xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tìm cách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam: Xây nền móng cho công nghiệp văn hóa Việt Nam

KTS Nguyễn Trường Lưu - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP HCM, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP HCM

L.T.S: Tọa đàm "Giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030" do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 23-5 được nhiều cơ quan, ban ngành và bạn đọc đánh giá cao.

Từ hôm nay, báo mở diễn đàn với kỳ vọng nhận được thêm các đề xuất, giải pháp nhằm tập hợp những ý kiến góp ý, hiến kế để xây dựng một thiết chế công nghiệp văn hóa hoàn thiện.

Để có thể thực hiện thành công mục tiêu "phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030", ngay từ bây giờ, TP HCM cần thành lập Ban Nghiên cứu về phát triển công nghiệp văn hóa.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030". Báo Người Lao Động là cơ quan báo chí truyền thông đầu tiên đưa vấn đề này vào đời sống thông qua tọa đàm được tổ chức ngày 23-5, tạo được sự nhìn nhận, đúc kết bao quát các vướng mắc và giải pháp để hướng đến xây dựng các ngành CNVH theo chủ trương của Chính phủ.

Câu chuyện con người và tầm nhìn

TP HCM đã nhìn rõ vấn đề xây dựng CNVH cần những con người "công nghiệp" thực sự. Bởi lẽ, các nguồn lực về cơ chế, chính sách, thiết chế văn hóa, khoa học công nghệ, hợp tác... muốn làm hiệu quả và mang tính nền tảng quan trọng thì yếu tố con người được đặt lên hàng đầu.

Bên cạnh nguồn nhân lực còn phải có tầm nhìn và đây là hai yếu tố đứng ở vị trí trung tâm. Nếu không xem trọng hai yếu tố này ở một TP đông dân, cung ứng lực lượng lao động nhiều gấp bội so với các thành phố khác và cần đi đầu trong quyết sách phát triển ngành CNVH thì chúng ta vẫn sẽ loay hoay mãi.

Tìm cách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam: Xây nền móng cho công nghiệp văn hóa Việt Nam- Ảnh 1.

KTS Nguyễn Trường Lưu

Thực tế cho thấy đội ngũ làm trong các lĩnh vực CNVH chưa được tiếp cận các kỹ năng cần thiết và phát triển chuyên môn để thích ứng trước yêu cầu mới. Hầu hết các lĩnh vực từ điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn đến nhiếp ảnh, thời trang, quảng cáo, du lịch văn hóa... đều ghi nhận tình trạng nguồn nhân lực thiếu, yếu, không đồng đều và chưa đồng bộ.

Lấy câu chuyện từ các nước Trung Đông - nơi có trữ lượng dầu hỏa lớn nhưng họ đã có tầm nhìn xa. Họ biết khai thác dầu rồi sẽ đến ngày cạn nên đã xây dựng rất nhiều thiết chế văn hóa gắn với du lịch và đã thành công.

Có thể thấy trên thế giới hiện nay có nhiều nền công nghiệp được xây dựng ở các thành phố lớn với các loại hình như: chữa bệnh, du lịch, bảo tàng, âm nhạc… và hướng đến CNVH. TP HCM cần có tầm nhìn như vậy mới có chiến lược phát triển đồng bộ.

Nếu không thành lập những ban nghiên cứu về phát triển CNVH thì dẫu đang sở hữu nguồn lực lớn từ đội ngũ văn nghệ sĩ, các nhà chuyên môn, chuyên gia văn hóa..., TP HCM vẫn sẽ chậm một bước trong việc xây dựng thiết chế văn hóa đúng chuẩn cho ngành CNVH tương lai. Chúng ta làm kinh tế về văn hóa thì yếu tố con người rất cần quy tụ những chất xám thuộc hai lực lượng làm kinh tế là kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân. Chúng ta phải giữ thế mạnh kinh tế nhà nước thì mới giữ được hồn cốt của dân tộc, phát triển kinh tế dựa vào các loại hình văn hóa nghệ thuật của thành phố.

Cũng cần xây dựng căn cơ con người làm kinh tế văn hóa. Lâu nay, các thành tựu đạt được hầu hết là từ sự tự phát của một vài cá nhân, tổ chức như: Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM; Ngôi nhà Trúc Mai của NSND Tuyết Mai; các bộ phim "Nhà bà Nữ", "Mai" của Trấn Thành; loạt phim "Lật mặt" của Lý Hải… Tất cả đều của tư nhân, họ có tâm huyết, có một số vốn để làm. Trong số tự phát đó, có người thành công và không thành công, nên cần phải có định hướng mới có thành quả như mong muốn. Nói cách khác là cần phải đầu tư yếu tố con người biết làm kinh tế.

Không xây dựng thiết chế văn hóa tràn lan

Muốn phát triển CNVH gắn kết với từng địa phương, phải xem thế mạnh của địa phương đó là gì. Từ đó, có sự đánh giá chính xác và thực hiện chiến lược. Không nên xây dựng tràn lan thiết chế văn hóa mà thiếu mục tiêu.

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035 là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của ngành, thực hiện theo yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Trong quá trình xây dựng chương trình, Bộ VH-TT-DL đã bám sát các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Song, đầu tư cho mục tiêu này như thế nào, cần phải làm rõ, không thể chung chung vì sẽ khó khả thi.

Tìm cách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam: Xây nền móng cho công nghiệp văn hóa Việt Nam- Ảnh 3.

Loại hình kinh doanh nghệ thuật đặc trưng, chất lượng cao vẫn còn khiêm tốn tại TP HCM. Trong ảnh: Một cảnh trong chương trình nghệ thuật “Mekong show” của Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam. Ảnh: THANH HIỆP

Chẳng hạn, TP HCM có thể đề xuất xin ngân sách từ chương trình chấn hưng văn hóa để xây dựng và phát triển CNVH được không? Theo đề cương của Bộ VH-TT-DL thì đến nay, chương trình chấn hưng văn hóa vẫn còn rất trừu tượng. Chương trình này cần phải nhìn từ góc độ kích cầu phát triển CNVH của cả nước, trong đó TP HCM là "đầu tàu kinh tế" vì những lợi thế sẵn có.

TP HCM có bán đảo Thủ Thiêm (TP Thủ Đức), ngoài những kế hoạch tái định cư thì phần đất còn lại cần phải ưu tiên xây dựng thành trung tâm văn hóa; chứ không thể xây lẻ loi một vài rạp hát. Ở đây phải có bảo tàng, nhà triển lãm, nhà hát, trung tâm giao lưu biểu diễn... thì mới có thể "đấu" được với các nước lân cận. Làm sao để khi thế giới muốn đưa loại hình văn hóa giải trí nào đến thì chúng ta đều đáp ứng được nơi biểu diễn, tập hợp đông khán giả.

TP HCM cần quy hoạch không gian sông Sài Gòn bao quanh bán đảo Thanh Đa để làm trung tâm văn hóa. Điều cần thiết hiện nay là những hướng gợi ý này phải có đề cương thật hấp dẫn để kêu gọi các nhà đầu tư quốc tế.

Đào tạo con người phải cụ thể

Lâu nay, chúng ta cứ mặc nhiên xây dựng nguồn nhân lực quản lý theo kiểu cũ. Ví dụ, Nhà hát Giao hưởng Vũ kịch TP HCM, Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen... cứ đưa nhạc trưởng, biên đạo giỏi lên làm giám đốc. Họ chỉ giỏi về chuyên môn, làm sao biết rõ về kinh tế để kinh doanh?

Như vậy, quan trọng là phải kiện toàn bộ máy quản lý, trong đó phải có người làm kinh tế. Các ngôi sao ca nhạc vừa sang biểu diễn tại các nước Singapore, Hàn Quốc… đều có "bộ sậu" giỏi về kinh doanh, nên doanh số của họ lên đến vài trăm triệu đô la.

Muốn được như vậy, chúng ta phải có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thực tế ngay từ bây giờ. Hiện nay, nhiều nước đã đầu tư cho sinh viên, giới trẻ sang Mỹ học. Mỹ là nơi có thị trường CNVH rất lớn, rất mạnh. Lực lượng trẻ các nước sang Mỹ học hỏi, quan sát, đúc kết, từ đó xây dựng chiến lược kinh doanh văn hóa phù hợp với riêng đất nước mình. 

Cần phải sớm làm rõ những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý thời gian qua. Chẳng hạn, Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM quản lý các đơn vị nghệ thuật công lập. Các sân khấu này được nhận kinh phí dựng vở tham gia liên hoan, hội diễn rồi có diễn quảng bá được hay không cũng chẳng sao, vì diễn viên đều được lãnh lương tháng. Hay việc cho thuê rạp để diễn quá nhiều vở tuồng Trung Quốc, diễn viên của đơn vị nghệ thuật công lập cũng mặc nhiên tham gia diễn tuồng Trung Quốc...

Nếu không sớm chấn chỉnh, những hạt sạn này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển CNVH tại TP HCM.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo