xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

TP HCM: Taxi Vinasun dán bảng phản đối Uber, Grab

Gia Minh

(NLĐO) - Tình trạng taxi truyền thống dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grab đã "lây lan" từ Hà Nội tới TP HCM sáng 8-10

Những xe dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grab thuộc hãng taxi Vinasun với nội dung: "Yêu cầu Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam"; "Đề nghị dừng thí điểm Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh". Những xe này lưu thông trên nhiều tuyến đường ở khu vực trung tâm TP HCM, đón - trả khách bình thường.

TP HCM: Taxi Vinasun dán bảng phản đối Uber, Grab - Ảnh 1.

Khẩu hiệu phản đối Uber, Grab dán sau một taxi Vinasun lưu thông trên đường phố TP HCM sáng 8-10 (ảnh: Lê Phong)

Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP HCM kiêm Giám đốc hãng taxi Vinasun, xác nhận có hiện tượng trên. Theo ông, đó là tình trạng tự phát của một số tài xế, không phải chỉ đạo của hãng và lãnh đạo đơn vị đang rà soát để có hướng xử lý.

Trong khi đó, đại diện hãng taxi Mai Linh khẳng định xe của hãng tại TP HCM chưa có tình trạng trên và doanh nghiệp này cũng không có chủ trương.

Trước đó, sau nhiều lần thể hiện sự bất bình và phản đối kịch liệt hoạt động của Uber, Grab nhưng không hiệu quả, Hiệp hội Taxi Hà Nội có văn bản kiến nghị dừng khẩn cấp đề án thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (gồm đại diện là Uber, Grab).

Văn bản này gửi tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành, địa phương liên quan. Đáng nói, động thái này cũng được Hiệp hội Taxi TP HCM hưởng ứng.

Sau khi bị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) từ chối, nhiều hãng taxi ở Hà Nội lần lượt dán các khẩu hiệu phản đối Quyết định 24 của bộ về đề án thí điểm Uber, Grab, với các thông điệp như: "Chúng tôi phản đối kế hoạch thí điểm Quyết định 24 của Bộ GTVT có nhiều sai phạm. Yêu cầu dừng ngay việc cấp phù hiệu xe thí điểm vì phá vỡ quy hoạch..."; "50.000 xe thí điểm theo Quyết định 24 của Bộ GTVT có doanh thu 18.000 tỉ nhưng chỉ nộp thuế 15,8 tỉ"... Việc dán các nội dung tương tự này đã tiếp tục "lây lan" tới TP HCM.


TP HCM: Taxi Vinasun dán bảng phản đối Uber, Grab - Ảnh 2.

Khẩu hiệu yêu cầu dừng đề án thí điểm Grab, Uber (ảnh: Lê Phong)

Mâu thuẫn trong thông điệp trên, ai cũng có thể thấy, là việc triển khai đề án thí điểm không chỉ áp dụng cho Uber, Grab mà chính những doanh nghiệp taxi truyền thống cũng tham gia. Cụ thể, đó là Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (V.CAR), Công ty CP Vận tải 57 Hà Nội (THANH CONG CAR), Công ty CP Sun Taxi (S.CAR), Công ty CP Tập đoàn Mai Linh (Mai Linh Car)...

Nhiều hãng taxi truyền thống đã tự "làm mới" mình khi áp dụng công nghệ gọi xe tương tự Uber, Grab... Thế nhưng, với động thái phản đối kịch liệt như trên, có thể thấy họ vẫn đang thất thế trong cạnh tranh. Việc kiến nghị dừng ngay đề án thí điểm, dán khẩu hiệu phản đối đối thủ... cho thấy sự bất lực, cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí "lầy lội" như nhiều ý kiến nhận xét trên các trang mạng xã hội.

Tại các TP lớn như Hà Nội và TP HCM, từ khi có Grab và Uber tham gia thị trường, hoạt động kinh doanh của nhiều hãng taxi truyền thống bị ảnh hưởng nặng nề, doanh thu giảm sút.

Các hãng taxi truyền thống cho rằng việc quản lý giữa 2 loại hình taxi truyền thống và taxi công nghệ như Uber, Grab có quá nhiều bất cập. Taxi truyền thống phải "cõng" nhiều thuế, phí..., trong khi khi Uber, Grab thì không. Vì vậy, các doanh nghiệp taxi truyền thống kiến nghị phải thay đổi những quy định trong việc quản lý, áp dụng tương đồng giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ để tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch - đồng nghĩa Uber, Grab phải chịu các quy định, điều kiện như taxi truyền thống.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nếu Uber, Grab phải chịu các điều kiện kinh doanh vận tải theo loại hình taxi truyền thống thì sẽ chẳng khác gì một bước lùi trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Việc này cũng làm mất tính đặc thù của taxi công nghệ, không còn tính đa dạng của các loại hình, trái quy luật của thị trường và thế độc quyền cũng không bị xóa bỏ.

Có thể bị xử phạt đến 100 triệu đồng

Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, Công ty Luật TNHH Đức Chánh - Đoàn Luật sư TP HCM, khẩu hiệu "Đề nghị dừng thí điểm Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh" hay "Yêu cầu Uber và Grab tuân thủ pháp luật Việt Nam" mà các tài xế của Vinasun dán trên taxi có dấu hiệu của hành vi được xem là "gièm pha doanh nghiệp khác".

Đây là một trong những hành vi bị cấm theo Điều 39 Luật Cạnh tranh 2004. Theo đó, quy định về hành vi gièm pha doanh nghiệp nêu rõ: "Cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó".

Vì vậy, luật sư Chánh cho rằng Uber hay Grab có quyền khiếu nại đến Cơ quan quản lý cạnh tranh nếu cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại do hành vi vi phạm cạnh tranh không lành mạnh.

Đồng thời, luật sư Chánh cũng dẫn khoản 4 Điều 2 Nghị định 06/2006 của Chính phủ thì về cạnh tranh, Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công thương có nhiệm vụ và quyền hạn: Thụ lý, tổ chức điều tra các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh để Hội đồng cạnh tranh xử lý theo quy định của pháp luật; Tổ chức điều tra xử lý đối với các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh và các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh khác theo quy định của pháp luật.

Về nguyên tắc tố tụng cạnh tranh thì việc giải quyết vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh thực hiện theo quy định của Luật Cạnh tranh 2004 và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Về xử lý vi phạm hành chính thì theo Điều 31 Nghị định 71/2014 của Chính phủ, đối với hành vi gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác sẽ bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng.

Còn hành vi gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên sẽ bị phạt tiền từ 50-100 triệu đồng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo