Khi tác phẩm "165° W" của tác giả Danh Võ xuất hiện tại nhà đấu giá Christie’s Hongkong (trong phiên đấu giá ngày 26-5) với mức giá khởi điểm dự kiến gây choáng váng: 153.532 USD đến 204.709 USD, truyền thông trong nước gọi đây là "cú sốc mang tên Danh Võ".
Những cái tên đáng tự hào
So với những cái tên bậc thầy của mỹ thuật Việt thời kỳ đầu "Nghiêm - Liên - Sáng - Phái" thường xuyên xuất hiện trên sàn đấu giá của làng mỹ thuật thế giới, sự xuất hiện của Danh Võ (một họa sĩ đương đại) trên sàn đấu giá tranh nổi tiếng của thế giới với một vị thế như vậy quả là sự kiện gây sốc đối với giới mỹ thuật trong nước. Dù những tác phẩm xuất sắc của Danh Võ (cả về hội họa lẫn điêu khắc) đều có thị trường riêng với tính chất tiêu biểu là dẫn dắt khán giả bằng tính chất nguồn gốc của bản thân nhưng vẫn mang tính quốc tế cao và chạm vào trái tim người chiêm ngưỡng. Danh Võ được giới chuyên môn nhìn nhận là đại diện xuất sắc của mỹ thuật Đan Mạch, trường phái nghệ thuật ý niệm thực hành.
Họa sĩ Danh Võ bên tác phẩm của mình Ảnh: ARTNET. NEWS
Trong lĩnh vực thị giác và nghệ thuật đương đại quốc tế, ngoài Danh Võ còn có những nghệ sĩ gốc Việt nổi danh cùng thời khác, họ là niềm tự hào của mỹ thuật Việt. Họa sĩ Lê Quang Đỉnh là một trong những họa sĩ tài danh ấy. Ông từng được vinh danh bởi giải thưởng Quỹ Hoàng tử Claus của Hà Lan vì những cống hiến của mình dành cho nghệ thuật đương đại. Ông không chỉ được đánh giá cao về sự cống hiến, sáng tạo trong hoạt động nghệ thuật mà còn ở khả năng truyền cảm hứng cho các thế hệ nghệ sĩ trẻ. Họa sĩ Lê Quang Đỉnh (sinh năm 1968) được xem là một trong những nghệ sĩ mỹ thuật đương đại người Việt có ảnh hưởng quan trọng đối với mỹ thuật đương đại của thế giới. Các tác phẩm của ông được trưng bày tại nhiều quốc gia trên thế giới với nội dung lên án tội diệt chủng, châm biếm vẻ hào nhoáng giả tạo của con người, đồng thời quảng bá về Việt Nam như một thiên đường du lịch.
Họa sĩ Lê Quang Đỉnh (phải) được vinh danh bởi giải thưởng Quỹ Hoàng tử Claus của Hà Lan vì những cống hiến của mình dành cho nghệ thuật đương đại (ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Một họa sĩ gốc Việt khác cũng sinh năm 1968, tại Tokyo (cha người Việt, mẹ người Nhật) là Jun Nguyen-Hatsushiba. Ông nổi tiếng với nhiều buổi triển lãm tác phẩm của mình ở Nhật, Mỹ, Ý, Áo,… và những tác phẩm mang phong cách retro tại Anh. Ông đã nhận bằng thạc sĩ mỹ thuật tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Viện Maryland vào năm 1994 sau khi nhận bằng cử nhân mỹ thuật tại Viện Nghệ thuật Chicago vào năm 1992. Hiện cả Lê Quang Đỉnh lẫn Jun Nguyen-Hatsushiba đều chọn Việt Nam để hoạt động nghề sau nhiều năm miệt mài làm việc ở trời Tây.
Một trong những cái tên Việt khác để lại nhiều dấu ấn trong làng mỹ thuật thế giới hiện nay là Nguyễn Văn Cường - chuyên vẽ chân dung, được công chúng ở Mỹ yêu thích. Sau 2 lần đoạt giải nhất ở thể loại tranh đường phố, Cường Nguyễn bắt đầu được giới hội họa Mỹ chú ý. Với khả năng vẽ tranh chân dung giống ảnh chụp, Cường Nguyễn nhanh chóng trở thành thành viên của Hội Họa sĩ vẽ tranh sơn dầu Mỹ (Oil Painters of America) và Hội Họa sĩ vẽ tranh chân thực quốc tế (International Guild of Realism) sau đó. Những tác phẩm của anh đã được trưng bày tại Viện Bảo tàng Nghệ thuật Triton (Santa Clara, California, Mỹ) và Viện Bảo tàng Haggin (Stockton, California, Mỹ).
Sáng tạo vô biên
Tác phẩm "165° W" của Danh Võ được giới chuyên môn phân tích là sự sáng tạo độc đáo. Vật liệu tác phẩm của anh là một thùng giấy cũ đựng đồ uống chai nhựa của Thái Lan. Ở phía góc dưới bên trái, có lời bài hát của David Bowie: "Time he flexes like a whore" (Thời giờ của hắn ta uốn éo như một con điếm), được viết theo lối gothic. Đây cũng là kiểu chữ mà cha của Danh Võ - nhà thư pháp Phùng Võ - ưa chuộng. Tác phẩm này tạo nên hiệu quả thị giác nhất định.
Tác phẩm "165° W" của tác giả Danh Võ xuất hiện tại nhà đấu giá Christie’s Hongkong (trong phiên đấu giá ngày 26-5) Ảnh: CHRISTIE’S HONGKONG
Báo chí phương Tây nhận định: "Danh Võ (nghệ sĩ Việt - Đan Mạch) với những tác phẩm thiên về bản chất hoang dã và sự ngẫu nhiên của cuộc sống, lấy cảm hứng từ chính cuộc sống bản thân, là cái tên đáng lưu ý trong thế giới mỹ thuật đương đại"; "Danh Võ là một nghệ sĩ không muốn giải thích về những gì anh ấy làm dù những ẩn dụ của tác phẩm được giấu kín đến mức bạn phải thấu hiểu nhiều câu chuyện để có thể hiểu nó. Nhưng điều đó lại làm nên sự tuyệt vời cho các tác phẩm của Danh Võ".
Tác phẩm của Danh Võ từng được bán với giá chỉ 33 USD nhưng chỉ trong vòng 3 năm, nó đã bước một bước tiến dài đầy kinh ngạc khi đạt đến hàng ngàn USD, thậm chí đạt mức 2,4 triệu USD trong một buổi đấu giá.
Để có thành tựu hôm nay với kỹ thuật vẽ chân dung tỉ mỉ và thật như ảnh chụp, họa sĩ Cường Nguyễn chia sẻ ngoài tính kiên trì khổ luyện, anh cũng có bí quyết riêng. "Tôi thường lót một lớp màu xanh lá làm nền cho da người. Kỹ thuật này khá được yêu thích". Hiện nay anh được mời đi dạy ở khắp nơi như Ý, Bỉ, Trung Quốc, Costa Rica, Mexico... để truyền lại kỹ thuật này cho các họa sĩ trẻ trên thế giới. Cường Nguyễn bảo thích vẽ chân dung người vì anh bị mê hoặc bởi sự thay đổi cảm xúc trên gương mặt người. "Trên gương mặt người, tôi thích vẽ nhất đôi mắt vì đó là cửa sổ tâm hồn của mỗi con người. Họa sĩ vẽ tranh chân dung có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào cách anh thể hiện cái hồn của đôi mắt" - anh khẳng định.
Họa sĩ Cường Nguyễn (trái) với tài vẽ chân dung như ảnh chụp (ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Trong triển lãm cá nhân mới nhất diễn ra vào tháng 8-2017 tại Viện Bảo tàng Triton, bang California (Mỹ), trang Art Odyssey nhận xét về tranh chân dung của họa sĩ Cường Nguyễn: "Tác phẩm của Cường Nguyễn mang phong cách lãng mạn, pha trộn nét bí ẩn, nhưng vẫn là những sáng tạo chân thực phản ánh diện mạo đích thực của nhân vật, thông qua lăng kính đẹp đẽ. Tranh chân dung anh đạt đến một độ tỉ mỉ, mượt mà đáng nể, thường được so sánh với ảnh chụp". Từ khi trở thành họa sĩ chuyên nghiệp và được phòng tranh John Pence ở thành phố San Francisco nhận làm đại diện để bán tranh, Cường Nguyễn nhận ra: "Không có gì hạnh phúc bằng được sống và làm nghề mà mình yêu thích. Nếu bạn còn trẻ, hãy làm theo những gì trái tim mình mách bảo. Khi có đủ đam mê, bạn chắc chắn sẽ thành công". Anh nói điều đó bởi mình đã từng mất 3 năm để suy nghĩ xem có nên theo đuổi niềm đam mê hội họa của mình hay không khi công việc ở Yahoo! mới thực sự mang lại cuộc sống ổn định cho anh. Quyết định bỏ việc theo nghề vẽ, bây giờ nhìn lại, anh nói: "Không thấy hối tiếc!".
Đậm bản sắc văn hóa Việt
Những họa sĩ danh tiếng này có một điểm chung là được giáo dưỡng trong nền văn hóa phương Tây nhưng tất cả họ đều đã sáng tạo ra kỹ thuật tạo hình tân tiến, dựa trên kỹ thuật thủ công truyền thống của Việt Nam để tạo nên các hình ảnh đan dệt mang nhiều ý nghĩa. Điều đó khiến họ trở nên nổi bật trong làng mỹ thuật thế giới.
Bình luận (0)