Quản lý cấp trung đóng vai trò then chốt trong việc triển khai và điều phối chiến lược của tổ chức. Họ không chỉ thực hiện các quyết định từ ban lãnh đạo mà còn là cầu nối quan trọng với nhân viên (NV). Song, công việc này không hề dễ dàng, bởi phải đối mặt với áp lực lớn trong việc duy trì giao tiếp hiệu quả, quản lý công việc hằng ngày và bảo đảm NV thực hiện đúng các mục tiêu chiến lược của tổ chức.
Trách nhiệm và cầu nối
Anh Nguyễn Văn Hồng (35 tuổi; ngụ quận 12, TP HCM) - quản lý sản xuất tại một công ty chế biến thực phẩm ở huyện Bình Chánh, TP HCM - không chỉ chịu trách nhiệm về công việc chuyên môn mà còn là cầu nối giữa đội ngũ NV và ban giám đốc. Vì vậy, áp lực lớn nhất của anh là bảo đảm thông tin được truyền tải rõ ràng và kịp thời giải quyết mâu thuẫn giữa hai bên.
Gần đây, khi công ty triển khai công nghệ mới vào dây chuyền sản xuất, anh Hồng đối mặt với sự phản kháng từ NV, lo ngại về sự thay đổi trong phương pháp làm việc. "Tôi không chỉ giải thích về lợi ích lâu dài của công nghệ mới mà còn phải kiên nhẫn giải đáp thắc mắc và bảo đảm NV được đào tạo đầy đủ để thích nghi" - anh Hồng nói.
Trong khi đó, anh Ngô Quang Minh (30 tuổi; ngụ quận 7, TP HCM) - trưởng phòng tại một công ty truyền thông ở quận Bình Thạnh, TP HCM - đã trải qua không ít thử thách khi lên chức. Chuyển từ công tác chuyên môn sang quản lý, anh Minh phải nhanh chóng thích nghi với yêu cầu giao tiếp linh hoạt và xử lý tình huống.
Sau một thời gian, anh nhận ra quản lý cấp trung không chỉ giải quyết vấn đề phát sinh mà còn phải chủ động chia sẻ quan điểm và xây dựng mối quan hệ tin cậy với NV. "Thẳng thắn và chân thành tạo ra sự thấu hiểu. Nhưng việc đào tạo kỹ năng quản lý cũng quan trọng, vì nhiều công ty chỉ chú trọng đào tạo chuyên môn mà bỏ qua kỹ năng lãnh đạo" - anh Minh bày tỏ.
Còn chị Phạm Bảo Ngọc (28 tuổi; ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) - quản lý chuỗi nhà hàng nổi tiếng - cũng đối mặt với áp lực lớn từ công việc. Điều khiến chị căng thẳng nhất là vai trò "gọng kìm" giữa yêu cầu của lãnh đạo và nhu cầu của NV. Chị Ngọc lấy ví dụ khi lãnh đạo yêu cầu siết chặt chi phí, trong khi NV đòi tăng lương và thưởng, chị phải điều chỉnh cách giao việc sao cho phù hợp với từng người. Nếu chị cứng rắn quá sẽ gây phản ứng ngược nhưng mềm mỏng quá thì khó đạt được hiệu quả công việc.
Tạo điều kiện để gắn bó
Theo bà Ngô Mỹ Linh, Trưởng Phòng Marketing Công ty CP Adecco Việt Nam (quận 4, TP HCM), quản lý cấp trung đóng vai trò quan trọng trong tổ chức, được ví như "người giữ lửa" giữa chiến lược lãnh đạo và công việc thực tế của NV. Họ không chỉ triển khai kế hoạch từ cấp trên mà còn bảo đảm mục tiêu chiến lược được thực hiện hiệu quả, duy trì động lực và tinh thần làm việc cho đội ngũ. Vai trò này đòi hỏi sự linh hoạt trong việc điều chỉnh kỳ vọng từ cả lãnh đạo và NV.
Quản lý cấp trung phải đáp ứng yêu cầu về hiệu suất và mục tiêu chiến lược từ lãnh đạo, đồng thời cung cấp sự hỗ trợ và tạo cơ hội phát triển cho NV. Căng thẳng phát sinh từ việc cần phải quyết định nhanh chóng, duy trì môi trường làm việc tích cực và hài hòa giữa lợi ích của tổ chức và nguyện vọng của NV. "Quản lý cấp trung đóng vai trò không chỉ là người thực thi nhiệm vụ mà còn là người lãnh đạo tinh thần, truyền cảm hứng và xây dựng văn hóa doanh nghiệp mạnh mẽ" - bà Linh đánh giá.
Đồng quan điểm, bà Thanh Nguyễn, Giám đốc điều hành và truyền cảm hứng hạnh phúc tại Công ty CP Anphabe, cho rằng nhóm quản lý cấp trung đang đối mặt với áp lực lớn nhất trong công việc. Họ phải đứng giữa hai "làn đạn" - vừa đáp ứng yêu cầu từ lãnh đạo vừa duy trì hiệu suất và động viên đội ngũ. Vai trò này yêu cầu họ cân bằng nhiều yếu tố và xử lý khối lượng công việc lớn.
Để giữ chân quản lý cấp trung tài năng và giảm thiểu "chảy máu" nhân tài, bà Thanh Nguyễn cho rằng lãnh đạo cấp cao cần nhận thức rõ khó khăn và tạo môi trường làm việc hỗ trợ, trao quyền và cơ hội học hỏi để họ phát triển năng lực lãnh đạo. "Nâng cao kỹ năng lãnh đạo và tạo cơ hội thăng tiến sẽ giúp quản lý cấp trung tự tin hơn và gắn bó lâu dài với tổ chức. Từ đó, họ mới góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp" - bà Thanh Nguyễn góp ý.
46% gặp căng thẳng trong công việc
Kết quả khảo sát của Anphabe mới đây cho thấy 46% quản lý cấp trung tại Việt Nam đang gặp căng thẳng trong công việc. Điều này nghiêm trọng đến mức 31% người cân nhắc chuyển việc, 12% tìm kiếm cơ hội mới và 11% có khả năng nghỉ việc trong vòng 6 tháng. Các vấn đề chính của họ là thiếu niềm tin từ cấp trên, hạn chế được trao quyền và thiếu công nhận. Chỉ 39% cảm thấy tự tin vào năng lực lãnh đạo của mình.
Bình luận (0)