì cơm gà Đông Nguyên (góc đường Châu Văn Liêm - Nguyễn Trãi, quận 5) là một thương hiệu lâu đời và đã duy trì 3 thế hệ (từ năm 1945). Đây cũng là một thương hiệu chứa nhiều câu chuyện lý thú về những người Hoa đến lập nghiệp tại Sài Gòn và mang đến cho mảnh đất này không chỉ những câu chuyện "thương hồ" gạo chợ nước sông mà ẩn sâu trong đó là cả tình yêu thương, triết lý kinh doanh đặc biệt.
Theo anh Hứa Tấn Vinh (thế hệ thứ 3 của Đông Nguyên), cơm gà Đông Nguyên ra đời năm 1945 bởi bà ngoại anh - một phụ nữ người Hoa đi từ Trung Quốc sang Việt Nam với mong muốn sum họp với chồng sau 10 năm xa cách. Bà sáng lập tiệm cơm gà Đông Nguyên với mong muốn đơn giản: bán cơm thì sẽ không lo con mình bị đói.
Thương hiệu Đông Nguyên thời đó gắn liền với những món ăn cơ bản: cơm gà, xá xíu, thịt quay, xúp tiềm… Qua nhiều biến cố lịch sử cũng như 2 thế hệ tiếp nối, Đông Nguyên vẫn trung thành với món cơm gà với thịt gà tươi ngon cùng các món xúp tiềm chất lượng.
Ở TP HCM hiện nay có đến hàng trăm thương hiệu cơm gà nổi tiếng nhưng Đông Nguyên vẫn luôn nườm nượp khách ra vào. Nhiều thực khách trung thành cho biết sở dĩ không bỏ được Đông Nguyên là vì món thịt gà của tiệm. Gà ở đây do Đông Nguyên đặt nuôi và bao tiêu.
Thật ra, đó chỉ là một phần, cái làm cho thương hiệu này luôn hấp dẫn, theo anh Hứa Tấn Vinh, chính là truyền thống kinh doanh trước sau như một của Đông Nguyên: "Món ăn phải được chế biến như gia đình và có mức giá phải chăng để mọi người có cơ hội cùng thưởng thức".
Cuối tháng 12-2019, anh Vinh mạnh dạn khai trương chạy thử 1 tiệm cơm gà ở quận 7 và dự kiến sẽ ra mắt chính thức năm 2020 khi vận hành ổn định. Vẫn là thương hiệu Đông Nguyên nhưng dưới cái tên Công ty Thái Mậu. Các món ăn ở tiệm vẫn mang đặc trưng của Đông Nguyên nhưng thương hiệu được làm mới với logo, trang web… Câu chuyện "Đông Nguyên since 1945" được chính thức kể lại khá đầy đủ trên trang web này.
Đông Nguyên còn cải tiến với những món "combo" giúp khách hàng có thêm lựa chọn nhanh, phù hợp với lối sống hiện đại. Đây chính là sự ấp ủ và là hướng đi mới mà vợ chồng anh Vinh và gia đình đã bàn bạc nhau rất nhiều trước khi vận hành mô hình kinh doanh này.
Những ngày đại dịch Covid-19, quán vẫn mở cửa bán hàng mang đi. Đáng mừng là cả hai tiệm Đông Nguyên ở quận 5 và quận 7 vẫn được khách hàng ủng hộ. "Sau dịch Covid-19, chúng tôi sẽ chính thức khai trương Đông Nguyên ở quận 7. Hy vọng cái tên Đông Nguyên sẽ còn tiếp tục làm nên những điều mới mẻ, lý thú cho những người yêu ẩm thực Sài Gòn - Chợ Lớn, xứng đáng là một thương hiệu lâu đời và được yêu mến lâu nay" - anh Vinh bày tỏ.
Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp TP HCM
Năm 2019, TP HCM vinh danh 57 DN phát triển bền vững trên 30 năm; trong đó có 7 DN phát triển bền vững trên 50 năm, 19 DN phát triển bền vững trên 40 năm.
Những thương hiệu như nước mắm Liên Thành, thuốc lá Sài Gòn, cơm gà Đông Nguyên, khách sạn Thiên Hồng, thực phẩm Bình Tây, Vifon... đã đi vào tiềm thức người dân Sài Gòn - TP HCM ngót nghét hơn 50 năm, gắn liền với những sản phẩm rất đỗi quen thuộc.
Thương hiệu trên 40 năm thì có Vissan, Colusa Miliket, Cadivi, May Hòa Bình, Tổng Công ty 28, Dệt may Thành Công, May Việt Tiến, Công ty CP Thủy hải sản Sài Gòn (APT)...
Những "gương mặt" quen thuộc khác như Saigon Co.op, gốm sứ Minh Long 1, Công ty CP Vinamik... tuy không tham gia cuộc bình chọn nhưng cũng là những "anh lớn, chị cả" đang lớn nhanh, lớn mạnh theo nhịp độ đi lên của TP HCM.
Đến nay, với "gia tài" hơn 390.000 DN - bao gồm những DN mạnh, có bề dày thành tích hàng chục năm - lãnh đạo TP HCM vẫn trăn trở làm sao đẩy mạnh xây dựng sản phẩm thương hiệu, sản phẩm DN để phục vụ mục tiêu phát triển TP bền vững.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định TP HCM dù có nhiều DN lớn nhưng đang thiếu nhiều thương hiệu mạnh; rất ít thương hiệu của TP HCM được điểm tên trong các chương trình thương hiệu quốc gia. Vậy nên, TP HCM cần có chính sách hỗ trợ phát triển thương hiệu DN, thúc đẩy hình thành những thương hiệu mạnh có sức lan tỏa, dẫn dắt những thương hiệu khác cùng phát triển, nhất là trong hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Theo ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, TP có nhiều lợi thế để phát triển thương hiệu, đặc biệt là trong lĩnh vực lương thực - thực phẩm. Vấn đề là DN cần có sự đầu tư và hỗ trợ nhiều hơn nữa.
Bình luận (0)