Theo thống kê 6 tháng đầu năm 2019, tốc độ tăng trưởng ôtô tại TP HCM tăng 15%, còn xe máy chỉ khoảng 6%.
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM vừa đề xuất UBND TP chấp thuận dự án đầu tư 250 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách xây 34 cổng thu phí ôtô vào khu vực trung tâm. Đề xuất trên đưa ra trong bối cảnh chủ trương thu phí ôtô vào trung tâm nghiên cứu từ 10 năm trước và hiện lượng ôtô cá nhân đang liên tục gia tăng.
Được nhất trí cao
Địa điểm mà Sở GTVT đề xuất thu phí là khu vực trung tâm, gồm các quận 1, 3 và giáp ranh với quận 5, 10. Hệ thống thu phí trên một vành đai khép kín khu vực trung tâm và một số trục giao thông chính bên ngoài đang thường xuyên ùn tắc. Vành đai thu phí bao gồm các tuyến đường Hoàng Sa dọc theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến đường Nguyễn Phúc Nguyên giao với đường Cách Mạng Tháng Tám, đường Ba Tháng Hai, Lê Hồng Phong, Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Kiệt và Tôn Đức Thắng. Trên vành đai này sẽ bao gồm 34 cổng thu phí đa làn không dừng, 1 trung tâm điều hành với nhiệm vụ kết nối với các cổng thu, xử lý thông tin và điều hành quản lý các hoạt động của hệ thống.
Các tuyến đường ở khu trung tâm TP HCM hiện đã quá tải, trong khi lượng ôtô cá nhân liên tục tăng Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Sở GTVT dự kiến tổng mức đầu tư dự án là 250 tỉ đồng, sử dụng từ nguồn vốn ngân sách TP giai đoạn 2019-2021 và đề xuất giao Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn làm chủ đầu tư. Mục tiêu của dự án này, theo Sở GTVT, là nhằm góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông tại khu vực trung tâm, thúc đẩy người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng, giảm ô nhiễm môi trường và bổ sung nguồn ngân sách bảo trì đường bộ cũng như để phát triển hệ thống giao thông công cộng.
Trả lời câu hỏi dựa trên cơ sở nào đề xuất dự án nêu trên, theo Sở GTVT, căn cứ vào quan điểm của Công ty CP Công nghệ Tiên Phong (ITD), sau nhiều lần lấy ý kiến góp ý, phản biện của các cơ quan liên quan. Gần đây nhất, hôm 14-6, Hội đồng Tư vấn về giao thông đô thị của TP HCM tổ chức kỳ họp lần 2 lấy ý kiến đối với đề xuất dự án và các thành viên tham dự đa phần đã cơ bản thống nhất, ủng hộ chủ trương. Tuy nhiên, chỉ thực hiện thu phí đối với ôtô vào khu vực trung tâm mà không thu chiều ra, đồng thời chưa thu phí đối với môtô, xe máy. Cũng tại cuộc họp này, các thành viên đề xuất triển khai thực hiện dự án nêu trên theo hình thức đầu tư công, cụ thể là giao một đơn vị của TP làm chủ đầu tư, quản lý theo quy định. Sau khi thực hiện xong sẽ tổ chức đấu thầu thuê đơn vị vận hành, khai thác và nguồn thu nộp về ngân sách.
Trên những cơ sở này, Sở GTVT kiến nghị UBND TP chấp thuận đầu tư dự án nêu trên, đồng thời giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp hướng dẫn Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn thực hiện các thủ tục bổ sung dự án vào danh mục dự án đầu tư công trung hạn 2016-2020 và tham mưu UBND TP bố trí vốn chuẩn bị đầu tư dự án này vào năm 2019.
Nằm trong tổng thể các giải pháp
10 năm trước, UBND TP HCM chấp thuận cho Công ty ITD tổ chức nghiên cứu đầu tư dự án lắp đặt hệ thống thiết bị kiểm soát và thu phí tự động đối với ôtô ra vào khu trung tâm. Đề án này sau những lần lấy ý kiến đóng góp, phản biện vẫn có nhiều ý kiến trái nhiều nên chưa thể triển khai.
Ông Lâm Thiếu Quân, Tổng Giám đốc ITD, khẳng định chủ trương thu phí như trên là một định hướng đúng trong bối cảnh hiện nay để giải quyết tình trạng kẹt xe, ô nhiễm. So với đề án nghiên cứu trước đây, ông Quân cho rằng đề xuất vừa qua của Sở GTVT cơ bản chỉ khác hình thức đầu tư. ITD lúc trước dự kiến thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP); còn nay, vốn đầu tư được đề xuất sử dụng hoàn toàn từ nguồn vốn ngân sách. "Vấn đề này cũng phù hợp bởi trước đây, đơn vị khi nghiên cứu từng đề xuất việc thu phí nên giao một cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện, còn việc bảo trì, vận hành hệ thống kỹ thuật... có thể thuê tư nhân. Trên nền tảng những nghiên cứu trước đây, chúng tôi ủng hộ và hoàn toàn đồng tình nếu có thể chia sẻ thêm" - ông Quân nói.
Theo ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ - Sở GTVT, các tuyến đường khu trung tâm TP hiện đã quá tải nặng nề, trong khi lượng xe cá nhân liên tục gia tăng, đặc biệt là ôtô. Theo thống kê 6 tháng đầu năm 2019, tốc độ tăng trưởng ôtô tại TP tăng 15%, còn xe máy chỉ khoảng 6%. Nói về lý do chủ trương và đề án thu phí nêu trên đã nghiên cứu nhiều năm nhưng vẫn loay hoay và hiện được đề xuất lại, ông Đường cho rằng sau khi rà soát và đánh giá, nhiều vấn đề lớn đã thay đổi, trong đó, những yếu tố quan trọng nhất là tính pháp lý và công nghệ hiện đã cơ bản được giải quyết nên sở đề xuất lại.
Ông Ngô Hải Đường phân tích công nghệ thu phí tự động RFID (xác định và theo dõi các thẻ nhận dạng gắn ở phương tiện) đã có thể triển khai trong cả nước và hiện áp dụng ở các trạm thu phí không dừng. Vì vậy, khi triển khai có thể đồng bộ với nhiều loại hình đang thu phí khác qua công nghệ. Mặt khác, liên quan đến tính pháp lý, ông Đường cho biết theo Nghị quyết 54, TP HCM được ban hành một số loại phí theo cơ chế đặc thù, đồng thời phía Bộ GTVT cũng đang dự thảo điều chỉnh Nghị định 46 và TP HCM đang kiến nghị bổ sung nhiều vấn đề liên quan đến quy trình phạt nguội đối với các phương tiện không nộp phí.
Trước lo ngại khi triển khai thu phí, việc tổ chức giao thông tại khu vực vành đai được thực hiện như thế nào bởi vấn đề đặt ra là nếu không phù hợp, ùn tắc giao thông sẽ trầm trọng, ông Ngô Hải Đường khẳng định việc thu phí ôtô vào trung tâm chỉ là một trong những giải pháp tổng thể, sẽ đi kèm với việc tổ chức lại giao thông ở phần "lõi" trung tâm, các khu phố đi bộ, loại hình giao thông mới... "Xung quanh vành đai thu phí, bãi giữ xe xây dựng ở đâu, những tuyến buýt kết nối, đối tượng giảm, miễn phí hoặc thu phí trong những khung giờ nào... Tất cả những vấn đề này đều phải được nghiên cứu tổng thể, đi kèm với các giải pháp hỗ trợ. Mục tiêu không phải là trong thoáng ngoài kẹt mà sẽ đồng bộ rất nhiều yếu tố" - ông Đường khẳng định.
Cũng theo ông Ngô Hải Đường, so với những nghiên cứu trước đây của ITD, quy mô dự án cơ bản không thay đổi nhiều. Riêng vốn đầu tư 250 tỉ đồng, so với trước thấp hơn nhiều, bởi nhà đầu tư tính toán dựa trên nhiều khoản phí như lãi vay ngân hàng, thời hạn vận hành, bảo dưỡng...
Phải chứng minh rõ lợi, hại
Theo một số chuyên gia giao thông, phương án thu phí đối với ôtô vào khu vực trung tâm TP HCM cũng là một giải pháp góp phần hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, dự án suốt nhiều năm nghiên cứu đã phải bàn ra tính vào, cho thấy nhiều vấn đề chưa phù hợp và khó khả thi. Những vấn đề đó đã được nêu ra nên phải giải quyết cho được và chứng minh những ảnh hưởng, tác động xã hội, trong đó có những đối tượng bị ảnh hưởng lớn như doanh nghiệp vận tải, xe từ các địa phương khác ra vào TP...
Cần quy hoạch những khu dân cư khép kín
Theo PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, ủy viên Ủy ban MTTQ TP HCM, việc thu phí ôtô ra vào trung tâm mang tính "miễn cưỡng". Thay vì thực hiện thu phí như trên thì giải pháp trước mắt có thể tăng cường đầu tư công nghệ, cảnh báo hiệu quả cho người dân tránh lưu thông vào những tuyến đường ùn tắc. Còn về giải pháp căn cơ cho nạn kẹt xe, ông Ninh cho rằng cần quy hoạch những khu dân cư khép kín, đáp ứng đầy đủ các tiện ích, từ đó hạn chế nhu cầu đi lại.
Ủng hộ nhưng phải rõ ràng, cụ thể
Bà Lê Tuyết Mai - nhà ở đường Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM - cho rằng việc thu phí ôtô vào trung tâm TP HCM lẽ ra phải được triển khai sớm vì thực tế khu trung tâm đang bị ôtô lấn chiếm, không gian đường phố không còn chỗ thở. "Nếu đường phố thông thoáng, ngân sách lại có thêm tiền nhờ thu phí thì dân khu trung tâm hẳn ai cũng thích" - bà Mai nói.
Tuy nhiên, theo bà Mai, trước khi thực hiện, chính quyền phải làm rõ những gia đình trong khu trung tâm có ôtô thì được giải quyết thế nào, có được giảm hay miễn phí. Kế đến, giao thông công cộng có đáp ứng được nhu cầu khách vào trung tâm vui chơi mua sắm hay không, nhằm bảo đảm sinh kế của người dân khu trung tâm...
Bình luận (0)