Vốn là vấn nạn lâu nay ở Việt Nam nhưng chưa khi nào sách giả lại bán ngang nhiên như bây giờ. Một tên sách xuất bản ăn khách là lập tức có hàng chục phiên bản được in lậu xuất hiện trên thị trường. Trước đây, sách giả chỉ bán trà trộn trong nhiều nhà sách hoặc bày bán lề đường nhưng nay, chúng được rao bán tràn lan trên mạng qua các kênh bán hàng thương mại điện tử có đông người mua với chiết khấu lên đến 60% giá bìa.
Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, nói trong buổi họp báo rằng tình trạng này khiến chúng ta bi quan hơn vì nó không được khắc phục mà còn trầm trọng thêm. Thiệt hại này không chỉ là vấn đề kinh tế đối với các nhà làm sách chân chính, nguồn thu thuế của nhà nước mà còn là uy tín của các nhà xuất bản, là lòng tin của công chúng với ngành xuất bản và pháp luật.
First News đưa ra một loạt đầu sách bị làm giả để công luận có cơ sở so sánh, đối chiếu. Dù trình bày như sách thật nhưng chất lượng giấy, màu sắc sách giả kém hơn, đặc biệt là sai sót về câu chữ, từ ngữ trong mỗi trang vì nhập liệu bằng cách thức sao chép từ bản in hợp pháp nhưng không được sửa lỗi chính tả trước khi in. Đây là yếu tố nguy hại đối với người đọc nhưng chưa được cơ quan chức năng coi trọng trong xử lý sách giả, sách in lậu lâu nay.
First News triển lãm tại buổi họp báo các đầu sách bị làm giả của mình Ảnh: First News
Các nhà xuất bản, các công ty sách vô cùng bức xúc nhưng gần như bất lực. Theo ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty First News, làm giả một chai nước suối giá 10.000 đồng bị cơ quan chức năng xử lý hành vi sản xuất hàng giả nhưng làm giả cuốn sách giá hàng trăm ngàn đồng lại không bị xem là làm hàng giả. Nhà báo Huy Toàn cũng nêu ra sự bất cập trong xử lý sách giả, sách in lậu lâu nay là định lượng chứ không định tính, nội dung sách sai sót như thế nào chưa được coi trọng.
Có 3 trang mạng thương mại điện tử được First News nêu tên trong buổi họp báo vì cho là có bằng chứng tiếp tay tiêu thụ sách giả: Shopee, Lazada, Sendo. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Phước cho biết hiện có khoảng 9.000 trang mạng có bán sách, phần lớn trong số đó là sách giả, sách in lậu. Câu hỏi đặt ra là ai quản lý lượng trang mạng khổng lồ này? Các kênh phân phối cũng chỉ là phần ngọn, còn gốc là ở nơi sản xuất sách giả: cơ sở sao chép lậu và nhà in. Vấn đề đặt ra là có hay không lỗ hổng trong quản lý ngành nghề đặc doanh?
Luật sư Châu Huy Quang, đại diện pháp lý của First News trong cuộc chiến chống sách giả, cho rằng luật pháp của chúng ta không thiếu, chỉ thiếu thực thi. Ngay trong những hiệp định Việt Nam ký kết với các nước và quốc tế đều có cam kết thực thi bản quyền nhưng chưa được thực hiện một cách thấu đáo.
Các nhà chuyên môn lo ngại với tình trạng sách giả bùng phát không kiểm soát như hiện nay, chẳng mấy chốc hoạt động xuất bản sẽ phải cáo chung vì tác giả không muốn in sách, các công ty sách không muốn đầu tư bản thảo, các nhà xuất bản nước ngoài không muốn chuyển nhượng bản quyền xuất bản tại Việt Nam. Thiệt hại cuối cùng thuộc về bạn đọc.
"Nếu có sự vào cuộc của cơ quan chức năng cùng sự phối hợp chặt chẽ của ngành xuất bản trong cuộc đấu tranh này, chắc chắn tình hình sẽ được cải thiện" - ông Lê Hoàng tin tưởng.
Có ý kiến cho rằng các nhà làm sách hợp pháp nên cùng hợp tác với các trang thương mại điện tử hợp pháp để bán sách thật, vì những trang này không thể bán hàng phi pháp. Khi hai bên cùng nắm tay nhau vì mục đích loại bỏ sách giả thì sẽ hạn chế số lượng rất lớn sách giả đến tay bạn đọc qua kênh thương mại điện tử như hiện nay.
Bình luận (0)