Nhiều doanh nghiệp (DN) có nhu cầu tuyển dụng số lượng lao động lớn trên địa bàn TP HCM đều "than" tuyển lao động chưa bao giờ khó như hiện nay. Nhiều người khẳng định đây là thời đại "việc đi tìm người" chứ không còn cảnh "người đi tìm việc" như những năm trước.
Nhu cầu lớn nhưng tuyển không đủ
Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM (CSE) cho biết trong tháng 11, trên website của CSE có 10.321 công việc được đăng tuyển. Trong đó, 6.205 vị trí (chiếm hơn 60%) đang tuyển lao động phổ thông (LĐPT), song chỉ có 2.715 người đi tìm việc làm. Tương tự, nhóm ngành kinh tế có 368 người tìm việc nhưng chỉ 26 vị trí tuyển dụng ngành này; ngành thực phẩm, đồ uống có nhu cầu tuyển 1.085 vị trí nhưng chỉ có 472 người nộp đơn.
Xét theo trình độ chuyên môn, gần 83% vị trí đang tuyển công nhân không bằng cấp, có chứng chỉ nghề ngắn hạn dưới 3 tháng, trình độ sơ cấp nghề từ 3 - 12 tháng hay trung cấp. Nhu cầu tuyển người lao động (NLĐ) có trình độ cao đẳng, đại học chỉ chiếm hơn 17%.
Một khảo sát của Việc Làm Tốt với 300 DN thâm dụng lao động được công bố mới đây, cho thấy có khoảng 85% đang gặp tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt có 30% DN báo cáo thiếu hụt hơn một nửa nhân sự cần thiết. Bà Hoàng Thị Minh Ngọc, Giám đốc Việc Làm Tốt, cho biết nhu cầu tuyển dụng lao động tăng mạnh trong nửa cuối năm 2024. Trong đó, 3 ngành là tài xế - kho vận, xây dựng - bất động sản, thợ sửa chữa - công nhân có tốc độ tăng trưởng cao nhất.
Thực tế tại nhiều DN, nhu cầu tuyển lao động diễn ra liên tục là do họ không tuyển đủ số lượng đề ra. Đại diện tuyển dụng của Công ty TNHH Furukawa Automotive Parts Việt Nam (KCX Tân Thuận, TP HCM) cho biết mới đây, công ty có tham gia ngày hội việc làm tại quận 11 (TP HCM) để tuyển lao động. Tuy có nhiều người tham gia nhưng cả buổi công ty không tuyển được lao động nào. "Chúng tôi đang tuyển khoảng 300 lao động từ nay cho đến cuối năm nhưng chưa tuyển đủ dù điều kiện rất đơn giản" - đại diện công ty nói.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, đánh giá một trong 3 thách thức lớn nhất mà các DN thành viên của hội đang gặp phải là khó tuyển lao động. Các DN đã nỗ lực rất nhiều để có được những đơn hàng lớn, ổn định sản xuất cho đến quý I năm sau nhưng giờ đây họ lại đang thiếu nhân công.
Cần thay đổi chính sách
Tại buổi giám sát của HĐND TP HCM mới đây, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, cho biết những năm gần đây xu hướng lao động nhập cư đổ về thành phố có dấu hiệu giảm. Biểu hiện rõ nhất liên quan đến dòng người nhập cư giảm là những ngành thâm dụng lao động, có quy mô LĐPT lớn, cần tuyển số lượng nhiều, luôn trong tình trạng thiếu người.
Nguyên nhân lý giải cho xu hướng này rõ nét nhất là NLĐ thêm lựa chọn công việc ở quê nhà, nhiều việc làm tự do; thị trường lao động quốc tế cũng thu hút một bộ phận NLĐ Việt Nam. Bên cạnh đó, chi phí sinh hoạt tại TP HCM ngày càng cao trong khi thu nhập của LĐPT tăng không kịp cũng là tác nhân khiến NLĐ rời thành phố để tìm đến những nơi có chi phí phù hợp hơn.
Nhiều chuyên gia cho rằng bên trong nghịch lý cung - cầu lao động là lao động thất nghiệp không muốn nhận việc để nhận hết trợ cấp thất nghiệp (TCTN). Họ có xu hướng chọn những công việc thời vụ thay vì ổn định tại một DN nào đó. Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc CSE, cho biết trong 10 tháng đầu năm 2024, đơn vị này đã tiếp nhận 126.116 hồ sơ đề nghị hưởng TCTN. Điều đó đồng nghĩa với số lượng lao động thất nghiệp cũng còn rất lớn.
Tuy nhiên, qua hồ sơ, thông tin tìm kiếm việc làm của NLĐ, CSE ghi nhận thực trạng họ đang hưởng TCTN nhưng không có nhu cầu tìm việc. CSE chủ động giới thiệu việc làm cho NLĐ đến làm thủ tục hưởng TCTN nhưng nhiều người từ chối và cho biết lý do muốn nghỉ ngơi một thời gian.
Bà Thục cho rằng theo quy định, NLĐ có thể bị chấm dứt hưởng TCTN sau 2 lần từ chối công việc do CSE giới thiệu mà không có lý do chính đáng. Song, hầu hết NLĐ đều có lý do chính đáng, rất thuyết phục nên không thể áp dụng quy định này cho họ. "Đây là thực trạng chung của nhiều nơi chứ không riêng gì ở TP HCM. Điều đó cũng đặt ra vấn đề là cần thay đổi chính sách làm sao thúc đẩy NLĐ thất nghiệp sớm quay lại thị trường lao động. Các DN cũng có hướng điều chỉnh để thu hút NLĐ tìm đến với mình" - bà Thục nói.
Theo CSE, trong 11 tháng đầu năm 2024, đơn vị tiếp nhận thông báo tuyển dụng lao động Việt Nam của 7.242 DN, đăng tuyển gần 20.500 vị trí dự kiến tuyển dụng lao động người nước ngoài. Qua theo dõi, có hơn 2.600 lượt NLĐ Việt Nam tương tác ứng tuyển nhưng đến nay chưa có người nào trúng tuyển.
Bình luận (0)