TP HCM có quy mô kinh tế lớn, lực lượng lao động dẫn đầu về số lượng và chất lượng. Tuy vậy, theo nhiều chuyên gia, để thành phố tiếp tục bứt phá, giữ vững đầu tàu kinh tế của cả nước thì việc đầu tư, nâng chất nguồn nhân lực phải được quan tâm hàng đầu. Trong đó, cần chuyển đổi các ngành nghề thâm dụng lao động phổ thông (LĐPT) sang những ngành nghề thâm dụng lao động chất lượng cao, lao động tri thức.
Mất cân đối cơ cấu ngành nghề
Hiện lực lượng lao động trên địa bàn TP HCM có khoảng 4,8 triệu người. Tính đến hết quý I/2023, mới có hơn 2,5 triệu lao động ở khu vực chính thức tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, số lao động còn lại đang làm việc phi chính thức. Điều này cho thấy cơ cấu lao động theo khu vực có khoảng cách rất lớn, gây áp lực đến các quyết sách về an sinh xã hội của thành phố.
Nhưng đây chưa phải là vấn đề lớn của thị trường lao động TP HCM. Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM (FALMI), hiện cơ cấu nghề nghiệp, xu hướng việc làm tại TP HCM bị tác động bởi sự chuyển dịch cơ cấu cấu kinh tế theo hướng tăng cao dịch vụ, công nghiệp hiện đại và giảm dần tỉ trọng các ngành thâm dụng lao động. Tuy nhiên, thành phố đang tồn tại một vài "nút thắt" khiến tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề và trình độ nghề.
Các trường đại học tại TP HCM thường xuyên kết nối việc làm cho sinh viên
TS Đỗ Thanh Vân, Phó Giám đốc FALMI, cho rằng cần hạn chế cấp phép đầu tư cho các DN sử dụng nhiều LĐPT. Việc cấp phép đầu tư cho các DN sử dụng nhiều LĐPT đã gây áp lực lớn về giao thông, nhà ở, y tế, giáo dục của thành phố.
Chưa hết, LĐPT với công việc giản đơn, năng suất lao động thấp khiến các chỉ số cạnh tranh về nguồn nhân lực của thành phố chưa cao, kém hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. "Sự bùng nổ của mô hình kinh tế chia sẻ và sự chuyển đổi số mạnh mẽ khiến hình thành một bộ phận không nhỏ NLĐ làm việc trong khu vực phi chính thức. Hiện việc rà soát, tiếp cận lực lượng lao động này rất khó khăn do chưa có chính sách quản lý và thống kê, theo dõi trong việc tập hợp để vận động tuyên truyền khi cần thiết" - TS Vân nói.
Giảm dần các ngành thâm dụng lao động
Bà Trần Thị Kiều Oanh, Giám đốc khu vực miền Nam của Navigos Search, cho rằng thị trường lao động của TP HCM đang có sự chuyển dịch rõ nét theo hướng đòi hỏi ngày một cao hơn. Do vậy, để không bị đào thải, NLĐ phải trang bị những kỹ năng toàn diện để đáp ứng nhu cầu của DN.
Theo bà Oanh, cơ cấu kinh tế của thành phố đang theo hướng tạo ra nhiều việc làm, chuyển từ nền sản xuất thâm dụng lao động sang thâm dụng tri thức. "Điều này tạo ra hàm lượng công việc giá trị tăng, năng suất lao động cao hơn. Như vậy, yêu cầu nâng cao trình độ tay nghề cho NLĐ cần thiết hơn bao giờ hết" - bà Oanh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, cho hay UBND thành phố đặt mục tiêu đưa tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 87% vào năm 2025 và 89% vào năm 2030, phấn đấu duy trì tỉ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4% vào năm 2025 và tốc độ tăng năng suất lao động xã hội hằng năm đạt 7%. Đồng thời, đầu tư, phát triển mạng lưới giao dịch việc làm, hệ thống thông tin thị trường lao động hiện đại, đồng bộ, thống nhất và có sự liên thông giữa các hệ thống thông tin.
TP HCM đang tập trung đầu tư các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để nâng cao tay nghề cho NLĐ, đáp ứng nhu cầu của DN. Mặt khác, khuyến khích chủ sử dụng lao động tham gia vào quá trình đào tạo nhân lực chất lượng cao, ưu tiên đào tạo nhân lực công nghệ cao, công nghệ xanh. Thành phố cũng đề ra một số giải pháp thu hút NLĐ tham gia làm việc trong khu vực chính thức để bảo đảm đầy đủ các chế độ, chính sách và quyền lợi cho họ.
Đào tạo gắn với nhu cầu thị trường
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho rằng TP HCM cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng đủ đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đào tạo phải gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của thị trường, trong đó đẩy mạnh đào tạo nhân lực trình độ quốc tế với các ngành trọng yếu như: công nghệ thông tin - truyền thông, cơ khí - tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, quản trị DN, tài chính - ngân hàng, y tế, du lịch, quản lý đô thị... Đồng thời, đẩy mạnh chất lượng đào tạo các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp để đáp ứng nhu cầu sản xuất, chế tạo của DN.
Bình luận (0)