Tôi đã đọc và nghiên cứu nhiều sách viết về truyền thông, PR nhưng chưa một cuốn sách nào đề cập đến chiêu trò, đến những chiêu thức PR lệch chuẩn một cách cụ thể, toàn diện và sống động như quyển sách này. Khi mà mỗi ngày chúng ta thường xuyên "hít drama", câu chuyện này chưa hết lại đến câu chuyện khác, sóng này tiếp nối sóng khác dường như vô tận không ngừng. Một cô ca sĩ trẻ "cặp kè" với đại gia lớn tuổi đã có gia đình - chủ một tập đoàn lớn cũng ít nhiều ảnh hưởng đến thương hiệu tập đoàn này, ai đã tung ra câu chuyên này vẫn còn là ẩn số nhưng đọc xong quyển sách, bạn có thể tự tìm câu trả lời cho mình một cách xác đáng nhất.
Tại sao cứ trước khi tung ra một MV hay một bộ phim nào đó, chúng ta thường hay bắt gặp những tin đồn thất thiệt. Câu chuyện tình tay ba giữa K.M.T, C.P và A.N thời điểm tung ra bộ phim "Chú ơi đừng lấy mẹ con" cũng là một mô-típ chiêu trò thường thấy trong showbiz Việt. Có những chiêu trò thoát xác và thành công nhưng cũng có những chiêu trò đưa thương hiệu "đi vào lòng đất". Và trong quyển sách này, bạn đọc sẽ thấy được toàn cảnh những hỉ, nộ, ái, ố, cả những cảm thông và tức giận, một quyển sách về truyền thông nhưng không chỉ chứa đựng thông tin mà còn khơi gợi cảm xúc. Không nhiều quyển sách như thế này trên thị trường hiện nay!
Sách "Cuộc chiến thương hiệu - Sáng tạo hay chịu chết?", của tác giả Phạm Sông Thu.
Khác hoàn toàn với cuốn "Truyền thông theo phong cách win - win" được xuất bản cách đây 2 năm, tác giả đã đề xuất và hướng dẫn cho người làm truyền thông, PR biết cách xây dựng thương hiệu của mình một cách tốt nhất. Cuốn này với 15 chương sách và hơn 100 câu chuyện thương hiệu với những chiêu trò khác nhau được tác giả tổng hợp, xâu chuỗi và phân loại rõ ràng nên đọc rất hấp dẫn và dễ nhớ.
Có lẽ nhiều bạn đọc sẽ đặt câu hỏi tại sao tác giả lại đề cập đến những vấn đề "góc khuất" hay còn gọi là những chiêu PR lệch chuẩn vốn là những chủ đề mà những người làm nghề thường tránh đề cập? Tôi cũng đã từng nghi ngờ về ý tưởng này của tác giả khi lần đầu anh chia sẻ với tôi. Thế nhưng, khi cầm bản thảo với hơn 300 trang trên tay, đọc những câu chuyện thực tế tác giả đã chọn lọc trong cả biển chiêu trò của các thương hiệu tại Việt Nam, tôi thật sự tin rằng quyển sách này là một tài liệu có giá trị cho những chuyên gia truyền thông, những nhà nghiên cứu và cả các bạn sinh viên đang theo đuổi lĩnh vực này có một cái nhìn tổng quan và đúng đắn về xây dựng thương hiệu bằng chiêu trò; để từ đó có thể chọn lựa cho mình một con đường đúng đắn, một chiến lược xây dựng thương hiệu bền vững.
Bình luận (0)