Tôi là một công nhân (CN). Trước khi có một công việc ổn định như hiện nay, tôi đã từng làm nhiều công việc khác nhau ở nhiều công ty khác nhau tại TPHCM. Những gì tôi đã trải qua trong 12 năm làm thợ đã giúp tôi lý giải phần nào vấn đề vì sao những CN như chúng tôi gắn bó hay không gắn bó với một doanh nghiệp nào đó.
Không biết quý trọng
Những ngày đầu mới đến TPHCM tìm việc, tôi xin vào làm CN công ty K. (vốn Đài Loan, ở KCX Linh Trung). Công ty có hơn 1.000 CN. Chúng tôi thường phải làm việc 12 giờ mỗi ngày. Lương tối thiểu lúc đó là 45 USD, cộng các khoản phụ cấp, tăng ca, chuyên cần... tổng cộng được chừng 70 USD.
Tỉ giá lúc đó là 11.910 đồng/USD. Buổi trưa, công ty đài thọ bữa ăn. Ngày này qua ngày nọ, cứ đến 11 giờ 30 phút, cả ngàn CN chen chúc nhau trong nhà ăn chật chội, nóng bức. Mỗi người một phần ăn với vài cọng rau muống xào, vài miếng thịt ba rọi, bát canh váng mỡ nổi lềnh bềnh... Chúng tôi ráng nuốt để có sức làm việc buổi chiều.
Sẽ không có gì đáng nói nếu ngay bên cạnh không phải là phòng ăn của ban giám đốc và các trưởng, phó phòng ban. Bữa ăn của họ với 18 món tự chọn, có trái cây tráng miệng, kem, yaourt... Căn phòng mát mẻ, sang trọng cộng với mùi thức ăn bên đó bay sang không chỉ làm cồn cào thêm cơn đói của chúng tôi mà còn khoét sâu thêm hố ngăn cách giữa đội ngũ cán bộ quản lý cấp cao với những CN trực tiếp.
Ông Đặng Ngọc Tùng (thứ hai từ trái qua), Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, tham quan dây chuyền sản xuất gạch men
của Công ty Gạch Đồng Tâm (Long An) - doanh nghiệp thực hiện tốt các chính sách lao động. Ảnh: NAM DƯƠNG
Điều đó cộng với việc tăng ca đến kiệt sức nhưng không được tính đủ phụ trội, ai có ý kiến thì bị dọa cho nghỉ việc, các nhân viên kỹ thuật chửi bới, quát tháo, thậm chí tát tai nữ CN. Đỉnh điểm của bức xúc là khi một chuyên gia nước ngoài xúc phạm một nữ CN. Thế là bao nhiêu dồn nén bùng nổ.
Chúng tôi ngừng việc và nhớ lại tất cả những đối xử bất công để thêm động lực tranh đấu. Kết quả là chúng tôi thắng. Nhưng sau đó, nhiều người đã ra đi. Tôi cũng vậy. Tôi không muốn cống hiến, phục vụ cho những người không biết quý trọng nhân phẩm và sức lao động của mình.
Đừng đòi hỏi sự tận tâm
Sau đó, tôi đã “nhảy” qua 3-4 nơi; mỗi nơi 5-7 tháng, một năm... Điều tôi thu lượm được trong những tháng ngày “bay nhảy” ấy là tôi thấy rõ ràng nhiều nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư đến từ châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông... chỉ mang vào đất nước mình công nghệ lạc hậu mà ở nước họ thải ra.
Rất nhiều máy móc, thiết bị còn in rành rành con số năm sản xuất từ những năm 60 của thế kỷ trước. Có anh bạn tôi làm tổng vụ ở một công ty tại KCX Tân Thuận còn nói đùa những chiếc máy ấy bên chính quốc đã bị đem bán sắt vụn; các nhà đầu tư thậm chí còn được trả tiền để “xử lý” các loại rác thải công nghiệp ấy bằng cách mang vào VN. Hệ lụy là môi trường làm việc của CN bị ô nhiễm, sức khỏe bị suy giảm vì những máy móc, thiết bị ấy đã thải khói, bụi, khí độc, tiếng ồn...
Làm sao đòi hỏi chúng tôi làm việc với năng suất cao khi mà máy móc, thiết bị đã quá cọc cạch, già nua? Làm sao đòi hỏi chúng tôi có tác phong công nghiệp khi mà chính những người quản lý cũng còn “lậm” tác phong quản lý phong kiến, gia trưởng? Làm sao đòi hỏi chúng tôi gắn bó khi mà bên kia cán bộ quản lý lãnh đạo mâm cao cỗ đầy, còn chúng tôi bên này, chỉ cách một bức tường mà bữa ăn chẳng khác nào cơm tù?
Sống không nổi thì phải quay về Tôi đang làm việc cho một công ty có vốn Nhật Bản ở KCX Tân Thuận. Ở đây khá hơn. Giám đốc là một phụ nữ. Bà quan tâm, lo lắng cho chúng tôi như cách của một bà chủ đối với người làm công nhưng khá hơn ở chỗ, bà biết nếu không có chúng tôi thì công ty của bà cũng không thể tồn tại. |
Bình luận (0)