Bộ Nội vụ đang trong quá trình lấy ý kiến về dự thảo Chiến lược Quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài. Là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo, Bộ Nội vụ đã xây dựng dự thảo với nhiều nội dung đáng chú ý.
2-5% nhân tài trở lên trong cơ cấu lãnh đạo, quản lý
Theo Bộ Nội vụ, việc thu hút, trọng dụng nhân tài trong cơ quan nhà nước thời gian qua còn gặp một số hạn chế, bất cập, chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của chính sách phát hiện, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài.
Bố trí việc làm cho những người được lựa chọn chưa phù hợp, cơ hội thăng tiến bị hạn chế. Đáng chú ý, thu nhập, đãi ngộ thiếu thỏa đáng, môi trường, điều kiện làm việc không đủ sức hấp dẫn nên nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương không giữ chân được nhân tài, có tình trạng "chảy máu" nhân tài. Chính vì vậy, việc ban hành việc ban hành Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài làm cơ sở cho việc ban hành các văn bản pháp luật tương ứng là nhiệm vụ vô cùng cấp thiết.
Đặc biệt, Bộ Nội vụ đưa ra mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, chiến lược đặt ra mục tiêu 100% các bộ, ngành, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương ban hành và triển khai thực hiện chính sách cụ thể thu hút, trọng dụng nhân tài phù hợp với chiến lược này và tình hình thực tiễn.
Đối với giai đoạn 2026-2030, Bộ Nội vụ đề xuất 100% các bộ, ngành, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương bảo đảm khung tỷ lệ tối thiểu từ 2-5% nhân tài trở lên trong cơ cấu lãnh đạo, quản lý; từ 10% đến 15% trở lên trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ. Từ năm 2030 trở đi, phấn đấu mỗi năm tăng thêm ít nhất 1% nhân tài trở lên với cơ cấu lãnh đạo, quản lý và 3% trở lên trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ.
Góp ý cho mục tiêu nêu ra trong dự thảo, Bộ Tài chính cho rằng, số lượng nhân tài tại từng thời điểm, từng địa phương không nằm trong kiểm soát của các đơn vị, đồng thời, không phải đơn vị nào cũng có vị trí việc làm yêu cầu phải có nhân tài, có những cơ quan, đơn vị thực hiện chức năng quản lý, nghiên cứu cần nhiều vị trí sử dụng nhân tài.
Tuy nhiên có những đơn vị chủ yếu thực hiện nhiệm vụ thừa hành công vụ, lãnh đạo thực hiện công tác quản lý đơn thuần, bố trí nhân tài vào làm việc không phù hợp, việc quy định “cứng” số lượng có thể không phù hợp với thực tế. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ cơ sở đưa ra các mục tiêu cụ thể về thu hút nhân tài.
Phúc đáp ý kiến này, Bộ Nội vụ cho rằng, mục tiêu của Chiến lược trong đó có nội dung xác lập định hướng khung chính sách pháp luật làm nền tảng cho việc ban hành các văn bản về nhận diện nhân tài, cơ chế phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài; xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan...
Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, đánh giá việc xây dựng chiến lược là cần thiết để thời gian tới có những chính sách phù hợp hơn, tránh tình trạng "chảy máu" nhân tài.
Cho rằng thời gian qua đã có một số cơ chế thu hút nhân tài, nhưng ông Hùng kiến nghị cần phải có chính sách, cơ chế cụ thể hơn, đồng bộ hơn, đãi ngộ tốt hơn thì mới thu hút và giữ chân được nhân tài. "Chúng ta chưa có riêng chương trình, chính sách về công tác thu hút, trọng dụng nhân tài với đầy đủ các nội dung, từ phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí đến sử dụng một cách hợp lý, nên kết quả chưa được như mong muốn"- ông Vũ Quốc Hùng nêu thực tế.
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, cho rằng cần có những chính sách đột phá hơn trong thu hút, trọng dụng nhân tài
PGS-TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, cũng chỉ ra thu hút nhân tài thời gian qua chủ yếu mới chỉ nằm ở quy định tuyển dụng mà chưa tạo ra được cơ chế đột phá trong môi trường làm việc, chưa tạo được sự cởi mở để người có tài phát huy sở trường của mình.
Tạo môi trường làm việc tốt
Công khai, minh bạch, đảm bảo công bằng trong thu hút, trọng dụng nhân tài là vấn đề được Đại biểu (ĐB) Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nhấn mạnh khi nói về chiến lược mà Bộ Nội vụ đang xây dựng. Theo vị ĐB, lựa chọn người tài phải dựa vào năng lực, dựa vào kết quả công việc tại nơi người đó công tác, tránh tình trạng tiêu cực.
Theo ĐB Phạm Văn Hòa, phạm vi đối tượng của Chiến lược Quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài là khá rộng, tạo cơ hội cho những người có năng lực thực sự, có tâm muốn cống hiến cho đất nước. Song hành với đó, Nhà nước cần có chế độ đãi ngộ tương xứng để giữ chân nhân tài, cũng như phù hợp với những đóng góp của họ trong công việc.
Góp ý cho việc thu hút, trọng dụng nhân tài, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng cũng kiến nghị cần tổng hợp các chính sách đã có thời gian qua để chỉ ra các điểm "nghẽn", trên có sở đó xây dựng khung chính sách mới chặt chẽ để đào tạo, tạo nguồn, thu hút và bố trí việc làm cho nhân tài với tiêu chí công khai, minh bạch nhất.
"Khi đã công khai, minh bạch sẽ tạo ra môi trường làm việc tiến bộ, người tài cũng tự tin cống hiến mà không lo lắng bị trù dập"- ông Hùng nói.
Theo Bộ Nội vụ, việc thu hút, trọng dụng nhân tài theo hướng "có vào, có ra, có lên, có xuống" trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; trở thành việc bình thường trong công tác cán bộ, nhằm khuyến khích, tạo môi trường, cơ hội cho người có triển vọng tài năng và tài năng thực sự phát triển.
Dự thảo chiến lược cũng tiến tới hình thành và phát triển thị trường nhân tài trong nước và khai thác hiệu quả thị trường nhân tài quốc tế, chủ động tạo nguồn cung cấp lực lượng lao động chất lượng cao, đủ khả năng và điều kiện giải quyết các nhiệm vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Bên cạnh chế độ đãi ngộ tốt, PGS-TS Bùi Thị An cho rằng việc tạo môi trường làm việc, cơ chế để người tài phát huy điểm mạnh, sẵn sàng cống hiến và không bị gò bó trong công việc thì mới thực sự thu hút được nhân tài.
Trong chiến lược cũng đã nhấn mạnh, xây dựng chính sách nhân tài đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch. Có cơ chế đãi ngộ đặc biệt, tạo lập môi trường làm việc tốt để nhân tài phát huy năng lực, thể hiện tài năng cống hiến cho đất nước ở tất cả các ngành, lĩnh vực.
Đồng thời, có chính sách khen thưởng những cá nhân, tổ chức tiến cử, phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng đúng nhân tài; xử lý nghiêm những hành vi lạm dụng quyền lực để gây cản trở, trù dập nhân tài.
Theo ông Vũ Quốc Hùng, chính sách thu hút nhân tài là quan trọng, tuy nhiên quá trình thực hiện cần phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ để tránh tình trạng lợi dụng chính sách, "cài cắm" người nhà vào các vị trí làm việc.
"Cơ quan, đơn vị nào được giao nhiệm vụ lựa chọn nhân tài, điều này rất quan trọng. Việc lựa chọn nhân tài, trọng dụng nhân tài ở mỗi cấp, mỗi cơ quan là khác nhau, nên cần có những có chế để giám sát chặt chẽ, tránh bị trục lợi chính sách"- ông Hùng nêu quan điểm và kiến nghị có chế độ đãi ngộ cũng như các chính sách hỗ trợ tốt hơn nữa để giữ chân người tài.
Đại diện Bộ Nội vụ cho biết, đang tổng hợp ý kiến đóng góp của các cơ quan, đơn vị để sớm hoàn thiện dự thảo, trình Chính phủ thời gian tới.
Trong dự thảo chiến lược không phân biệt nhân tài là đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài, bảo đảm cơ hội bình đẳng cho nhân tài được cống hiến và đãi ngộ xứng đáng với kết quả thực hiện nhiệm vụ.
Dự thảo cũng lưu ý, chính sách thu hút nhân tài phải có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững như: Chính trị và quản lý điều hành Nhà nước; khoa học, công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ số, cơ sở dữ liệu, tự động hóa…; giáo dục; y tế; công nghệ sinh học; văn hóa, thể thao…
Bình luận (0)