Nền văn hóa TP HCM giao thoa đa dạng, do đó ẩm thực TP HCM đã nổi tiếng từ lâu trong cả nước và quốc tế. Tuy nhiên, nếu hỏi điều đặc sắc ẩm thực của TP HCM là gì, du khách không có câu trả lời bởi thực tế quá phong phú món ăn nhưng không có thương hiệu nào đủ sức mạnh làm nên sự nổi tiếng.
Đẩy mạnh quảng bá
Đứng trên góc độ du khách, việc quyết định sẽ đến TP nào có một phần lý do là đồ ăn ở đó có ngon không, có hợp khẩu vị không, có bảo đảm vệ sinh không? Theo nghiên cứu của Tổ chức Du lịch thế giới, trong cơ cấu chi tiêu của khách du lịch, trung bình một khách chi khoảng 1/3 ngân sách chuyến đi cho việc ăn uống. Chính vì vậy, ẩm thực có vai trò quan trọng để nâng cao hình ảnh của một địa phương, qua đó xây dựng một thương hiệu mạnh cho TP.
Lấy ví dụ một quốc gia có diện tích nhỏ như Singapore. Ở đây, một trong những yếu tố khiến du khách quyết định đến là ẩm thực. Nếu xét về số lượng, món ăn của họ không phong phú và đặc sắc như Việt Nam nhưng họ có chiến lược phát triển thương hiệu rất tốt thông qua việc quảng bá. Du khách có thể đi đến các điểm sản xuất, chế biến món ăn, tham dự các lễ hội chuyên về ẩm thực để tìm hiểu lịch sử, văn hóa, xuất xứ của món ăn. Một du khách bình thường cũng có thể thưởng thức món ăn của đầu bếp nổi tiếng. Đây chính là cách mà họ câu khách, lấy tiền của khách mà du khách vẫn thoải mái và thích thú.
Bánh mì Huỳnh Hoa, tiệm bánh mì đông khách nhất nhì TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đối với TP HCM, chúng ta cần quảng bá mạnh mẽ hơn nữa, nhất là trên mạng xã hội, về các món ăn đường phố, bởi đây là nét hấp dẫn cho nhiều du khách quốc tế. Một trong những chiến lược hiệu quả là mở các khóa học nấu ăn cho du khách kết hợp với các tour du lịch trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa ẩm thực. Không chỉ được thưởng thức món ăn, du khách có thể học chính cách làm món ăn đó, cách đi chợ chọn nguyên liệu, cách chế biến sao cho đúng hương vị nhất..., qua đó dần hình thành và định vị thương hiệu ẩm thực của TP HCM.
Việc chọn ra một vài món ăn tiêu biểu cho TP HCM là cực kỳ cần thiết. Không phải chỉ chọn ra một danh sách thông thường, chúng ta cần đầu tư mạnh mẽ cho việc xây dựng một thương hiệu cho món ăn đó gắn với TP. Có thể lấy ví dụ như "Cơm tấm Sài Gòn" hay "Phở Sài Gòn" là cái tên đã nổi tiếng từ lâu từ Nam ra Bắc. Do đó, nhất thiết cần có sự đầu tư bài bản, thành lập các nhóm chuyên gia, tổ chức phát triển chuyên nghiệp, có kế hoạch, lộ trình xây dựng thương hiệu.
Hình thành thương hiệu ẩm thực của TP HCM cũng không thể thiếu việc nghiên cứu tìm ra công thức dễ chấp nhận nhất cho khẩu vị của du khách quốc tế, qua đó đem chính món ăn của mình giới thiệu ở nước ngoài một cách chính thức. Để làm được điều này, cần tập hợp các nhà kinh doanh món ăn Sài Gòn ở các nước, thành lập hiệp hội trên toàn cầu, cùng nhau chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và giúp đỡ về tài chính nếu cần.
Xét trên góc độ sự tinh tế, có thể coi người đầu bếp là nghệ sĩ. Như vậy, chúng ta cần nâng tầm những người chế biến món ăn, tương tự điều mà Nhật Bản đã làm với món sushi. Tiền đề cho cách làm này chính là sự mở rộng công nhận nghệ nhân ẩm thực và quảng bá mạnh mẽ những nghệ nhân đó, dù họ chỉ là người nấu ăn đường phố.
Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về ẩm thực
Hiện nay trên mạng internet và mạng xã hội có vô số thông tin về ẩm thực của TP HCM nhưng không đồng nhất, nhiều thông tin trái ngược nhau. Chính vì thế cần có một hệ thống cơ sở dữ liệu về ẩm thực đầy đủ, chính xác và toàn diện của TP HCM. Không chỉ cho chính người làm kinh doanh tra cứu, đây còn là sự thuận tiện cho du khách dễ dàng tìm kiếm các món ăn và cũng là thương hiệu ẩm thực. Việc đầu tư có thể dùng cách xã hội hóa và được quản lý bởi cơ quan chức năng. Trên góc độ du khách, họ chỉ cần nhìn hình ảnh đẹp và các bài viết chi tiết là sẽ có hứng thú đến TP HCM để thưởng thức món ăn.
Đầu tư Bảo tàng Ẩm thực TP HCM cũng là một cách làm tốt để quảng bá một nền văn hóa ẩm thực đặc sắc có lẽ vào hàng đầu cả nước. Cũng tương tự như các bảo tàng khác, không chỉ là một điểm tham quan, nơi đây sẽ có tác dụng rất nhiều cho việc quảng bá thương hiệu ẩm thực của TP ra quốc tế với các hình ảnh, clip, giới thiệu lịch sử, công thức, các câu chuyện về món ăn.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tổ chức lễ hội ẩm thực TP cũng là hoạt động quan trọng để từng bước xây dựng thương hiệu ẩm thực TP HCM. Trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh, việc tổ chức rồi phát trực tuyến trên toàn thế giới cũng sẽ là cách kéo khách du lịch khi dịch bệnh được đẩy lùi.
Tăng cường quảng bá ẩm thực của TP HCM bằng các kênh chính thống trên mạng xã hội; mời những người nổi tiếng, có ảnh hưởng với công chúng như ca sĩ, diễn viên, người ảnh hưởng đến giới trẻ... tham gia quảng bá cho ẩm thực TP. Các chiến dịch quảng bá cần được xây dựng với các nội dung và mục tiêu cụ thể, có điểm đích rõ dựa trên các sự kiện lớn của đất nước nói chung và TP HCM nói riêng.
Chú trọng an toàn thực phẩm
Một điều quan trọng nữa là phải chú trọng và đẩy mạnh vệ sinh an toàn thực phẩm. Càng nổi tiếng về ẩm thực đường phố thì mọi quán ăn đường phố càng phải bảo đảm vệ sinh. Phát triển nguồn cung ứng thực phẩm sạch đến các chợ đầu mối, tăng cường mối liên kết trang trại - nhà hàng với mục đích an toàn cho khách. Tuyên truyền mạnh mẽ, đào tạo văn hóa ứng xử cho người bán, người phục vụ để giữ hình ảnh đẹp về ẩm thực TP HCM.
Đơn vị đồng hành:
Bình luận (0)