Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lượng gạo xuất 5 tháng đầu năm đạt gần 2,9 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu 1,41 tỉ USD. Giá gạo xuất khẩu tháng qua đạt 527 USD/tấn, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2019 là mức cao nhất trong vòng 8 năm qua. Bộ Công Thương cũng dự báo xuất khẩu gạo trong nửa đầu năm nay có thể đạt 3,7 triệu tấn. Trung Quốc, Philippines, Bangladesh, các nước Tây Phi sẽ tăng nhập khẩu gạo, trong khi nguồn cung trong nước dồi dào, mở ra khả năng tăng xuất khẩu gạo trong cả năm.
Tận dụng tối đa nhu cầu thị trường, xuất khẩu gạo được giá sẽ tác động tích cực trở lại việc đầu tư cho mùa vụ mới và phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo. Khi xuất khẩu gạo khởi sắc, thị trường nội địa được củng cố, thì kênh tiêu thụ lúa gạo cho bà con nông dân đã đi được bằng "hai chân", góp phần tạo lập vị thế mới cho gạo Việt.
Hằng năm, chúng ta sản xuất khoảng 44 triệu tấn lúa, tương đương 22 triệu tấn gạo. Tận dụng kênh xuất khẩu gạo được giá là cần thiết, nhưng với lượng gạo xuất khoảng 5 triệu tấn/năm, cũng chỉ chiếm gần 23%, còn lại khoảng 17 triệu tấn gạo tiêu dùng trong nước, chiếm hơn 3,4 lần gạo xuất. Vì vậy, cùng với xuất khẩu gạo, cần quan tâm các phân khúc thị trường tiêu thụ trong nước với gần trăm triệu người dùng và nhiều ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm dùng gạo làm nguyên liệu. Người dùng gạo trong nước với tư cách là khách hàng tiêu thụ hơn 2,5 lần lượng gạo xuất khẩu hằng năm có quyền và cần phải có công cụ truy xuất nguồn gốc gạo, bảo vệ các thương hiệu gạo uy tín, chất lượng.
Những tín hiệu tích cực từ ngành hàng gạo Việt cho thấy một bước chuyển mới. Xuất khẩu gạo tăng trưởng về lượng, giá bán, giá trị, lượng gạo thơm vươn lên chiếm tỉ trọng cao. Cần tiếp tục thực thi nhiều cơ chế, chính sách giải pháp xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo hoàn chỉnh. Phải kiểm soát được tiêu chuẩn chất lượng gạo từ sản xuất, chế biến đến các kênh phân phối bằng pháp luật và chất lượng quản lý. Nông dân đang cần tập hợp lại cùng với các doanh nghiệp đủ mạnh phát triển sản xuất theo các chuỗi giá trị được quản lý từ đầu vào đến đầu ra.
Nâng cao sức cạnh tranh, định chuẩn giống lúa, bảo đảm chất lượng gạo và xác định đúng phân khúc thị trường đầu ra cho hạt gạo để các yêu cầu này tác động trở lại trong toàn bộ chuỗi giá trị gạo Việt và mở ra không gian phát triển mới cho các sản phẩm sau gạo. Gạo Việt đang rất cần trợ lực từ các ngành "công nghiệp phụ trợ". Đó có thể là các ngành công nghiệp mới sau lúa gạo có giá trị gia tăng cao như thực phẩm tiêu dùng (dầu ăn, sữa gạo, thức uống dinh dưỡng...), vật liệu (đánh bóng kim loại), sơn (nano chống cháy), ngành dược, mỹ phẩm, ngành công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
Vị thế của một cường quốc số 1 thế giới về xuất khẩu không phải không cần, nhưng quan trọng hơn là những giá trị mà nó mang lại.
Bình luận (0)