Mới đây, khi được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh ung thư buồng trứng di căn, chị Lê Thị Út Nhỏ, công nhân (CN) Công ty TNHH MTV Giày dép Vĩnh Phong (quận Bình Tân, TP HCM), suy sụp hoàn toàn. Đúng lúc ngặt nghèo nhất, chị đã được LĐLĐ quận Bình Tân, TP HCM tiếp sức.
Đa dạng mô hình chăm lo
Chị Nhỏ là CN trực tiếp sản xuất, lúc công việc ổn định, thu nhập mỗi tháng chỉ đạt 6 triệu đồng/tháng. Chồng chị là CN của một cơ sở sản xuất nhang, thu nhập không ổn định. Kinh tế eo hẹp, lại ở trọ, các con đang tuổi ăn học nên khi biến cố ập đến, gia đình chị Nhỏ lại thêm khó khăn.
Ý thức được hoàn cảnh gia đình, con gái lớn của chị đã xin nghỉ học, tìm việc làm để đỡ đần cha mẹ. Thấu hiểu hoàn cảnh của chị Nhỏ, Công đoàn công ty đã đề xuất LĐLĐ quận Bình Tân, TP HCM đưa vào danh sách chăm lo của chương trình "Doanh nghiệp (DN) đồng hành cùng đoàn viên, người lao động (NLĐ) bị bệnh hiểm nghèo". Đây là chương trình do LĐLĐ quận phối hợp Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Tươi Mart thực hiện. Cùng 14 NLĐ bị bệnh hiểm nghèo, chị Út sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng trong 1 năm, từ tháng 5-2024 đến 4-2025. "Trong lúc ngặt nghèo, sự hỗ trợ này thiết thực với gia đình tôi" - chị Út bộc bạch. Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Tân, cho biết lực lượng CN trên địa bàn quận khá đông, đa phần có cuộc sống khó khăn. Trong điều kiện nguồn kinh phí Công đoàn còn hạn hẹp, để chăm lo cho nhiều CN hơn, những năm qua, LĐLĐ quận đã đẩy mạnh các mô hình chăm lo từ nguồn kinh phí vận động. Ngoài chương trình trên, LĐLĐ quận còn thực hiện mô hình "1+1 - mỗi Công đoàn cơ sở nhận chăm lo ít nhất 1 đoàn viên, NLĐ mắc bệnh hiểm nghèo" (hỗ trợ từ 500.000 - 1 triệu đồng/người, kéo dài 12 tháng). Qua đó, hàng trăm đoàn viên đã được chăm lo kịp thời.
Mới đây, Trung tâm Công tác Xã hội Công đoàn TP HCM phối hợp cùng LĐLĐ quận 7 trao 2 sổ tiết kiệm (10 triệu đồng) cho gia đình anh Võ Đức Tùng ngụ tại quận 7. Anh Tùng là bảo vệ Trường Tiểu học Kim Đồng, thu nhập chỉ 4,7 triệu đồng/tháng, đang bị bệnh ung thư đại tràng. Đã được phẫu thuật năm 2016 nhưng 6 tháng/lần, anh Tùng phải tái khám. Dù có BHYT nhưng anh phải bù thêm từ 1 đến 1,6 triệu đồng/lần khám bệnh. Bệnh tật đeo đuổi gia đình anh khi năm 2021, vợ anh, chị Ngô Thị Nghĩa (trước đây là CN tại KCX Tân Thuận) cũng bị bệnh ung thư vú. Sức khỏe yếu nên chị phải nghỉ việc. "Cả hai vợ chồng đều bị bệnh khiến gia đình khó chồng thêm khó. Do vậy, sự tiếp sức kịp thời này rất có ý nghĩa" - anh Tùng bộc bạch.
Thắp lên hy vọng cho đoàn viên
Chương trình "Đồng hành và chia sẻ" của Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn - TNHH Một thành viên (SAMCO) cũng có ý nghĩa đặc biệt với NLĐ. Chương trình với nhiều nội dung thiết thực nhằm chia sẻ và đồng hành với CN khi họ gặp phải thử thách trong cuộc sống như "Mái ấm SAMCO" hỗ trợ CN xây, sửa chữa nhà ở; "Nghĩa tình SAMCO" trợ giúp CN khi gặp sự cố thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn; "Nhân ái SAMCO" giúp CN và con CN điều trị bệnh hiểm nghèo. Mức hỗ trợ từ 25-100 triệu đồng tùy trường hợp.
Mới đây, chương trình đã trợ giúp chi phí điều trị và bồi dưỡng sức khỏe cho 3 CN không may mắc bệnh hiểm nghèo. Một trong số đó có anh Nguyễn Thanh Trọng (kỹ thuật viên sơn thuộc Xí nghiệp Cơ khí Ô tô An Lạc). Anh Trọng phát hiện mắc bệnh lao vào năm 2023 và phải tạm nghỉ việc để điều trị suốt 6 tháng. Vốn mang trong người nhiều bệnh nền (đái tháo đường và viêm dạ dày) nên lúc phát hiện mắc thêm căn bệnh truyền nhiễm, anh rất lo. Một phần lo cho sức khỏe của mình, phần khác bởi anh là trụ cột gia đình, vợ không có thu nhập, các con còn nhỏ, mẹ lại già yếu, cả nhà đang ở nhà thuê… Hiểu được gia cảnh của anh, ban giám đốc và Công đoàn xí nghiệp đã đến động viên và san sẻ một phần chi phí điều trị, đồng thời đề xuất chương trình "Đồng hành và chia sẻ" của tổng công ty hỗ trợ. Hay tin mình sẽ nhận được khoản tiền hỗ trợ 55 triệu đồng từ chương trình, anh Trọng không cầm được nước mắt. "Khoản tiền này không chỉ tôi có thêm chi phí điều trị mà còn giải tỏa rất nhiều nỗi lo khi các con sắp vào năm học mới, gia đình sắp đến đợt đóng tiền nhà" - anh Trọng cho biết.
"Quỹ Tương thân tương trợ Saigon Co.op" cũng là điểm tựa cho rất nhiều lao động đang làm việc tại Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) khi rơi vào khó khăn. Khi bị xuất huyết dưới nhện (một dạng đột quỵ xuất huyết não), chị Trần Thị Thủy Tiên, nhân viên Co.opmart xa lộ Hà Nội, rất hoang mang. Thời gian chữa trị kéo dài khiến chị Tiên gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, khi nhận được 100 triệu đồng hỗ trợ từ "Quỹ Tương thân tương trợ Saigon Co.op", chị Tiên rất xúc động. "Quỹ đã thắp lên hy vọng cho tôi và gia đình. Xin cảm ơn tất cả vì sự quan tâm này" - chị Tiên bày tỏ.
"Cuộc sống của nhiều NLĐ vốn đã khó nên khi mắc bệnh hiểm nghèo sẽ càng vất vả hơn. Sự ra đời của chương trình "Đồng hành và chia sẻ" không ngoài mục đích mang lại cơ hội cho những trường hợp kém may mắn trị dứt điểm bệnh tật, sớm ổn định cuộc sống và tiếp tục công việc" - ông Phạm Quốc Huy - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty SAMCO - nhấn mạnh.
Bình luận (0)