Ông Nguyễn Đức Kiên, tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - trong một cuộc họp với Bộ Công Thương - Ảnh: BỘ CÔNG THƯƠNG
"Năm 2020, trong 11 tháng, tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đã có 28 báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề kinh tế xã hội diễn ra trong cả nước. Chúng tôi đánh giá đây là một trong những năm mà tổ tư vấn hoàn thành nhiệm vụ của Thủ tướng giao.
Tổ tư vấn là tập hợp của 16 chuyên gia, trong đó có 5 chuyên gia đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài; nguyên 5 chuyên gia quốc tế thì đã là cộng tác với 3 trường phái kinh tế khác nhau. Ở trong nước có 2 nhóm chuyên gia, 1 nhóm tập trung ở Hà Nội và 1 nhóm tập trung ở TP HCM, hình thành 2 trường phái kinh tế. Như vậy chúng tôi phải hài hòa 5 trường phái kinh tế.
Các thành viên tổ tư vấn đều là các chuyên gia thành danh trong lĩnh vực của mình. Các bạn đã biết các nhà khoa học khi đã thành danh thì họ luôn nghĩ các ý kiến của họ tương đối chuẩn xác. Vì thế, chúng tôi chủ yếu kiên trì vận động, trao đổi, thuyết phục. Một trong những nguyên tắc là chúng tôi thỏa thuận trên cơ sở thế mạnh của từng người, mọi người cùng trao đổi. Với tư cách tổ trưởng tổ tư vấn, tôi chọn ra phương án tối ưu, chứ không phải phương án tốt nhất, để tư vấn cho Thủ tướng.
Chúng tôi cãi nhau là chuyện thường xuyên, không cãi nhau thì bọn tôi bảo rằng không phải là họp.
Quan điểm của chúng tôi nói chung là phải nói thẳng, không sợ trái tai. Có thể có những điều mình nói lãnh đạo có thể không thích hẳn nhưng vì trách nhiệm với đất nước mình phải nói. Đầu tiên mình phải nói đúng, trái tai hay thuận tai lúc ấy bắt đầu mới tính. Mình chọn cách trao đổi, đặt vấn đề do bối cảnh mà trao đổi với nhau.
Chúng tôi không thấy áp lực. Khi thấy mình tư vấn và những ý kiến của mình được chuyển thành quyết sách điều hành của người đứng đầu Chính phủ thì chúng tôi thấy vui. Đó là niềm động viên rất lớn cho anh em trong tổ".
(Ông NGUYỄN ĐỨC KIÊN, tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho biết trên Báo Lao động ngày 13-2).
Bình luận (0)