PGS-TS Trần Đắc Phu
"Dù số ca mới có giảm nhưng chúng ta không được chủ quan mà cần phải quyết liệt hơn nữa. Không một quốc gia nào có thể trì hoãn được giai đoạn dịch lây lan ra cộng đồng. Tương tự, tại Việt Nam, điều này cũng sẽ xảy ra sớm hay muộn. Nhưng Việt Nam nhờ kiểm soát tốt dịch trong giai đoạn đầu mà trì hoãn được giai đoạn này lâu hơn, trong khi nhiều quốc gia từ khi có 100 ca lên 1.000 ca chỉ mất 7 ngày.
Ở giai đoạn này, Việt Nam đã kiểm soát và xét nghiệm người nhập cảnh nhiều, nhưng lượng xét nghiệm trong cộng đồng chưa nhiều. Do đó, cần đẩy mạnh xét nghiệm trong cộng đồng, từ đó có cơ sở đánh giá được tình hình dịch. Nguyên tắc dập dịch của Việt Nam vẫn là phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng dập dịch mạnh mẽ, dập "đám lửa nhỏ" không để bùng phát lên thành "đám lửa to". Nếu dịch lan quá mạnh, không khoanh vùng được sẽ tạo sức ép rất lớn lên hệ thống y tế. Khi đó, tỉ lệ tử vong sẽ tăng cao do bác sĩ không thể dồn sức, tập trung cứu các bệnh nhân nặng.
Phun khử trùng người ra vào xóm Bàng (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội) ngày 6-4 sau khi Bộ Y tế công bố nơi đây có ca mắc Covid-19. Cả xóm Bàng với 2.000 dân đã bị phong toả Ảnh: NGÔ NHUNG
Mối quan tâm chính hiện nay của nước ta là các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Nếu Việt Nam không làm tốt, dịch sẽ bùng lên như ở các nước. Giai đoạn này, người dân không được chủ quan, đặc biệt tuân thủ cách ly xã hội. Càng hạn chế tiếp xúc bao nhiêu thì càng phòng bệnh tốt bấy nhiêu và mới có thể bảo đảm chống dịch Covid-19 thành công".
(PGS-TS TRẦN ĐẮC PHU, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 6-4).
Bình luận (0)