Qúy II và quý III/2023, do công ty ít đơn hàng nên chị Nguyễn Thị Thanh Hương (quê Sóc Trăng), công nhân (CN) Công ty CP Sản xuất Giày Khải Hoàn (huyện Bình Chánh, TP HCM), gần như không tăng ca. Chi tiêu hằng tháng phụ thuộc vào khoản lương chờ việc ít ỏi nên cuộc sống của chị hết sức chật vật.
Mệt mà vui!
Là mẹ đơn thân, bản thân lại có bệnh nên những tháng ít việc, chị Hương luôn sống trong cảnh thấp thỏm. Nhận kỳ lương mỗi tháng, sau khi trừ chi phí sinh hoạt, chị dành phần lớn gửi về quê để cha mẹ chăm sóc con trai.
Nhắc đến con, chị Hương rưng rưng nước mắt bởi rất lâu rồi 2 mẹ con không gặp nhau. Nhiều lần, chị dự định đón con lên TP HCM ở cùng nhưng đành gác bởi công việc lẫn thu nhập đều bấp bênh.
Được tăng ca trở lại, cuộc sống gia đình chị Nguyễn Thị Cẩm Thi, công nhân Công ty TNHH Showa Việt Nam (quận 7, TPHCM), dễ thở hơn .Ảnh: NGỌC ANH
Sang đầu quý IV/2023, nhờ nỗ lực của ban giám đốc công ty nên tình hình đơn hàng cải thiện hơn. Chị Hương cùng nhiều đồng nghiệp bắt đầu tăng ca trở lại.
"Tháng 10-2023, nhờ tăng ca đều nên thu nhập của tôi khá hơn, tiết kiệm được một khoản không nhỏ. Hy vọng từ đây đến cuối năm, tôi có việc làm thường xuyên để mẹ con có một cái Tết sung túc" - chị Hương bộc bạch.
Nghe tin sẽ tăng ca trở lại, nhiều CN Công ty TNHH Freetrend Industrial Việt Nam (TP Thủ Đức, TP HCM) rất phấn khởi. Nhiều tháng qua, do đơn hàng không ổn định nên thu nhập của họ không đủ sống. Với những CN có thâm niên như chị Trần Thị Lệ, dù thu nhập hơn 9 triệu đồng/tháng vẫn phải chi tiêu hết sức dè sẻn.
"Theo thông báo mới nhất, CN sẽ tăng ca từ thứ hai đến thứ sáu, mỗi ngày 1,5 giờ. Vậy là từ đây đến Tết, chúng tôi không lo thiếu việc làm nữa. Tăng ca dù mệt nhưng ai cũng vui vì đây là cơ hội cải thiện thu nhập" - chị Lệ bày tỏ.
Tiếp xúc chúng tôi, nhiều CN cho biết những tháng đơn hàng khan hiếm, do chỉ được hưởng lương cơ bản trong bối cảnh giá cả sinh hoạt leo thang khiến họ hết sức chật vật. Nhiều người có ý định xin nghỉ việc về quê. Do vậy, đơn hàng của doanh nghiệp (DN) nhiều trở lại khiến họ có thêm hy vọng.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), từ đầu quý IV/2023, tình hình đơn hàng ở các DN dệt may, da giày có nhiều tín hiệu tích cực. Điều này một phần nhờ vào nỗ lực của các DN trong việc cơ cấu lại sản xuất, bố trí lại lao động để tiết giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh. Theo nhiều DN, tại thị trường Mỹ, khách hàng đã bắt đầu đặt hàng trở lại cho những tháng cuối năm và đầu vụ xuân hạ 2024. Các đơn hàng cho quý IV/2023 cũng đã dồi dào hơn trước.
Nhẹ gánh lo
Nói về đời sống CN ngoại tỉnh, chị Nguyễn Thị Cẩm Thi (quê Bến Tre), CN Công ty TNHH Showa Việt Nam (quận 7, TP HCM), tóm lại bằng 2 từ: khốn khó.
Hơn 10 năm làm CN, dù làm việc cật lực nhưng chị Thi không tích cóp được gì. Toàn bộ thu nhập từ đồng lương CN của vợ chồng chị chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt và lo cho 2 con.
Mấy năm trước, khi công việc ổn định và tăng ca đều đặn, thu nhập của vợ chồng chị Thi tạm ổn. Lúc đó, không như bấy giờ, mỗi khi nghe tăng ca, vợ chồng chị lại đứng ngồi không yên vì không ai chăm sóc các con. Vì vậy, chồng chị phải chuyển sang làm tài xế cho một DN tư nhân để có thời gian lo cho con. Tuy nhiên, tháng nào không tăng ca, tổng thu nhập của vợ chồng chị chỉ khoảng 15 triệu đồng. Trừ các khoản chi tiêu cố định, họ gần như không có dư.
"Lương thấp, chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống nên ai cũng trông chờ tăng ca để có thu nhập. Vừa rồi, khi nhận được thông báo sẽ tăng ca trở lại, không chỉ riêng tôi mà đồng nghiệp ai cũng mừng" - chị Thi kể.
Những ngày này, hơn 1.000 CN tại Công ty TNHH Thái Sơn S.P (quận Bình Thạnh, TP HCM) rất háo hức chuẩn bị chuyến du lịch 3 ngày 2 đêm định kỳ hằng năm. Đây là dịp để CN tại 3 nhà xưởng ở TP HCM và tỉnh Bình Thuận được gặp gỡ, giao lưu với nhau.
Theo bà Châu Thị Ngọc Liên, Chủ tịch Công đoàn Công ty Thái Sơn S.P, tổ chức được chuyến đi này là điều đáng mừng bởi suốt hơn nửa năm qua, hoạt động sản xuất của DN ảm đạm, đơn hàng giảm nhiều. Mãi đến tháng 8, công ty mới có đơn hàng trở lại và tổ chức cho CN tăng ca 3-4 buổi/tuần. Hầu hết CN rất phấn khởi vì được làm thêm để cải thiện thu nhập. Hiện thu nhập bình quân của CN công ty khoảng 8-10 triệu đồng/tháng.
"Qua thảo luận giữa Công đoàn và ban giám đốc mới đây, dự kiến tình hình lương, thưởng Tết năm nay không biến động so với mọi năm. CN có thể chủ động các kế hoạch cá nhân vào dịp Tết" - bà Liên tự tin.
Tặng vé tàu Tết cho công nhân
Tết Giáp Thìn 2024, ngoài việc trao tặng vé xe cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, bị giảm giờ làm, mất việc, 2 năm liền chưa về quê đón Tết, LĐLĐ TP HCM còn tặng vé tàu nhằm động viên NLĐ đã có những thành tích tốt trong lao động sản xuất. Điều kiện để được xét tặng vé tàu: Vợ hoặc chồng phải là đoàn viên Công đoàn, được người sử dụng lao động đánh giá hoàn thành tốt công việc 3 năm gần nhất và 3 năm không về quê đón Tết; không vi phạm kỷ luật hoặc có sáng kiến kỹ thuật được áp dụng vào thực tế, mang lại hiệu quả thiết thực, được người sử dụng lao động công nhận, giá trị làm lợi từ 15 triệu đồng trở lên.
Các Công đoàn cấp trên sẽ phối hợp với Công ty CP Đường sắt Sài Gòn tổ chức thực hiện hoặc đăng ký mua vé tàu. Riêng Công đoàn các KCX-KCN TP HCM tổ chức chương trình "Chuyến tàu mùa xuân" cấp thành phố, hỗ trợ 100% giá trị vé tàu cho 500 hộ gia đình đoàn viên tiêu biểu, xuất sắc trong hoạt động DN và Công đoàn (vợ, chồng, 2 con dưới 16 tuổi) có nhu cầu về quê đón Tết; ưu tiên hộ gia đình, nơi đến là từ tỉnh Bình Định đến TP Hà Nội.
Bình luận (0)