Với hơn 300 năm phát triển, giao thoa văn hóa và đổi mới, du lịch của TP HCM hoàn toàn đủ sức hút và cá tính để tạo đà cho thành phố khẳng định vị thế đầu tàu và nâng tầm quốc tế.
Khởi động lại
Trong nhiều năm qua, ngành du lịch là một trong những mũi nhọn kinh tế của TP HCM. Năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch cho thấy TP HCM đã đón hơn 8,6 triệu lượt khách quốc tế và gần 33 triệu lượt khách nội địa. Tổng doanh thu ngành du lịch ước đạt 150.000 tỉ đồng, tăng 14,5% so với năm 2018.
Khi đại dịch Covid-19 lan rộng trong năm 2020 và 2021, tất nhiên du lịch và ẩm thực chịu ảnh hưởng sâu sắc. Tuy vậy, đó cũng là khoảng lặng cần thiết để cùng nhìn nhận lại tiềm năng, tạo ra những đột phá trong ngành dịch vụ vốn luôn cần sức sáng tạo và mới mẻ này.
Nhìn lại sự phát triển của ngành du lịch những năm gần đây, có thể thấy có vẻ như những công ty du lịch lớn vẫn còn quá chú trọng đến các tour, tuyến mới, ở các điểm đến xa xôi, mang màu sắc thử thách, trong khi ngay chính tại TP HCM với nhiều nét ẩm thực rất riêng thì còn bỏ ngỏ, đầu tư manh mún, chưa bài bản. Du khách quốc tế quan tâm đến lịch sử, văn hóa, ẩm thực, con người… của TP HCM là đương nhiên nhưng những thế hệ người Việt trẻ cũng rất cần hiểu sâu sắc về quê hương mình. Khách không chỉ đến những khu sầm uất ở quận 1, còn quan tâm đến những con đường ở quận 5, quận 6 trong khu Chợ Lớn, lá phổi xanh Cần Giờ với nhiều nét hoang sơ, hải sản phong phú… Trong đó, ẩm thực là sợi dây kết nối đặc sắc tâm hồn Việt.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Du lịch thế giới, trong cơ cấu chi tiêu của khách du lịch, trung bình một khách chi khoảng 1/3 ngân sách chuyến đi cho việc ăn uống. Trong khi đó, ẩm thực đường phố ở TP HCM lại muôn màu muôn vẻ. Không phải tự dưng mà ẩm thực gia Anthony Bourdain từng thốt lên với CNN rằng ông như "lạc vào một thế giới khác khi đến Việt Nam". Du khách đến tham quan thành phố có thể tham gia vào những tour du lịch - ẩm thực, tìm hiểu về món Việt 3 miền ở chợ Bến Thành, món Hoa đặc sắc ở Chợ Lớn, những món ăn giao thoa Hoa - Việt, Pháp - Việt, hay mang hương vị Thái, Ấn, Hàn…
Nhiều năm qua, ngành du lịch là một trong những mũi nhọn kinh tế của TP HCM. Ảnh chụp trước khi có dịch Covid-19. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ứng dụng công nghệ
Cần có một chiến lược tổng thể về du lịch - ẩm thực để phát huy tiềm năng của "tài nguyên bản địa" rất dồi dào này.
Thứ nhất, các bên cần phối hợp thực hiện sớm "Bản đồ du lịch ẩm thực TP HCM", với những thông tin, dữ liệu được thu thập, sắp xếp cụ thể, đầy đủ. Dữ liệu cần bao quát được nét chính của ẩm thực, các hàng quán lâu năm, có "trầm tích văn hóa". Từ đầu tháng 4-2021, Hiệp hội Nhà hàng Việt Nam (RAV) phối hợp Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, Hiệp hội Du lịch ẩm thực thế giới đã công bố phát triển dự án này. Trong thời công nghệ 4.0, "Bản đồ ẩm thực TP HCM" sẽ giúp cho các nhà hoạch định chính sách nhìn nhận một cách rõ nét và chính xác về tiềm năng ẩm thực của nơi đây. Bên cạnh đó, các chuyên gia về marketing cũng có thể dùng bản đồ này để xây dựng chiến lược thương hiệu cho du lịch - ẩm thực thành phố, gắn với những câu chuyện hấp dẫn, phác họa chân thực cá tính đặc sắc của vùng đất mới.
Thứ hai, các công ty du lịch nên triển khai thêm nhiều tour, tuyến hướng đến đối tượng du khách trẻ trong nước, có nhu cầu tìm hiểu ẩm thực, lịch sử, văn hóa TP HCM. Những "con đường di sản mini" kết nối các điểm đến ở một khu vực cụ thể như Chợ Lớn, Cần Giờ, quận 3, quận 8… hẳn sẽ mang lại nhiều góc nhìn sâu sắc và thú vị.
Thứ ba, các công ty ẩm thực có thể phát triển thêm nhiều chuỗi quán ăn, nhà hàng mang hương vị, màu sắc và câu chuyện ẩm thực Việt Nam. Kết hợp chiến lược chuỗi và nhượng quyền (chain and franchising) vào tài nguyên bản địa là một trong những chiến lược được nhiều chuyên gia cho rằng rất phù hợp với điều kiện nước ta, nơi còn rất nhiều món ngon vật lạ chưa "công nghiệp hóa".
Thứ tư, các bên cần ứng dụng hiệu quả hơn nữa các sáng kiến, dự án từ các cuộc thi khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo vào du lịch - ẩm thực, tăng cường ứng dụng công nghệ vào ngành dịch vụ. Một ví dụ như cuộc thi Hack4Growth của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức, có thể kết nối nhiều ý tưởng sáng tạo, có chiều sâu học thuật trong và ngoài nước theo phương châm "Start local - Rise regional - Grow Glogbal" (tạm dịch: "Khởi đầu từ địa phương - Phát triển ra khu vực - Lớn mạnh toàn cầu").
Có một câu nổi tiếng về du lịch của nhà du hành, học giả Ibn Battuta: "Du lịch - ban đầu nó khiến bạn không thốt nên lời, sau đó biến bạn trở thành một người kể chuyện". Tiềm năng của vùng đất Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn hoàn toàn đủ sức quyến rũ du khách trong và ngoài nước đến với những nét riêng độc đáo của nơi này.
Mời tham dự cuộc thi
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 3 tập trung vào 3 chủ đề: 1. Các giải pháp nhằm duy trì; phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19; 2. Hiến kế để TP HCM giữ vững là đầu tàu kinh tế của cả nước; 3. Làm gì để chuyển đổi số thành công?
Tác phẩm tham dự cuộc thi gửi qua địa chỉ email: bandoc @nld.com.vn; chưa từng gửi đăng bất kỳ trên báo, tạp chí nào; không được gửi cho nơi khác, cuộc thi khác. Cuối tác phẩm ghi rõ tên tác giả, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng.
Cơ cấu giải thưởng 1 giải nhất: 50 triệu đồng; 1 giải nhì: 30 triệu đồng; 1 giải ba: 20 triệu đồng; 2 giải khuyến khích: 10 triệu đồng/giải.
Bình luận (0)