Đáng mừng hơn nữa là tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu đạt gần 18%, cao hơn mức tăng gần 16% của xuất khẩu, song cán cân thương mại vẫn xuất siêu gần 20 tỉ USD.
Về nhập khẩu, trong cơ cấu hàng nhập có đến 94% là tư liệu sản xuất - gồm máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu...; chỉ khoảng 16% là sản phẩm tiêu dùng. Kim ngạch nhập khẩu tăng cho thấy chúng ta đang có nhu cầu lớn để chuẩn bị đón đầu nền kinh tế phục hồi, trong đó có chuẩn bị cho xuất khẩu bởi Việt Nam là nền kinh tế gia công xuất khẩu.
Về xuất khẩu, kim ngạch những tháng gần đây liên tục đạt mức cao và tăng dần. Theo đó, tháng 6-2024 đạt 33,7 tỉ USD, tháng 7 tăng lên 36,24 tỉ USD và tháng 8 đạt 37,59 tỉ USD. Trung bình 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu đạt 33,1 tỉ USD/tháng, trong khi trung bình 6 tháng cuối năm ngoái chỉ 31,7 tỉ USD/tháng.
Năm 2023, tăng trưởng xuất - nhập khẩu đều âm và là năm thứ 2 ghi nhận thương mại 2 chiều âm kể từ khi đổi mới đến nay. Năm nay, với kim ngạch xuất - nhập khẩu 8 tháng ước hơn 500 tỉ USD, dự kiến thương mại 2 chiều cả năm có thể đạt 800 tỉ USD. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa có khả năng chạm mốc 400 tỉ USD - cao nhất từ trước đến nay và vượt xa mốc lịch sử 371,82 tỉ USD của năm 2022; tăng trưởng xuất khẩu có cơ sở đạt mức 2 con số.
Những ngày qua, bão lũ ở miền Bắc đã gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản. Sản xuất nông nghiệp và công nghiệp của nhiều địa phương cũng không tránh khỏi ảnh hưởng. Thủ tướng đã chỉ đạo sớm khắc phục hậu quả bão lũ và phục hồi sản xuất - kinh doanh nên ảnh hưởng đến kinh tế nói chung và xuất - nhập khẩu nói riêng sẽ không quá lớn. Mặt khác, nhiều hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được sản xuất ở khu vực phía Nam - nơi không phải gánh chịu thiên tai, như lúa gạo, trái cây, sản phẩm công nghiệp...
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có dấu hiệu khởi sắc khi hàng tồn kho ở các thị trường giảm, chỉ số tiêu dùng hồi phục và niềm tin vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất ngày càng cao..., Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới.
Dẫu vậy, chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn phải đối mặt đến từ các thị trường nhập khẩu chính và lớn. Chẳng hạn, bên cạnh nhiều điều kiện cần thực thi trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA), thị trường lớn này mới đây còn thiết lập những hàng rào kỹ thuật cao hơn, chủ yếu là các tiêu chuẩn xanh, như đánh thuế carbon với hàng hóa, yêu cầu sản phẩm phải tái chế được, cấm phá rừng... Chưa kể, còn nhiều thách thức khác liên quan xung đột chính trị gây gián đoạn chuỗi cung ứng, cước tàu biển và chi phí sản xuất tăng, tình hình thiếu nhân công...
Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam nên coi đây không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm.
Phương Nhung ghi
Bình luận (0)