Chương trình phi lợi nhuận "Bây giờ đã đến tháng mười" do Trigger Film Academy và Storii tổ chức sẽ trình chiếu 9 tác phẩm điện ảnh của NSND Đặng Nhật Minh tại rạp Dcine Bến Thành, từ ngày 5 đến 29-10.
Những vấn đề con người
NSND Đặng Nhật Minh là một trong những đạo diễn có sự nghiệp điện ảnh ấn tượng với tinh thần làm việc bền bỉ. Ông tạo ra các tác phẩm với cách tư duy sáng tạo, hướng đến những vấn đề con người, vấn đề nhân loại quan tâm và mang đậm hơi thở thời đại. Nhận thấy tầm ảnh hưởng to lớn của đạo diễn Đặng Nhật Minh với điện ảnh Việt nói riêng và nghệ thuật Việt Nam nói chung, Trigger Film Academy phối hợp Storii và Dcine tổ chức chương trình "Tháng phim Đặng Nhật Minh: Bây giờ đã đến tháng mười".
Áp phích của chương trình “Tháng phim Đặng Nhật Minh: Bây giờ đã đến tháng mười”. (Ảnh do BTC cung cấp)
Chương trình sẽ lần lượt trình chiếu 9 tác phẩm điện ảnh, tài liệu của NSND Đặng Nhật Minh gồm: "Bao giờ cho đến tháng mười", "Cô gái trên sông", "Mùa ổi", "Thương nhớ đồng quê", "Tháng Năm - Những gương mặt", "Trở về", "Thị xã trong tầm tay", "Hà Nội mùa đông năm 46", "Hoa nhài". Đây cũng là lần đầu tiên tác phẩm điện ảnh cuối cùng trong sự nghiệp của NSND Đặng Nhật Minh là "Hoa nhài" được trình chiếu tại TP HCM. Mỗi phim được chiếu 1 suất và hoàn toàn miễn phí dành cho những khán giả yêu thích, muốn thưởng thức phim của đạo diễn lão làng này.
"Chúng tôi tin rằng chương trình chiếu phim này sẽ trở thành cầu nối văn hóa quan trọng để phổ biến các tác phẩm xuất sắc của điện ảnh Việt Nam đến thế hệ trẻ và giúp làm sinh động hơn đời sống văn hóa, nghệ thuật của người dân TP HCM" - đạo diễn Lê Bình Giang, Trưởng Ban Tổ chức chương trình, bày tỏ.
Đặc biệt, trong buổi chiếu khai mạc chương trình, NSND Đặng Nhật Minh sẽ giao lưu trực tuyến với khán giả đến thưởng thức tác phẩm "Bao giờ cho đến tháng mười" và ông cũng giao lưu với khán giả trong buổi chiếu bế mạc tháng phim với tác phẩm "Hoa nhài".
Tận hiến cho điện ảnh
NSND Đặng Nhật Minh sinh năm 1938 tại Huế, có cha là Giáo sư Đặng Văn Ngữ - bác sĩ đầu ngành nghiên cứu về ký sinh trùng của Việt Nam và mẹ là bà Tôn Nữ Thị Cung - con gái danh thần triều Nguyễn Tôn Thất Đàn. Không như mong muốn của cha là thành một bác sĩ, NSND Nhật Minh từ một phiên dịch viên tiếng Nga cho các đoàn chuyên gia về dạy tại trường điện ảnh, đã bước chân vào lĩnh vực này và đi đến tận cùng trong vai trò đạo diễn.
Phim “Bao giờ cho đến tháng mười” - tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt. (Ảnh do BTC cung cấp)
Ông khởi đầu sự nghiệp bằng các phim tài liệu: "Theo chân những người địa chất", "Hà Bắc quê hương", "Tháng Năm - Những gương mặt", "Nguyễn Trãi". Sau đó, ông có những tác phẩm đầu tay: "Những ngôi sao biển", "Ngày mưa cuối năm". Tác phẩm "Thị xã trong tầm tay" do ông viết kịch bản và đồng đạo diễn với Phó Bá Nam đã trở thành tác phẩm điện ảnh đầu tiên mang đậm dấu ấn cá nhân của ông, tạo nên tiếng vang lớn. Nội dung phim kể câu chuyện xảy ra ở thị xã Lạng Sơn ngay sau cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung. Nhà báo Vũ lên Lạng Sơn làm phóng sự về tình hình của thị xã sau khi quân Trung Quốc tàn phá và rút về bên kia biên giới. Những ký ức của Vũ về Lạng Sơn, về mối tình đã xa với Thanh, về thân phận con người thời chiến lần lượt hiện về giữa xứ Lạng đổ nát do chiến tranh để lại. Phim đã giành được giải Bông sen vàng tại Liên hoan Phim Việt Nam năm 1987.
Sau khi tạo được tiếng vang trong nước, NSND Đặng Nhật Minh bước ra thế giới với "Bao giờ cho đến tháng mười", tác phẩm do ông đạo diễn và viết kịch bản. Phim khai thác câu chuyện về Duyên, mang trong mình nỗi đau khi biết tin chồng hy sinh trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Duyên che giấu chuyện này với gia đình và nhất là người cha già đang bệnh nặng. Cô nhờ thầy giáo Khang viết hộ những bức thư gửi về hỏi thăm nhà như khi chồng còn sống vẫn làm. Lâu dần, những tiếng đồn dị nghị rằng Duyên và thầy giáo Khang có tư tình lan ra… Phim không chỉ thắng các hạng mục giải thưởng trong nước mà còn được công chiếu tại Liên hoan Phim quốc tế Hawaii năm 1985, đánh dấu tác phẩm điện ảnh Việt đầu tiên được chiếu tại liên hoan phim của Mỹ.
Cảnh trong phim “Mùa ổi”. (Ảnh do BTC cung cấp)
"Bao giờ cho đến tháng mười" còn nhận được bằng khen của Ủy ban Bảo vệ hòa bình tại Liên hoan Phim quốc tế Moscow. Năm 2008, phim được CNN đánh giá là một trong 18 phim châu Á xuất sắc mọi thời đại. Những phim sau này của ông như: "Trở về", "Thương nhớ đồng quê", "Mùa ổi", "Đừng đốt" cũng nhận được nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế khác nhau.
NSND Đặng Nhật Minh được phong tặng NSND năm 1993 và nhận Huân chương Lao động hạng nhất năm 1998. Ông được vinh danh giải thưởng "Thành tựu trọn đời" vì những cống hiến xuất sắc cho điện ảnh châu Á tại Liên hoan Phim quốc tế Gwangju 2005. Năm 2007, ông nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh cho các tác phẩm: "Thị xã trong tầm tay", "Bao giờ cho đến tháng mười", "Hà Nội mùa đông năm 46", "Mùa ổi". Năm 2010, ông được Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ vinh danh tại Hollywood là đạo diễn có đóng góp xuất sắc cho điện ảnh Việt Nam. Năm 2013, ông nhận Giải thưởng Điện ảnh Hòa bình Kim Daejung. Năm 2022, ông được Đại sứ Pháp Nicolas Warnery trao tặng Huân chương Hiệp sĩ Văn học Nghệ thuật cao quý của Pháp...
Năm 2020, ở tuổi 82, ông vẫn hăng say với điện ảnh và khởi quay tác phẩm "Hoa nhài" lấy bối cảnh Hà Nội và do một hãng phim nhỏ ở Huế đầu tư sản xuất. Ông gọi đây là bộ phim "tâm huyết lúc cuối đời" của mình, tác phẩm cuối cùng trong sự nghiệp. Phim đóng máy và hậu kỳ vào năm 2021, ra mắt tại Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội năm 2022. "Hoa nhài" là món quà của tôi dành tặng cho Hà Nội nhưng tôi cũng muốn gửi đến người dân TP HCM vì chúng ta đều là người Việt. Tôi từng ngủ trong Dinh Độc Lập vào đúng ngày 30-4 vì thế có rất nhiều cảm xúc và kỷ niệm với vùng đất này. Tôi muốn gửi chút hương nhài đến với TP HCM" - NSND Đặng Nhật Minh cho biết khi tác phẩm sắp trình chiếu tại TP HCM.
Với tất cả sự tận hiến cho điện ảnh, NSND Đặng Nhật Minh xứng đáng với sự tôn vinh, ngưỡng mộ từ thế hệ trẻ. Thông qua tháng phim về ông, những tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt sẽ đến với khán giả trẻ nhiều hơn để họ hiểu biết nhiều hơn về góc nhìn đa dạng, độc đáo của một trong những đạo diễn kỳ cựu của làng phim Việt.
Bình luận (0)