Ở nước ngoài, cụ thể là Hollywood, các diễn viên "bảo chứng phòng vé", giữ vị trí ngôi sao trong nhiều năm như Tom Cruise, Leonardo DiCaprio, Robert Downey Jr., Tom Hanks, Liam Neeson, Johnny Deep… đều được chia lợi nhuận theo thỏa thuận hợp đồng sau khi tác phẩm thắng phòng vé.
Mức phân chia lợi nhuận của các bom tấn Hollywood không giống nhau, một số ngôi sao được nhận nhiều nhưng một số nhận ít tùy theo thỏa thuận. Tom Cruise từng nhận được lợi nhuận từ nhiều phim: "Vanilla Sky", "The Last Samurai", "Kinght and Day"… do danh tiếng đã trở thành thương hiệu cá nhân của ông.
Trong "Nhiệm vụ bất khả thi 2" chiếu năm 2000, ông được hưởng 30% doanh thu toàn cầu của phim bởi giữ vai trò đóng chính kiêm nhà sản xuất. Đến "Nhiệm vụ bất khả thi 4", ông cũng được phân chia lợi nhuận tương tự.
Về sau, Tom Cruise đầu tư và sản xuất nhiều phim, kiêm luôn vai trò diễn viên, mức phân chia lợi nhuận càng cao nhưng cũng kèm theo đó là rủi ro thua lỗ nếu phim không thắng phòng vé.
Tài tử Robert Downey Jr. đều đặn được chia lợi nhuận từ các phim của Marvel anh tham gia. Tom Hanks từng thu về số tiền 60 triệu USD từ số tiền thù lao thỏa thuận và lợi nhuận phòng vé được chia của phim "Forrest Gump".
Tác phẩm gặt hái 680 triệu USD toàn cầu. Để có được phần chia lợi nhuận, Tom Hanks đã bỏ tiền túi cùng đạo diễn để thực hiện 2 cảnh quay trong phim mà nhà sản xuất từ chối chi trả do thiếu kinh phí.
Việc diễn viên được trả thêm lợi nhuận sau khi tác phẩm thắng doanh thu không chỉ có ở Hollywood mà còn diễn ra tại những nền điện ảnh phát triển châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc. Tài tử Ryu Seung-ryong từng nhận được thù lao 300 triệu won (5,8 tỉ đồng) cho vai chính phim "Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7" và nhận thêm 1,6 tỉ won (31 tỉ đồng) từ phần sinh lời của bộ phim.
Trước đó, ông cùng một số đồng nghiệp chấp nhận thù lao thấp sau khi đánh giá quy mô phim. Tuy nhiên, để bù vào thù lao thấp thì ông cùng mọi người ký hợp đồng sẽ được chia lợi nhuận nếu tác phẩm thắng phòng vé. Những diễn viên không ký hợp đồng này thì chỉ nhận phần thù lao, không được chia lợi nhuận sau khi phim ra rạp.
Các diễn viên Trung Quốc nổi tiếng, thuộc hàng đỉnh lưu, thường có mức thù lao cao và mức phần trăm chi trả lợi nhuận cũng được gộp chung vào thù lao theo thỏa thuận. Thời gian qua, cơ quan quản lý làng phim Trung Quốc đã có những động thái can thiệp để các diễn viên không "hét giá" thù lao quá đà cũng như khiến xảy ra những hành động tiêu cực dẫn đến bê bối.
Ở thị trường phim Việt, để được chia lợi nhuận phim sau khi ra rạp, đa phần, các diễn viên hạng A, ngôi sao phòng vé đều đóng góp phần thù lao của mình để trở thành phần đầu tư sản xuất phim. Khi đó, phim thành công phòng vé, họ được chia tiền theo thỏa thuận. Những cái tên như Thái Hòa, Trấn Thành… trước đó đã từng làm điều này do mức thù lao mỗi vai diễn của họ vốn rất cao.
Gần đây, Anh Tú và Diệu Nhi - phim "Gặp lại chị bầu" của đạo diễn Nhất Trung, cũng trở thành nhà đầu tư phim khi góp vốn sản xuất tác phẩm họ đóng vai chính. Những diễn viên khác đa phần chỉ nhận thù lao đã thỏa thuận trước đó với nhà sản xuất.
Các diễn viên Việt muốn được chia lợi nhuận sau khi phim thắng đậm doanh thu ở rạp thì chỉ có phương thức ký hợp đồng góp vốn, trở thành nhà đầu tư của phim. Với những phim doanh thu quá cao, nhà sản xuất có thể thưởng thêm cho diễn viên tham gia nhưng tùy theo sự tự nguyện của nhà sản xuất.
Thị trường điện ảnh Việt còn non trẻ, đang trong quá trình phát triển, chưa có nhiều gương mặt "bảo chứng phòng vé" như các sao Hollywood hay các nền điện ảnh phát triển khác đã có thương hiệu bền vững, chứng tỏ thành tích trong nhiều phim liên tục. Họ có được thương hiệu, danh tiếng để nhà sản xuất săn đón, mời bằng được vào phim kèm theo các điều kiện đàm phán hợp đồng có lợi.
Trấn Thành là một trong những gương mặt có thể đạt được điều này nhưng anh hiện tại đã là nhà sản xuất kiêm nhà đầu tư, đạo diễn và tham gia diễn xuất trong tác phẩm của mình. Thái Hòa, Lý Hải cũng ở vị thế tương tự.
Bình luận (0)