Tỉnh Bình Dương hiện có 29 KCN và 12 cụm công nghiệp với khoảng 1,2 triệu lao động. Qua khảo sát, tỉ lệ công nhân (CN) kỹ thuật chiếm 54,5%. Bình Dương đặt mục tiêu đến năm 2030, nguồn nhân lực chất lượng cao được phát triển theo bậc, ngành đào tạo và chủ thể phát triển kinh tế - xã hội, tập trung cho ngành nghề, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao, trong đó một số ngành đạt trình độ khu vực và quốc tế.
Khan hiếm thợ lành nghề
Là một trong những doanh nghiệp (DN) tiên phong ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất, Công ty TNHH Takako Việt Nam (KCN Việt Nam - Singapore I, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) đã đầu tư các thiết bị, máy móc hiện đại, không ngừng cải tiến công cụ sản xuất nhằm tăng năng suất lao động.
Ông Lê Duy Nhật Luân, Giám đốc Kỹ thuật Công ty TNHH Takako Việt Nam, so sánh: "Nếu như trước đây, chúng tôi phải tốn 4 nhân công để vận hành dây chuyền sản xuất thì từ năm 2017 đến nay, nhờ cải tiến máy móc, công nghệ, DN chỉ cần 1 kỹ sư vận hành. Tuy vậy, để tuyển được lao động giỏi nghề, công ty gặp rất nhiều trở ngại dù chế độ đãi ngộ rất cao".
Sinh viên Trường ĐH Việt Đức được thực hành trên thiết bị hiện đại
Để giải bài toán này, nhiều DN như Công ty TNHH Nitto Denko Việt Nam (KCN Việt Nam - Singapore I) phải tự tạo nguồn nhân lực tại chỗ. Theo đó, công ty ưu tiên chọn thợ giỏi để bồi dưỡng, huấn luyện. Ngoài việc phân công kỹ sư lâu năm trực tiếp kèm cặp, công ty còn gửi CN ưu tú ra nước ngoài đào tạo. Lực lượng này sau khi về nước sẽ đảm trách công việc ở các khâu đòi hỏi kỹ năng nghề cao và huấn luyện CN mới.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC (DN vốn nhà nước chi phối, thuộc UBND tỉnh Bình Dương), cho biết sau nhiều năm với kinh nghiệm thực tiễn trong phát triển KCN cũng như đúc kết từ việc hợp tác với nhiều nước, Becamex IDC nhận thấy việc đầu tư phát triển, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là hết sức quan trọng. Dù hiện nay năng suất lao động có tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và chi phí, trong khi tỉ lệ tự động hóa trong sản xuất ngày càng cao.
Một vấn đề cấp thiết đang được đặt ra là đào tạo như thế nào để không ai bị bỏ lại phía sau, ai cũng có việc làm và tạo ra giá trị gia tăng cao hơn để xây dựng Bình Dương phát triển bền vững, vượt được bẫy thu nhập trung bình. Vì vậy, thời gian qua, Bình Dương đã tạo dựng một nền tảng đổi mới sáng tạo tốt cho sự phát triển của các thời kỳ tiếp theo.
Trong đó, có thể kể đến như "Trung tâm đổi mới sáng tạo 4.0" được thành lập tại Bình Dương với sự hợp tác giữa đối tác Việt Nam và Singapore. Trung tâm có sẵn các phòng thí nghiệm, máy móc, thiết bị để giúp các nhà sáng tạo, các DN có công cụ để nghiên cứu, đổi mới mà không phải đầu tư. Trung tâm còn hướng đến việc giúp các DN sản xuất cải tiến và đổi mới với máy móc, dây chuyền sản xuất sẵn có để tăng hiệu quả quản lý, tăng năng suất lao động, tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn.
Xây dựng hệ sinh thái sáng tạo
Theo TS Hà Thúc Viên, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức (thị xã Bến Cát), một trong những vấn đề quan trọng để Bình Dương tạo ra sự thay đổi, bứt phá trong giai đoạn tới là chuyển từ nền kinh tế thâm dụng lao động sang thâm dụng công nghệ, tài chính… Điều này đòi hỏi Bình Dương phải có nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nắm bắt được nhu cầu này, thời gian qua, Trường ĐH Việt Đức và nhiều DN hợp tác chặt chẽ để chuyển giao khoa học công nghệ, cùng phát triển thương hiệu, đặc biệt là cung cấp nguồn nhân lực cho DN. Nhà trường thường xuyên hỗ trợ sinh viên tham quan, kiến tập tại DN. Một số ngành học của trường bắt buộc sinh viên phải có thời gian thực tập ít nhất 3 tháng tại DN để tìm hiểu những vấn đề tồn tại trong sản xuất và quản trị.
"Một số DN cung cấp học bổng cho sinh viên học tập tại Trường ĐH Việt Đức. Sau đó, sinh viên sẽ quay về làm việc cho họ. Ngoài ra, một hình thức hợp tác khác là hằng năm, nhà trường phối hợp với DN tổ chức ngày hội việc làm để DN có thể tìm kiếm ứng viên sắp tốt nghiệp" - TS Hà Thúc Viên cho biết.
Theo TS Ngô Minh Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Miền Đông - EIU (phường Định Hòa, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương), trường cũng có những chiến lược để phát triển nguồn nhân lực dài hạn. Thông qua mô hình "Trung tâm Đổi mới sáng tạo công nghiệp 4.0", trường sẽ hỗ trợ DN chuyển đổi các mô hình sản xuất thâm dụng lao động sang hình thức sản xuất thâm dụng tri thức và tự động hóa, từ đó góp phần phát triển, đẩy mạnh giá trị gia tăng cho địa phương và các vùng lân cận.
Mới đây, Becamex IDC và EIU đã xây dựng Trung tâm Sản xuất tiên tiến - AMC. AMC đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các giải pháp gia công đa dạng, hỗ trợ tính toán thiết kế và đo lường, bảo đảm chất lượng.
"Đây là những bước tiến rất quan trọng, khẳng định sự hoàn thiện của hệ sinh thái sáng tạo tại EIU, qua đó đóng góp trực tiếp vào công tác đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu phát triển của DN. Việc này còn thu hút nguồn nhân lực hàm lượng chất xám cao đến địa phương; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp; chuyển giao kiến thức và công nghệ, tạo ra giá trị mới góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương - TS Ngô Minh Đức nhấn mạnh.
Bình luận (0)