Ngày 11-4, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đã dự hội nghị sơ kết triển khai thực hiện thí điểm đánh giá sự hài lòng của người dân và tổ chức đối với công tác cải cách hành chính trên địa bàn TP năm 2018, triển khai kế hoạch thực hiện năm 2019 do Ủy ban MTTQ TP HCM tổ chức.
Tỉ lệ hài lòng cao
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM Vũ Thanh Lưu cho biết năm 2018, Ủy ban MTTQ TP đã chọn 5 đơn vị - gồm Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND quận 1, UBND quận 12, UBND huyện Hóc Môn - để khảo sát sự hài lòng của người dân và tổ chức đối với công tác cải cách hành chính. Theo đó, MTTQ TP HCM đã tiếp cận khảo sát 2.468 người dân và tổ chức nhưng chỉ khảo sát thành công 1.132, trong đó khảo sát qua điện thoại 1.051, gặp trực tiếp 81. Kết quả, tỉ lệ người dân hài lòng (cho điểm từ mức 6 trở lên) là: Sở kế hoạch và Đầu tư 92%, Sở Xây dựng 93%, quận 1 là 92%, quận 12 là 91% và huyện Hóc Môn là 83%.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo hội nghị
Bên cạnh kết quả đạt được, ông Vũ Thanh Lưu cũng chỉ ra những hạn chế như công tác triển khai, tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp về ý nghĩa, mục đích khảo sát của Ủy ban MTTQ TP HCM chưa sâu rộng. Do đó, còn tình trạng một bộ phận người dân và doanh nghiệp (trong mẫu được lấy ý kiến) không tham dự buổi khảo sát trực tiếp tại các đơn vị hoặc không có ý kiến, cũng như không trả lời câu hỏi của các điều tra viên qua điện thoại.
Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM, cho rằng kết quả trên phản ánh một phần thực trạng và chất lượng giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước, cùng sự mong đợi của người dân. Sự điều chỉnh quan trọng nhất là cần tập trung nâng cao sự trải nghiệm nào cho người dân, doanh nghiệp? Trả lời câu hỏi này, theo bà Châu, điều đó có thể đến từ một hành động nhỏ, như sửa lại bàn ghế khu đón tiếp công dân, nhắc nhở một cán bộ ở khâu nào đó còn chưa niềm nở, chưa nhiệt tình hướng dẫn các thủ tục nhà đất; đến những việc to tát hơn nghiên cứu, đề xuất rút ngắn quy trình hồ sơ thủ tục, xây dựng văn hóa giao tiếp, văn hóa truyền thông của công chức, đặc biệt ở bộ phận một cửa, tiếp công dân.
Phải thường xuyên hơn
Theo ông Huỳnh Công Hùng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM, kết quả khảo sát giúp các cơ quan hiểu rõ hơn về tinh thần trách nhiệm, thái độ giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong từng cơ quan, đơn vị. Ông Hùng đề nghị tới đây, cần mở rộng khảo sát, đánh giá thêm nhiều lĩnh vực mà người dân quan tâm; đồng thời có sự so sánh với kết quả khảo sát, đánh giá hằng năm theo tiêu chí của hệ thống đánh giá PAPI. Qua đó, tìm ra được những hạn chế cần khắc phục trong các cơ quan hành chính, từ xã - phường đến TP. Sau kết quả đánh giá, cũng cần rà soát, xử lý kịp thời những yếu kém, tồn tại ở mỗi khâu, trách nhiệm cá nhân thuộc về ai…
Đồng tình với ý kiến trên, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, cho rằng xử lý kết quả sau khảo sát là hết sức cần thiết, qua đó thấy được chỉ số nào tốt, chỉ số nào chưa tốt để có biện pháp chấn chỉnh thích hợp. Ông Tuấn kiến nghị cần khảo sát thường xuyên, liên tục, định kỳ hằng năm và ở tất cả cơ quan hành chính của TP; đồng thời có sự so sánh, kiểm chứng cụ thể các chỉ tiêu đánh giá xem có sự chuyển biến ra sao để đưa ra biện pháp chấn chỉnh, nhất là đối với các cá nhân, tổ chức còn những yếu kém, thiếu sót gây ra sự không hài lòng của người dân và tổ chức.
Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Phó Chủ tịch UBND quận 1, đề nghị việc đánh giá sự hài lòng nên đi vào vụ việc cụ thể và cần phản hồi cho đơn vị được đánh giá để biết được các hồ sơ không hài lòng là nguyên nhân vì sao. Theo bà Hường, nên có chuẩn đánh giá để có điểm tương đồng và việc đánh giá sát hơn.
Đối chiếu và nhân rộng
Ông Lê Đăng Trung, Giám đốc Công ty TNHH Phân tích Thời Gian - đơn vị phối hợp khảo sát, nhận xét việc triển khai trên điện thoại thuận lợi hơn, mọi cuộc đánh giá hài lòng đều ghi âm để quản lý điều tra viên và có thông tin chi tiết của người dân.
Tuy nhiên, với việc chỉ gặp trực tiếp 81 người để khảo sát và 1.051 người qua điện thoại, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị nên so sánh 2 hình thức có khác nhau hay không. Nếu giống nhau thì chỉ cần khảo sát một hình thức, nghĩa là hoặc gặp trực tiếp hoặc qua điện thoại, còn khác thì nên tính lại. Hơn nữa, cần lưu ý và xem lại nguyên nhân vì sao người dân và tổ chức được liên hệ không tham gia khảo sát.
Nói về kế hoạch năm 2019, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề nghị việc khảo sát sự hài lòng nên triển khai ở tất cả sở - ngành, quận - huyện. Trước mắt, 6 tháng đầu, thực hiện khảo sát 1/2 sở - ngành, quận - huyện. Theo đó, nên tập trung khảo sát các hồ sơ, lĩnh vực có nguy có chưa hài lòng cao. Sau đó, chọn chuyên đề để khảo sát.
"Khảo sát xong nên đối chiếu ngay với đơn vị khảo sát, xem việc đối chiếu là khâu bắt buộc" - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu. Đặc biệt, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh báo cáo khảo sát phải có đơn vị kiểm định, bởi kết quả khảo sát sự hài lòng gắn với thu nhập tăng thêm.
Theo bà Tô Thị Bích Châu, dịch vụ hành chính là sự tương tác trực tiếp giữa người dân và chính quyền. Vì thế, chất lượng dịch vụ cần được quản lý, đo lường và điều chỉnh cho tương thích với nhu cầu trong từng thời điểm.
Bình luận (0)