Trong những năm gần đây, việc thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã và đang có sự phát triển mạnh mẽ, với sự cạnh tranh sôi động về phát triển dịch vụ bán lẻ phi tín dụng của các ngân hàng thương mại, các công ty công nghệ hỗ trợ dịch vụ thanh toán, tổ chức trung gian thanh toán.
Môi trường pháp lý cho hoạt động này ngày càng hoàn thiện hơn. Cùng với đó là sự hưởng ứng từ nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ công khi nhận ra lợi ích kinh tế về hợp tác phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Tuy nhiên, việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế vẫn còn gặp những trở ngại do thói quen, tâm lý của người dân, cơ sở hạ tầng và sự kết nối, tích hợp giữa đơn vị cung ứng dịch vụ với các hệ thống thanh toán tạo cơ sở để triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán còn nhiều hạn chế.
Đó còn là sự thiếu đồng bộ giữa các trung gian thanh toán và các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ. Các ngân hàng và công ty Fintech chịu trách nhiệm lớn về việc cung cấp phương tiện thanh toán cho người dân nhưng đơn vị cung ứng dịch vụ, hàng hóa mới là nơi để người dân thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt chưa nhiều.
Chúng ta có lợi thế dân số trẻ và đông; đồng thời, cơ quan nhà nước cũng rất nỗ lực xây dựng khung chính sách cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, cần hiện thực hóa các chủ trương và chính sách để doanh nghiệp có thể phát triển và người dùng không ngại ngần.
Để phương thức thanh toán không sử dụng tiền mặt ngày càng phát triển, cần điều chỉnh mức phí hợp lý cho những khách hàng có nhiều giao dịch trong một ngày, nhất là những giao dịch nhỏ. Nên có những giải pháp cụ thể chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thúc đẩy việc triển khai thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công.
Bên cạnh đó, việc mở rộng mạng lưới các điểm chấp nhận thanh toán là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Cần nhanh chóng xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông cấp quốc gia. Nếu được hưởng nhiều lợi ích như không bị thu phí cao, được nhận nhiều khuyến mãi..., người tiêu dùng sẽ thay đổi thói quen, chuyển sang thanh toán không tiền mặt.
Cơ quan chức năng cần tiếp tục chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, hiện đại vào các sản phẩm, dịch vụ thanh toán bảo đảm tiện ích, an toàn, bảo mật, chi phí hợp lý. Chiến dịch khuyến khích người dùng quen với phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cần dài hơi và liên tục. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông đồng bộ và có hiệu quả trong việc phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và cách thức thanh toán tiêu dùng của người dân...
Bình luận (0)