Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần thứ 4 - bắt đầu từ ngày 5-10-2022 đến ngày 15-8-2023 - tập trung vào 2 chủ đề chính: "Chỗ ở và nhà ở cho người có thu nhập thấp" và "TP HCM cần làm gì để phát huy hiệu quả Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị?". Đến nay, tổng cộng cả 2 đợt, Báo Người Lao Động đã đăng 88 bài hiến kế của các tác giả, chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực.
Nhiều giải pháp phát triển nhà ở xã hội
Dù được đề cập nhiều, dự án cũng nhiều, giải pháp đưa ra không ít nhưng đến nay, nhà ở xã hội (NƠXH) vẫn thiếu trầm trọng.
Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP HCM, thực trạng trên được lý giải từ 4 nút thắt chính: sức mua, mặt bằng xây dựng, nhà đầu tư và kết nối giao thông.
Trong tác phẩm "Gỡ 4 nút thắt NƠXH", TS Nguyễn Hữu Nguyên đã đưa ra giải pháp để gỡ từng nút thắt này. Tuy nhiên, tác giả lo ngại ngay cả khi hoàn thành kế hoạch xây dựng NƠXH, nếu không làm tốt khâu tổ chức và kết nối giao thông thì có thể sẽ rơi vào tình trạng thừa NƠXH do thiếu điều kiện mưu sinh cho người thu nhập thấp.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế - TS Huỳnh Trung Minh cho rằng các chính sách NƠXH đã khá đầy đủ nhưng có vẻ chưa thật sự quan tâm đúng mức đến chủ đầu tư, mà đây lại là đối tượng quan trọng, có tác động đến chính sách NƠXH.
Trong tác phẩm "Chính sách hợp lý cho người mua và doanh nghiệp (DN)", TS Huỳnh Trung Minh nhìn nhận NƠXH chỉ đạt hiệu quả khi có giá phù hợp, lãi suất hợp lý trong thời gian cho vay đủ dài, lựa chọn đúng đối tượng, ưu đãi với người vay mua nhà và chủ đầu tư dự án. Ngoài ra, cần ưu đãi, khuyến khích DN là chủ đầu tư các dự án NƠXH thông qua quỹ đất, nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý, chính sách, luật lệ…
Với tác phẩm "Phát huy hiệu quả gói tín dụng 110.000 tỉ đồng", chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển hiến kế các giải pháp để gói tín dụng này khả thi. Trong đó, tác giả nhấn mạnh đến việc cần tính đúng, tính đủ, phù hợp với thực tế.
Ông Đinh Thế Hiển lưu ý TP HCM có Quỹ Hỗ trợ phát triển nhà ở (HOF) nhưng hoạt động chưa xứng tầm và chưa như kỳ vọng. Cần có thêm cơ chế, chính sách và nâng tầm để HOF phát triển đúng với mục tiêu hỗ trợ người dân thành phố có nhà ở.
Lãnh đạo TP HCM và các tác giả đoạt giải cuộc thi “Lắng nghe người dân hiến kế” lần 3 trao đổi sau lễ trao giải Ảnh: Hoàng Triều
Biến kỳ vọng thành hiện thực
Hầu hết các tác phẩm dự thi có chung nhận định TP HCM đang hội tụ cả lợi thế, tiềm năng lẫn yêu cầu phát triển và quyết tâm chính trị cho việc tăng tốc phát triển kinh tế, xây dựng đô thị thông minh, trung tâm tài chính quốc tế…
Tác giả Trần Hữu Hiệp cho rằng trong bối cảnh hiện nay, TP HCM cần tập trung phát triển kinh tế theo hướng phát triển các ngành dịch vụ mới có giá trị gia tăng cao, gắn với xây dựng trung tâm tài chính, trung tâm thương mại - du lịch - logistics, trung tâm đào tạo nhân lực, chăm sóc sức khỏe khu vực và quốc tế.
Bên cạnh đó, TP HCM cần tiếp tục xây dựng chính sách phát triển mạnh các mô hình kinh tế mới, như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Việc này nhằm tìm kiếm động lực tăng trưởng mới cho TP HCM trong giai đoạn sắp tới.
TS Nguyễn Hoàng Bình, Trường ĐH RMIT Việt Nam, khẳng định trong tác phẩm "Thu lại giá trị gia tăng từ đất": Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị đã tạo điều kiện để TP HCM thực hiện đồng bộ các quy hoạch theo mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD). Đây là thời điểm thuận lợi để TP HCM đẩy mạnh nghiên cứu và áp dụng việc sử dụng công cụ tài chính "thu lại giá trị đất theo chính sách phát triển" (DBLVC) nhằm tài trợ TOD.
Thực tế, Hồng Kông - Trung Quốc, Tokyo và Osaka - Nhật Bản hay Singapore đã sử dụng công cụ này để tài trợ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông và thúc đẩy phát triển đô thị bền vững. Trong đó, Hồng Kông và Tokyo đã áp dụng DBLVC không chỉ để thu hồi chi phí xây dựng, vận hành và bảo trì giao thông công cộng mà còn để hỗ trợ việc phát triển đô thị bền vững dựa trên giao thông công cộng.
Đồng quan điểm, trong tác phẩm "Mô hình TOD: Lối ra cho TP HCM", TS Phạm Trần Hải, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, nhận xét TOD sẽ khuyến khích tư nhân tham gia quá trình phát triển đô thị ở những khu vực xung quanh các nhà ga đường sắt đô thị, phù hợp với bối cảnh hiện tại của thành phố. Để thúc đẩy việc đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, nguyên tắc thu hồi chi phí đầu tư theo quan điểm "người hưởng lợi phải trả tiền" cần được áp dụng một cách phù hợp.
Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 98/2023, ông Phạm Chánh Trực - nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM, đã gửi đến Ban Tổ chức cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần thứ 4 những hiến kế để thực hiện thành công nghị quyết này. Theo đó, TP HCM cần tập trung 3 mục tiêu: đầu tư phát triển kinh tế theo chiều sâu; chuyển sang nền kinh tế xanh, xã hội xanh và tập trung vào con người.
Cụ thể, tổ chức không gian đô thị theo yêu cầu xây dựng thành phố đa trung tâm, kết hợp chỉnh trang đô thị. Phát triển năng lượng tái tạo, giao thông xanh, đồng thời xây dựng chợ nông sản thực phẩm sạch và sàn giao dịch nông sản sạch, nông sản hữu cơ, thúc đẩy nông nghiệp xanh phát triển. Đầu tư cho nhân dân và lực lượng lao động có đời sống vật chất không ngừng được cải thiện, an cư lạc nghiệp là nâng cao năng suất lao động xã hội. Trong đó, những nhà khoa học, chuyên gia, kỹ sư và chuyên viên kỹ thuật là lực lượng nòng cốt.
Lấy con người làm trung tâm
Để thực hiện thành công Nghị quyết 31 và Nghị quyết 98, xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh, trung tâm tài chính quốc tế..., nhiều tác giả nhấn mạnh đến việc lấy con người làm trung tâm; phát triển văn hóa, con người trong bối cảnh mới; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; giải pháp thu hút nhân tài trong lĩnh vực đặc thù; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức; đẩy mạnh việc thực hiện phân cấp, phân quyền...
Bình luận (0)