
Đào tạo, nâng cao tay nghề sẽ giúp người lao động nâng cao năng suất, phát huy năng lực
Thời gian qua, Báo Người Lao Động tiếp tục nhận được nhiều thắc mắc của bạn đọc về việc hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động (NLĐ). Báo Người Lao Động xin giới thiệu để bạn đọc được rõ.
Hồ sơ đề nghị hỗ trợ
Văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ bao gồm các nội dung: ngành nghề hoặc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; tình hình sản xuất, kinh doanh; số lao động tại thời điểm đề nghị hỗ trợ; những khó khăn, nguyên nhân buộc phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh; nguy cơ phải cắt giảm số lao động; nhu cầu kinh phí để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho NLĐ; cam kết tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và sử dụng lao động theo đúng phương án đã được phê duyệt.
Phương án thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và duy trì việc làm theo quy định tại khoản 4, điều 3 Nghị định 28/2015/NĐ-CP.
Giấy tờ chứng minh không đủ kinh phí để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho NLĐ theo quy định tại khoản 3, điều 3 Nghị định 28/2015/NĐ-CP. Văn bản xác nhận của tổ chức BHXH nơi người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho NLĐ theo quy định tại khoản 1, điều 3 Nghị định 28/2015/NĐ-CP.
Giải quyết hỗ trợ kinh phí đào tạo
Người sử dụng lao động có nhu cầu hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho NLĐ phải nộp hồ sơ theo quy định cho sở lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB-XH) nơi đóng trụ sở chính của đơn vị để thẩm định.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của người sử dụng lao động theo quy định, sở LĐ-TB-XH thẩm định và phê duyệt phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và duy trì việc làm; chủ trì, phối hợp với sở tài chính và các cơ quan, đơn vị có liên quan thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề theo quy định và trình chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết tắt là chủ tịch UBND cấp tỉnh) xem xét, quyết định việc hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ. Trường hợp không hỗ trợ thì sở LĐ-TB-XH phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người sử dụng lao động.
Tổ chức thực hiện
Người sử dụng lao động tổ chức đào tạo hoặc phối hợp với cơ sở dạy nghề, trung tâm dịch vụ việc làm để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề của NLĐ theo quyết định hỗ trợ của chủ tịch UBND cấp tỉnh và bảo đảm duy trì việc làm cho NLĐ. Người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện hoặc phối hợp với cơ sở dạy nghề thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và bảo đảm duy trì việc làm cho NLĐ theo phương án đã được phê duyệt.
Sở LĐ-TB-XH theo dõi, giám sát việc tổ chức thực hiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề theo quyết định hỗ trợ của chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Tạm ứng 50% kinh phí cho người sử dụng lao động
Tổ chức BHXH thực hiện tạm ứng 50% kinh phí hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người sử dụng lao động theo quyết định của chủ tịch UBND cấp tỉnh trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định của chủ tịch UBND cấp tỉnh và thực hiện việc thanh quyết toán theo quy định trên cơ sở thực tế của việc thực hiện phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
Mọi chi tiết vui lòng liên hệ Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM - số 106/14D Điện Biên Phủ, phường 17, quận Bình Thạnh, TP HCM. Điện thoại: (08) 35147187 - 35147007.
Bình luận (0)