Thực trạng thị trường lao động những năm gần đây tại TP HCM luôn diễn biến mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề và trình độ nghề chuyên môn lành nghề và nhân lực; tình trạng vừa thừa vừa thiếu lao động chất lượng cao trong các ngành kỹ thuật, quản lý sản xuất - kinh doanh.
Chưa xứng tầm
Đến nay, TP HCM chủ yếu vẫn còn dựa trên nền tảng của công nghiệp thiên về chiều rộng (thâm dụng lao động, năng suất thấp, gia công cho nước ngoài, xuất khẩu thô...). Chất lượng dân số không cao, sản phẩm tạo ra chỉ ở mức trung bình, không có khả năng cạnh tranh khu vực. Không chỉ trong sản xuất, mà ở các lĩnh vực như các tác phẩm văn học nghệ thuật có phần dễ dãi, các sản phẩm phục vụ cho du lịch ít, nghèo nàn về chủng loại, mẫu mã.
Trong khi đó, TP HCM có lợi thế từ nguồn lao động nhập cư dồi dào. Để phát huy hiệu quả nguồn nhân lực, thành phố cần giải quyết vấn đề mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề và trình độ nghề.
Thực tế thành phố đang thừa lao động trình độ cao nhưng lại thiếu nhân lực có trình độ cao cho những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển (4 ngành công nghiệp chủ lực và 9 ngành dịch vụ trọng yếu).
Nếu lượng người vào cao đẳng, trung cấp trong thời gian tới tiếp tục thấp hơn đại học thì sẽ gây ra hệ lụy như doanh nghiệp thiếu nguồn tuyển từ trường nghề. Trong khi đó, cử nhân đại học lại dư thừa, thất nghiệp, muốn có việc làm phải đào tạo lại, dẫn đến lãng phí tài nguyên xã hội và cơ hội phát triển nghề nghiệp.
Hơn thế nữa, TP HCM chưa có được đội ngũ trí thức thực mạnh, chuyên gia tầm quốc tế, thiếu vắng các đơn vị nghiên cứu mạnh ở tầm quốc tế trên các lĩnh vực khác nhau. Các sản phẩm nghiên cứu khoa học chất lượng chưa cao, khả năng ứng dụng còn hạn chế, quá ít sản phẩm được thương mại hóa quốc nội và hầu như không có ảnh hưởng ra ngoài biên giới.
Sinh viên tìm việc tại “Ngày hội việc làm năm 2023” do Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM tổ chức. Ảnh: HUỲNH NHƯ
Cần chính sách linh động
Trong giai đoạn hội nhập, thị trường lao động thành phố tiếp tục phát triển đa dạng ngành nghề về quy mô, số lượng và chất lượng. Do đó, công tác dự báo cần làm thường xuyên và chính sách hỗ trợ cũng cần linh động, điều chỉnh cho phù hợp.
TP HCM cần có chính sách ưu tiên phát triển nhân lực cho những ngành có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, bảo đảm nhu cầu lao động chất lượng cao theo định hướng phát triển; những nhóm ngành nghề có nhu cầu lao động nhiều, chiếm tỉ lệ cao trong cơ cấu lao động.
Cụ thể, tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng đơn vị được lựa chọn là trường chất lượng cao, có nghề trọng điểm và gắn với các nghề mũi nhọn trong thời gian tới như công nghệ thông tin, truyền thông, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa - robot, y tế, quản trị doanh nghiệp, tài chính - ngân hàng, du lịch...
Các cơ quan quản lý cần hoàn thiện cơ chế chính sách về luật để tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường lao động trong nền kinh tế số. Để làm được điều này, TP HCM cần nâng cao chất lượng của lực lượng lao động về mặt kỹ năng và năng suất lao động; cải thiện hoạt động đào tạo nghề và giáo dục phổ thông để thích nghi với xu hướng ngành nghề đa dạng trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng đa dạng hóa.
Đồng thời, cần tăng cường các tiêu chuẩn giáo dục và đào tạo nghề; đối thoại, hợp tác và trao đổi thông tin giữa doanh nghiệp, ngành giáo dục và các nhà hoạch định chính sách. Bên cạnh đó, phải xây dựng liên kết giữa các cơ sở giáo dục với người sử dụng lao động tại địa phương để tăng cường trao đổi thông tin và thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau.
Đối với các cơ sở đào tạo nhân lực, đào tạo gắn với nhu cầu của đơn vị sử dụng lao động cần được chú trọng trong việc thiết kế chương trình đào tạo, giảng dạy và đánh giá; đổi mới chương trình đào tạo theo hướng phát huy tính tự học, tự tìm kiếm kiến thức của người học;
các trường đại học phải tìm hiểu kỹ nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp để từ đó điều chỉnh chương trình đào tạo của mình, xây dựng mô hình nghiên cứu và phát triển để tìm hiểu, đánh giá và tham mưu các chiến lược đào tạo cho trường đại học dựa trên các nghiên cứu về thị trường lao động và nguồn nhân lực.
Ngoài ra, yếu tố quyết định dẫn đến sự thành công nghề nghiệp vẫn là sự chủ động của cá nhân, những nỗ lực, tự ý thức về bản thân mình và có ý chí vươn lên. Để có việc làm tốt, người trong độ tuổi lao động phải tìm hiểu rõ thị trường lao động để chọn học kỹ năng nghề phù hợp với bản thân và thị trường. Điều này cũng cần có sự hỗ trợ dự báo, truyền thông định hướng nghề phù hợp của cơ quan quản lý.
Thành phố cần có chính sách liên kết nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp trong việc đào tạo nguồn nhân lực, quy định rõ vai trò và trách nhiệm của từng nhà trong khâu đào tạo nguồn nhân lực.
Bình luận (0)