Sáng 8-9, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và Phát triển (Viện PLD) tổ chức tọa đàm "Dự án BOT - Chính sách và giải pháp". Những bất hợp lý của các dự án BOT giao thông đã được đưa ra mổ xẻ.
Bất công, dân không chịu!
Được mời phát biểu tại tọa đàm, TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, dành nhiều thời gian để nói về những bất ổn trong các dự án giao thông theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Ông Dũng thẳng thắn: "Vấn đề đầu tiên là thu phí BOT như trấn lột. Người dân không đi trên đường BOT thì không thể thu phí. Đường tránh một chỗ, đặt trạm thu phí chỗ khác là không thể được, phải sửa ngay điều này. Trả một đồng thôi mà bất công người dân cũng không chịu, không thể trấn lột như thế được".
Về hợp đồng BOT, ông Nguyễn Sỹ Dũng đề nghị tất cả các "cổ đông" liên quan đều phải được có ý kiến chứ không thể chỉ có chủ đầu tư, nhà thầu, cơ quan quản lý tự biết và tự quyết. "Cổ đông lớn nhất là lợi ích quốc gia, giờ ai đại diện không rõ. Nói Bộ Giao thông Vận tải đại diện lợi ích quốc gia thì xin lỗi…" - TS Nguyễn Sỹ Dũng bày tỏ.
"Cổ đông" thứ hai, theo TS Dũng, phải được có ý kiến, đó là người dân. "Nhưng ai đại diện cho người dân? Quốc hội đại diện thì phải tham gia như thế nào?" - ông Dũng đặt vấn đề.
"Cổ đông" thứ ba là doanh nghiệp kinh doanh vận tải - khách hàng của BOT giao thông. "Rõ ràng khách hàng là thượng đế. Nhưng thượng đế gì mà bắt trả bao nhiêu phải trả bấy nhiêu, không được ý kiến gì!" - TS Dũng nói.
Sau 1 năm đưa vào hoạt động, vì “đặt sai chỗ”, trạm thu phí BOT Phước Tượng - Phú Gia (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) thường xuyên bị người dân phản đối Ảnh: QUANG NHẬT
Vì vậy, để bảo đảm quyền của các "cổ đông", ông Dũng góp ý cần phải công khai, minh bạch các hợp đồng BOT, xem xét lại tất cả các dự án. Trên cơ sở đó, những trạm thu phí BOT nào đặt sai chỗ thì phải tính toán lại cho phù hợp, những khoản phí nào bất hợp lý thì bỏ ngay nhằm bảo đảm công bằng xã hội.
Bày tỏ sự đồng tình, ông Nguyễn Nam Cường, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Lào, cho rằng những xung đột, phản đối thu phí BOT vừa qua tại các trạm BOT Cai Lậy, Quốc lộ 5… là do nhà đầu tư và cơ quan có thẩm quyền phớt lờ quyền lợi và ý kiến của nhân dân.
Ông Cường còn đặt ra nhiều băn khoăn khi cho rằng nếu coi đầu tư dự án theo hình thức hợp tác công tư (PPP), trong đó có BOT như một chính sách phát triển thì có vẻ như chúng ta đang "có vấn đề", bởi lâu nay BOT đang trở thành một "mảnh đất màu mỡ" của nhóm quan hệ thân hữu. Theo ông Cường, kiểu làm BOT "tay không bắt giặc", không cần kinh nghiệm, không cần vốn (vì chủ yếu vay vốn ngân hàng thương mại, thậm chí được vay ngân hàng chính sách) như hiện nay là hết sức nguy hiểm.
Tác động trực tiếp đến người nghèo
Việc ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, phát biểu trạm thu phí BOT không tác động người nghèo (xem Báo Người Lao Động số ra ngày 8-9) cũng trở thành chủ đề tranh luận tại tọa đàm này.
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng nói BOT không tác động người nghèo là không thỏa đáng, bởi tác động của BOT là toàn xã hội, làm giá cả hàng hóa tăng lên. "Cũng như câu nói của lãnh đạo Bộ Tài chính về việc thuế giá trị gia tăng không ảnh hưởng đến người nghèo, tôi cho rằng, những phát biểu trước người dân như vậy cần phải hết sức thận trọng" - ông Liên bộc trực.
Luật sư Trương Thanh Đức khẳng định với những bất hợp lý trong thu phí BOT, người dân nghèo đang bị "trả giá" nhiều nhất. Bởi lẽ chi phí tăng sẽ tác động đến giá cả và tính theo sức mua tương đương thì họ bị ảnh hưởng hơn cả người giàu.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, khẳng định BOT tác động trực tiếp đến người nghèo vì khi chi phí vận tải tăng lên thì mớ rau, quả trứng cũng đắt lên. "Nếu mớ rau, quả trứng đắt lên thì tỉ trọng chi ra của người nghèo lớn hơn rất nhiều so với chi phí chi ra của người giàu. Do đó việc thu phí BOT tác động đến người nghèo nặng nề hơn rất nhiều so với người giàu".
Cũng đặt ra những băn khoăn về tác động của BOT đối với người dân, ông Nguyễn Chiến, Trưởng Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, nhấn mạnh BOT là một chủ trương, xu hướng tích cực trên thế giới, mang lại lợi ích kinh tế lớn nhưng ở Việt Nam những biến tướng của BOT đã dẫn đến sai lệch, méo mó chủ trương này. Điều đó dẫn đến sự phản ứng của người dân khi nó tác động trực tiếp túi tiền dân nghèo.
Còn theo chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong, về mặt khách quan, BOT là một phương thức đầu tư mới, thậm chí ngay cả trong nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước về BOT cũng chưa được rõ ràng; triển khai khá ồ ạt và chậm sửa chữa những bất cập. "Về mặt chủ quan, nguyên nhân chính gây ra những bất cập về BOT là do bị méo mó bởi những lợi ích, đặc biệt là lợi ích nhóm; sự liên kết giữa nhà đầu tư thậm chí là với cơ quan chủ quản đầu tư, do đó đã diễn ra các kịch bản mà dường như bị các lợi ích này chi phối" - ông Phong bình luận.
Quốc hội cần có nghị quyết
Theo luật sư Trương Thanh Đức, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, khi muốn thực hiện các dự án BOT, nhà đầu tư chỉ lo "đặt gạch" làm sao vào được dự án là xong, còn vốn chủ yếu là nhà nước và các ngân hàng lo. "Ở Việt Nam, đầu tư BOT kiểu gì cũng lãi. Như có dự án, chủ đầu tư chỉ phải lo hơn 10% vốn, còn lại là vay ngân hàng, điều này làm méo mó nền kinh tế" - luật sư Đức nói.
Ông Nguyễn Sỹ Dũng kiến nghị vấn đề BOT giao thông cần đưa ra trong kỳ họp Quốc hội vào tháng 10 tới đây. "Quốc hội có thể ban hành một nghị quyết để xử lý triệt để các vấn đề phát sinh; từ đó tiến tới ban hành luật. Nếu không có những bước này thì việc triển khai tiếp các dự án BOT sẽ tiếp tục phát sinh các rủi ro" - ông Dũng kiến nghị.
Bình luận (0)