Nhà đài căn cứ vào rating để trả tiền, đặt hàng nhà sản xuất. Các đơn vị làm phim dựa vào rating rút kinh nghiệm “xoay chuyển đề tài, định vị mục tiêu” cho phù hợp với cái gọi là thị hiếu khán giả. Nếu cứ lệ thuộc vào còn số chưa biết rõ tính chính xác đến đâu này thì có thể làm lệch giá trị, thước đo nhận thức, thậm chí ảnh hưởng đến kinh tế. Đây là nỗi lo chung của nhiều người trong giới làm nghề.
Chỉ có tính tương đối?
Là một trong những đơn vị sản xuất phim truyền hình có đăng ký dịch vụ đo rating từ TNS Media Việt Nam, bà Nguyễn Thị Trúc Mai - Giám đốc Hãng phim M&T Pictures - cho rằng: “Mấy năm trước, phương pháp đo rating “rất ghê” nhưng theo tôi, càng lúc TNS càng có cơ sở hoạt động thuyết phục hơn. Kết quả khảo sát cũng có thể đã phản ánh đúng chỉ số người xem đối với những khung giờ phim nhất định”.
Bà Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban Khai thác phim truyện Đài Truyền hình TP HCM, thông tin: “Các đơn vị căn cứ vào rating để đầu tư quảng cáo sẽ không dựa vào mức target 4+ (rating đo bao gồm nhiều đối tượng, giới tính, tuổi tác, thường cho chỉ số thấp) mà căn cứ vào target tính riêng theo đối tượng khán giả nữ hay khán giả tuổi mới lớn. Hiện nay, ngoài các chương trình truyền hình thực tế lên sóng trực tiếp mỗi lần đều có rating cao, trên dưới 10.0; còn lại phim truyền hình dao động từ 3.0-4.0. So ra, ở thời điểm này, mức rating như vậy là đã ổn”.
Không phủ nhận lợi ích của những con số mà TNS điều tra mang lại cho hoạt động kinh doanh truyền hình nhưng liệu chỉ số này chính xác đến đâu và có thỏa đáng không khi sử dụng rating như một thước đo quyết định sự sinh tử của các bộ phim, chương trình truyền hình và sự sống còn của các nhà sản xuất, nhà đài? Đây là vấn đề cần được mổ xẻ.
Một con số đo được chưa hẳn đã phản ánh hoàn toàn tính chất hay - dở, thành - bại của một chương trình hay một bộ phim. Mọi số liệu chỉ có tính chất tương đối nhưng bi kịch của việc chạy theo và quá phụ thuộc vào rating là ở chỗ rất nhiều chương trình, bộ phim hay, có ý nghĩa dần thu hẹp, thậm chí “chết oan”.
Mất dần giá trị
Một thực tế rõ ràng hiện nay là đa số chương trình có chất lượng, có giá trị nghệ thuật lại không được phát sóng vào giờ đẹp, kênh đẹp. Đơn giản vì nó không phải được mua bản quyền từ những chương trình đình đám của nước ngoài, không được lăng-xê rầm rộ, không có dàn giám khảo “hot” nên ít thu hút người xem, rating thấp. Đã từng có những chương trình bị nhà đài “đá” văng ra khỏi sóng giờ vàng để nhường đất cho các chương trình truyền hình thực tế ăn khách, rating cao, quảng cáo “khủng”.
Nhà biên kịch Châu Thổ khẳng định rating nếu lệch đối tượng khảo sát sẽ có ảnh hưởng rất nguy hại đến những chuẩn mực, giá trị nghệ thuật. “Có những phim giá trị, tính giáo dục cao thì rating thấp mà chưa chắc là đã không có khán giả; trong khi những phim hài, tầm tầm thì có thể rating khá cao. Nếu dựa vào rating để quyết định nội dung, đề tài làm phim thì tôi cho rằng thị hiếu sẽ càng ngày càng đi xuống. Nếu mẫu khảo sát tập trung đa phần ở đối tượng khán giả bình dân thì sự lệch chuẩn là điều tất yếu”. “Tôi không rõ đối tượng được chọn làm mẫu khảo sát như thế nào, điều tôi lo ngại là chỉ số này sẽ làm lệch thị hiếu khán giả bởi vì mọi thứ đều phải căn cứ vào đó. Điều này không thể thấy bằng mắt nhưng sẽ thẩm thấu dần vào tinh thần của mỗi người” - bà Phạm Trường Sơn bày tỏ.
Làm thế nào để cân bằng giữa những chương trình mang tính nghệ thuật và những chương trình mang lại lợi ích kinh tế là việc không dễ, đòi hỏi nhận thức của những người làm văn hóa, cũng chính là các nhà sản xuất, nhà đài. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, ít có đơn vị nào dám mạo hiểm bỏ tiền đầu tư làm phim “giáo dục, nghệ thuật, giá trị” kinh phí cao cũng chỉ vì “ám ảnh rating”. Đại diện của một đơn vị sản xuất nói: “Rốt cuộc, ai cũng làm kinh doanh, lợi nhuận mới là quan trọng, quyết định”.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 18-3
Vì rating, bất chấp tất cả
Rating không chỉ đo thị hiếu khán giả, giúp nhà đài, nhà sản xuất tự điều chỉnh chương trình mà còn là cơ sở để các doanh nghiệp rót tiền quảng cáo nhiều hay ít. Bởi vậy, điều kiện tiên quyết để các nhà sản xuất truyền hình chen chân lên sóng các kênh truyền hình có đông người xem là chương trình phải có được rating cao. Cũng chính vì vậy, truyền hình thực tế thời gian qua đầy rẫy chiêu trò, bất chấp tất cả, miễn là thu hút càng đông người quan tâm càng tốt.
Chương trình “sạch”, ít chiêu trò thì rating thấp, trong khi chương trình lắm xì-căng-đan thì rating tăng vọt. Vì thế, để giành giật khán giả, các nhà sản xuất không ngại lao vào khai thác những yếu tố tạo sốc, giật gân, xì-căng-đan... nhằm tăng rating, thu về quảng cáo thật nhiều. Những xì-căng-đan trong các chương trình truyền hình thực tế vừa qua là kịch bản của nhà sản xuất. Sau khi nhanh chân mua được bản quyền “hot”, “xí” được giờ vàng, các nhà sản xuất phải vắt óc suy nghĩ làm cách nào để tạo sự chú ý, thu hút khán giả mỗi lúc một nhiều. Dễ hiểu vì sao những chương trình ban đầu chỉ số rating rất thấp nhưng ngày càng tăng theo mức độ gây sốc, xì-căng-đan và tăng cao nhất ở gần cuối chương trình.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất cũng chịu nhiều áp lực. Nếu rating thấp, thua các đối thủ cạnh tranh khác, họ dễ dàng bị nhà đài cho ra khỏi sóng giờ vàng. Quan trọng hơn là túi tiền của mỗi bên cũng bị vơi đi không ít. Do đó, mặc cho dư luận đòi tẩy chay hay lên án, những người làm chương trình vẫn cắn răng, không quan tâm đến những giá trị nào khác ngoài rating.
Bình luận (0)