Đầu tháng 1-2024, sau khi doanh nghiệp (DN) thông báo sẽ bỏ khoản thưởng thu hút kể từ năm 2024, hàng trăm công nhân (CN) Công ty TNHH K.L (tỉnh Long An) đã ngừng việc tập thể để phản ứng. Lý do công ty bỏ thưởng là vì gặp khó khăn và để bảo đảm công bằng giữa CN cũ với CN mới.
Phá vỡ cam kết
Năm 2019, để thu hút lao động từ Công ty TNHH T.H (huyện Bình Chánh, TP HCM), Công ty TNHH K.L đã cam kết mỗi năm, ngoài lương tháng 13 sẽ có thêm khoản thưởng đặc biệt 6 triệu đồng/người (tương ứng 500.000 đồng/tháng) dành cho những CN đồng ý chuyển đến làm việc. Vì khoản thưởng này, khoảng 450 CN Công ty TNHH T.H đã chấp nhận đến Công ty TNHH K.L làm việc. Nhiều năm qua, khoản thưởng này vẫn được duy trì song đến nay, công ty thông báo hủy bỏ.
Công ty TNHH K.L cho hay trong 2 năm ảnh hưởng dịch COVID-19, dù hoạt động sản xuất - kinh doanh khó khăn nhưng DN vẫn cố gắng thực hiện cam kết với CN. Năm nay, do tiếp tục gặp khó khăn nên công ty buộc phải có sự điều chỉnh về khoản thưởng thu hút để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, người lao động (NLĐ) không đồng tình với việc DN đơn phương phá vỡ cam kết.
Tại buổi làm việc với Công ty TNHH K.L, tổ công tác hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động tỉnh Long An cho rằng việc DN chi trả chế độ, chính sách cho NLĐ cao hơn luật định luôn được nhà nước khuyến khích. Bên cạnh đó, trong quy định về chính sách thưởng thu hút đối với khoảng 450 CN từ Công ty TNHH T.H chuyển đến, DN không nói rõ sẽ thực hiện bao lâu cũng như thời điểm kết thúc.
Do vậy, trong bối cảnh NLĐ cũng gặp khó khăn, tổ công tác đề nghị công ty cố gắng giữ mức thưởng như trước đây để động viên họ làm việc. Nếu muốn thay đổi về chế độ chính sách, công ty phải thương lượng với NLĐ.
Từ góp ý của cơ quan chức năng, Công ty TNHH K.L cam kết duy trì khoản thưởng thu hút cho số CN từ Công ty TNHH T.H chuyển đến. Song, công ty chi trả 3 đợt, mỗi đợt 2 triệu đồng.
Tuân thủ thỏa thuận
Theo các chuyên gia lao động, dịp Tết Nguyên đán hằng năm là thời điểm tiềm ẩn nguy cơ cao về tranh chấp lao động tập thể. Trong đó, ngoài nguyên nhân về thưởng, tranh chấp còn xuất phát từ các vấn đề liên quan đến tiền lương như: điều chỉnh lương tối thiểu, mức chi trả, thời điểm trả...
Năm nay, thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu không rơi vào tháng 1 như những năm trước mà thực hiện vào tháng 7-2024 nên hạn chế nguy cơ tranh chấp cận Tết. Song, giai đoạn nghỉ Tết Nguyên đán lại trùng với thời điểm trả lương của nhiều DN (mùng 1 Tết là ngày 10-2 dương lịch) nên khả năng tranh chấp gia tăng.
Đơn cử vụ tranh chấp lao động tập thể xảy ra tại Công ty TNHH F.T (tỉnh Bắc Giang) mới đây. Nguyên nhân xuất phát từ việc công ty thông báo sẽ trả lương tháng 1-2024 cho NLĐ thành 2 đợt, 50% trước Tết và 50% sau Tết. Trong khi đó, theo nội dung hợp đồng đã giao kết thì lương của NLĐ sẽ được chi trả vào ngày 12 hằng tháng, tức kỳ lương tháng 1-2024 sẽ trả vào ngày 12-2 (mùng 3 Tết). Nếu ngày trả lương cho NLĐ rơi vào dịp nghỉ lễ, Tết thì sẽ được chi trả sớm.
"Thu nhập của CN vốn thấp, nếu chỉ được thanh toán 50% sẽ không đủ trang trải dịp Tết. Hơn nữa, đến thời điểm nghỉ Tết (ngày 8 đến 14-2), chúng tôi đã làm trọn tháng nên không có lý do gì để công ty giữ lại 50% lương" - một CN bức xúc.
Tại các buổi đối thoại với NLĐ, Công ty TNHH F.T giải thích việc chỉ trả 50% lương không phải do khó khăn về tài chính. Thông thường, từ ngày 1 đến ngày 10 hằng tháng, công ty sẽ chốt ngày công, thực hiện việc tính toán lương và chuyển khoản cho CN vào ngày 12. Tuy nhiên, do ngày 8-2, công ty đã bắt đầu nghỉ Tết, bộ phận làm lương không tính toán kịp, hơn nữa ngày chuyển lương phía ngân hàng cũng đã nghỉ Tết nên không thể thực hiện được. Dù vậy, sau đó, công ty cũng đã cam kết sẽ đốc thúc bộ phận tính lương đẩy nhanh tiến độ để kịp trả 100% lương cho CN trước Tết (ngày 5-2).
Nhận định về vụ việc trên, luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, cho hay Bộ Luật Lao động hiện hành đã quy định về kỳ hạn trả lương cho NLĐ. Theo đó, NLĐ hưởng lương theo giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 15 ngày phải được trả gộp một lần. NLĐ hưởng lương theo tháng được trả một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và phải được ấn định vào thời điểm có tính chu kỳ. NLĐ hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên.
Trường hợp vì lý do bất khả kháng, người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày.
Pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về việc công ty có trách nhiệm trả lương trước hay sau Tết Nguyên đán cho NLĐ. Việc trả lương trước hay sau Tết sẽ do hai bên thỏa thuận và được ghi cụ thể trong hợp đồng lao động. Nếu có khả năng, DN nên giải quyết theo hướng có lợi hơn cho NLĐ, xem đó là cách khuyến khích họ tiếp tục gắn bó với DN sau Tết"- luật sư Trần Hữu Tín lưu ý.
Bình luận (0)