xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm": Biển đã ngấm vào máu thịt

Bài và ảnh: TUẤN CƯỜNG

Đối với ngư dân, đã chọn nghề đi biển là sống chết với biển. Họ luôn đoàn kết vượt qua khó khăn, cố gắng bám biển, góp một phần bé nhỏ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc

Những ngày đầu tháng 5, mùa biển lặng - mùa của hàng ngàn tàu cá của bà con ngư dân hành trình ra vùng biển, đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam đánh bắt hải sản.

Không ngừng vượt khó

Một ngày làm việc của 12 ngư dân tàu cá BV-0306 TS do anh Trần Văn Kiểu (ngụ phường Phước Hải, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) làm thuyền trưởng mà chúng tôi gặp ở đảo Đá Tây bắt đầu từ 4 giờ sáng. Khi mặt trời chưa ló dạng, họ đã phải trầm mình trong nước biển lạnh buốt, úp mặt xuống mặt biển, dùng ống nhòm tìm luồng cá. Họ đã quen với mình trần và nổi trôi tự do trên mặt biển. Khi phát hiện được luồng cá, họ đánh dấu bằng phao quả nhót và thông báo cho chủ tàu thả lưới vây. Việc thả lưới vây ở giữa biển khơi rất khó khăn bởi thường xuyên gặp luồng nước chảy xiết, sóng dập dềnh, dễ bị "chuột rút" hiểm nguy rình rập bất cứ lúc nào.

Cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm": Biển đã ngấm vào máu thịt- Ảnh 1.

Ngư dân được cán bộ Trung tâm Hậu cần Nghề cá cấp cờ Tổ quốc và thuốc chữa bệnh miễn phí

Theo tàu BV-0306 TS hơn 13 năm, chuyến biển này ngư phủ Lê Hữu Hưng (quê ở Nghi Sơn, Thanh Hóa) hy vọng sẽ bắt được nhiều cá, chia được nhiều tiền để "bù lỗ" những chuyến biển trước. "Chúng tôi làm công cho chủ tàu, ăn chia theo sản phẩm. Mỗi chuyến biển kéo dài từ 25-30 ngày, thậm chí 40 ngày. Trước khi xuất bến, chủ tàu cho mỗi người tạm ứng trước 8-10 triệu đồng. Tất cả đồ dùng cá nhân đều riêng, góp tiền mua gạo nấu cơm chung. Đời ngư phủ vất vả nhưng cứ mỗi lần ra khơi thì cảm giác "đã" lắm. Biển đã ngấm vào máu thịt rồi" - anh Hưng bộc bạch.

Cũng "đầu quân" vào tàu BV-0306 TS thời gian cùng với Lê Hữu Hưng, anh Lê Xuân Giá có nước da đen sì mà anh em trong tàu gọi là "bao công nhí". Hàng trăm chuyến biển dài ngày, hàng ngàn lần úp mặt xuống biển tìm luồng cá và hơn chục năm "sống với biển, vui buồn với biển", ngư dân này trông già hơn nhiều so với cái tuổi 34.

Gia đình ngư dân Lê Xuân Giá có hoàn cảnh khó khăn. Bố mẹ chia tay, Giá sống với bà ngoại từ nhỏ rồi vào Vũng Tàu. Chọn nghề đi biển đối với Giá vừa mưu sinh vừa tìm kiếm cơ hội "đổi đời". "Gian khổ, nhọc nhằn đấy nhưng không ra biển là cảm giác nhớ lắm. Vậy mới nói làm nghề này coi như sống chết với biển" - anh Giá phân trần.

Vẫn luôn vươn khơi bám biển

Tôi gặp ông Trần Minh Cường, chủ tàu cá Bình Định số hiệu tàu BD 94726-TS khi tàu của ông vào Đảo Đá Tây A mua nhiên liệu và đá lạnh. Mái tóc của ông xơ cứng như "rễ tre", khuôn mặt sạm đen vì nắng gió.

Ông Cường kể cho chúng tôi nghe chuyện bị tàu "lạ" rượt đuổi giữa đêm khuya trên biển hồi năm 2014. "Lần đó, tui suýt bỏ mạng ở biển. Tàu của họ xuất hiện bất thình lình không kịp trở tay. Bỏ cả lưới vây chạy thục mạng. May mà thoát chứ không chừ đâu được ra khơi" - ông Cường nhớ lại.

Cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm": Biển đã ngấm vào máu thịt- Ảnh 2.

Trung tâm Hậu cần Nghề cá ở đảo Đá Tây - điểm tựa của ngư dân Việt Nam

10 năm trước, tháng 7-2014, tàu lưới vây của ông Cường đánh bắt hải sản ở khu vực biển Hoàng Sa. Đêm hôm ấy, ông cùng 11 ngư dân đang kéo mẻ lưới vây thì bỗng dưng nghe tiếng máy tàu nổ. Mọi người vừa ngước nhìn liền thấy một chiếc tàu đen sì hú còi, ầm ầm lao tới tàu cá của ông. 

Các bạn tàu đoán có chuyện chẳng hay, nguy hiểm đến tính mạng. Tình huống quá nguy cấp. Mẻ cá hàng chục tấn đã vào trọn lưới đang bắt đầu thu lưới kéo lên. Bỏ thì tiếc, tiếp tục kéo lưới thì sẽ bị tàu "lạ" lao đến phá hoại, thu lưới vây, thậm chí đâm thủng tàu và bắt người. Cố thu lưới nhưng không kịp nữa. Khi tàu "lạ" chỉ còn cách vào trăm mét, ông Cường cho tàu chuyển hướng, tăng tốc bỏ chạy. "Thấy tàu tôi chạy, nó rượt theo, dùng súng tín hiệu bắn yêu cầu dừng lại nhưng tôi không dừng" - ông Cường hồi tưởng.

Ông Cường kể lại rằng việc tàu cá của ngư dân ta bị tàu "lạ" tấn công, phá ngư cụ, thiệt hại nặng nề là chuyện không hiếm. Thế nhưng, bất chấp nguy hiểm, ngư dân vẫn không nản chí, vẫn tiếp tục vươn khơi bám biển. "Nhà tôi hơn 3 đời làm nghề biển. Biết là nghề này cực khổ lắm, nguy hiểm lắm nhưng chưa bao giờ có ý định bỏ nghề. Con tôi rồi cũng làm nghề này thôi. Biển, đảo của ta, ta cứ khai thác đánh bắt, sợ gì không đi" - ông Cường khẳng khái.

Ông Cường cùng các ngư dân trở lại tàu cá BD 94726-TS sau khi mua hơn trăm cây đá lạnh và 8 khối dầu máy của Trung tâm Dịch vụ Hậu cần Nghề cá tại đảo Đá Tây cho đợt đánh bắt hải sản dài ngày. Gương mặt ai cũng hớn hở vui cười vì mua đá lạnh, dầu tại đảo giá cả rẻ như ở đất liền. Ông Cường ngoảnh lại nói: "Chào các anh nhé. Hết đá lạnh, hết dầu chúng tôi lại ghé vào đảo để mua hàng".

Trong tiếng gió gào, tiếng sóng ào ạt của biển khơi, tôi kịp nghe tiếng hát người chủ tàu lạc quan: "Tàu anh ra khơi chân mây ửng hồng, tàu anh ra khơi có ngại chi sương gió... ớ hờ"...

Đúng là ngại chi sương gió! Bởi các anh, mỗi ngư dân, đã là cột mốc sống chủ quyền trên biển trời của Tổ quốc. 

Đoàn kết vượt qua khó khăn

Khó có thể nói hết những khó khăn, gian khổ của những ngư phủ chọn nghề mò biển mưu sinh. Nhưng qua câu chuyện của họ, qua những chuyến đánh bắt khơi xa ở vùng chân trời của Tổ quốc, chúng tôi cảm nhận đó không còn là câu chuyện mưu sinh. Thuyền trưởng tàu cá BV-0306 TS Trần Văn Kiểu nói: "Bạn tàu chúng tôi luôn đoàn kết vượt qua khó khăn, cố gắng bám biển, góp một phần bé nhỏ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc".

Mời bạn đọc tiếp tục tham gia viết bài

Cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" lần thứ 4 năm 2023 - 2024 được Báo Người Lao Động phát động từ ngày 28-7-2023 đến 31-5-2024.

Đến nay, Ban Tổ chức đã nhận được nhiều bài dự thi của bạn đọc trên khắp mọi miền đất nước. Bám sát nội dung, chủ đề cuộc thi, các bài viết phản ánh sinh động công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, lãnh thổ quốc gia; khắc họa hình tượng đẹp đẽ của người chiến sĩ Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng; ca ngợi tình yêu biển đảo quê hương, đất nước; phản ánh đa dạng tình đoàn kết quân - dân trong thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, bảo vệ vùng biên, xây dựng đường biên giới hòa bình - hữu nghị với các nước bạn.

Với mong muốn cuộc thi trở thành diễn đàn để bạn đọc gửi gắm, bày tỏ tình yêu quê hương, đất nước, cũng như đề xuất, hiến kế ý tưởng, giải pháp về tuyên truyền, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới, lãnh thổ quốc gia, Báo Người Lao Động mời bạn đọc tiếp tục gửi tác phẩm tham dự.

Ban Tổ chức khuyến khích tác giả viết phóng sự, ký báo chí, giới thiệu những câu chuyện hay, chân thực bằng chính sự trải nghiệm của người trong cuộc; khuyến khích các bài viết gắn với chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc" do Báo Người Lao Động thực hiện với 4 hợp phần: "Triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển", "Cờ Tổ quốc biên cương", "Đường cờ Tổ quốc" và "Vững tuyến đầu, chắc hậu phương".

Bạn đọc tham khảo thể lệ chi tiết của cuộc thi tại: https://nld.com.vn/ban-doc/hap-dan-cuoc-thi-viet-chu-quyen-quoc-gia-bat-kha-xam-pham-va-cuoc-thi-anh-thieng-lieng-co-to-quoc-20230731170758153.htm.

Tòa soạn

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo