Theo Cục Hàng không Việt Nam, tổng hợp số liệu chung của thị trường, tình hình vận chuyển hành khách và hàng hóa bằng đường hàng không dịp nghỉ lễ Giáp Thìn năm 2024 đã có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023 (tăng 11%).
Dù thị trường nội địa có sụt giảm (giảm 13,2%) nhưng thị trường quốc tế ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ (tăng 54%). Vận chuyển hàng hóa cũng thể hiện chiều hướng tương đồng, với sự tăng trưởng của tổng thị trường (tăng 7,3%), trong khi thị trường nội địa giảm (giảm 11%) và thị trường quốc tế tăng (tăng 10,5%).
Như mọi năm, hoạt động vận chuyển hành khách và hàng hóa bằng đường hàng không bắt đầu gia tăng từ ngày 1-2-2024 (ngày 23 tháng Chạp năm Quý Mão). Trên cơ sở dự báo và theo sát diễn biến thực tế, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đã có những chỉ đạo sát sao đến các hãng hàng không, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và các cơ quan, đơn vị trong ngành chủ động các phương án, triển khai các giải pháp để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của hành khách, bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động khai thác.
Dù trong những ngày từ 1-2 đến 4-2, thời tiết xuất hiện những diễn biến bất thường do tình trạng sương mù, mây thấp tại khu vực Miền Bắc, làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác (hạn chế tầm nhìn, chậm chuyến, chuyển hướng), nhưng với sự chỉ đạo kịp thời của cơ quan quản lý và sự phối hợp đồng bộ của các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành, hoạt động vận chuyển hàng không đã khắc phục, hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động khai thác của các hãng hàng không.
Trong những ngày tiếp theo đó và cũng là giai đoạn chính của kỳ nghỉ Lễ (8-2 đến 14-2-2024), hoạt động vận chuyển hành khách và vận chuyển hàng hóa được diễn ra thông suốt và liên tục, không xảy ra tình hình ùn tắc tại các sân bay, đặc biệt là sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM). Đỉnh điểm là ngày 14-2 với hơn 905 chuyến bay và gần 150 ngàn hành khách nhưng không có hiện tượng ùn, tắc tại Tân Sơn Nhất.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, mặc dù vẫn xảy ra tình trạng chậm chuyến (chủ yếu do vấn đề khai thác của các hãng hàng không), nhưng các hãng hàng không và các đơn vị cung cấp dịch vụ đã phối hợp trong việc phục vụ hành khách (thông báo đến hành khách và thực hiện các giải pháp phù hợp theo quy định). Qua đó giảm thiểu những tác động tiêu cực và những bất tiện cho hành khách tại cảng hàng không.
Nhìn chung, trong giai đoạn kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, hoạt động vận tải hành khách bằng đường hàng không phục vụ nhu cầu di chuyển đi lại của hành khách và vận chuyển hàng hóa được diễn ra đều đặn, thông suốt và liên tục.
Các cơ quan, đơn vị, tổ chức theo chức năng, nhiệm vụ và phân công đã bố trí, ứng trực nhân lực và phương tiện theo quy định, bảo đảm đầy đủ, duy trì hoạt động liên tục và sẵn sàng ứng phó, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh. Tình hình an ninh, an toàn, chất lượng dịch vụ được duy trì và bảo đảm, phục tốt cho hoạt động khai thác hàng không tại các cảng hàng không, sân bay trong cả nước.
Khách bay của các hãng hàng không Việt Nam sụt giảm
Số liệu cụ thể: Tổng thị trường vận chuyển hành khách qua đường hàng không từ ngày 8-2 đến ngày 14-2-2024 (tức 29 tháng Chạp đến mùng 5 Tết Giáp Thìn) đạt hơn 1,5 triệu hành khách (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, vận chuyển hành khách quốc tế đạt xấp xỉ 748,6 ngàn khách (tăng 54% so với cùng kỳ năm 2023); vận chuyển hành khách nội địa đạt hơn 762,4 ngàn hành khách (giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2023). Tổng sản lượng vận chuyển hàng hóa đạt gần 8,56 ngàn tấn (tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2023).
Tại các sân bay Việt Nam, sản lượng cất/hạ cánh đạt hơn 14,5 ngàn lượt (giảm 0,7% so với cùng kỳ 2023); tổng sản lượng hành khách thông qua cảng đạt hơn 2,27 triệu khách (tăng 1,4% so với cùng kỳ 2023); sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt hơn 9,6 ngàn tấn (tăng 5% so với cùng kỳ 2023).
Tổng sản lượng vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam đạt hơn xấp xỉ 1,1 triệu hành khách (giảm 2,7% so với cùng kỳ 2023) và hơn 2,8 tấn hàng hóa (tăng 16,7% so với cùng kỳ 2023).
Bình luận (0)