Ở tổ dân phố Tân Mỹ, phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, ai cũng biết đến thuyền trưởng Nguyễn Ngọc Cảnh (sinh năm 1975). Để gặp được ông không hề dễ, phải lựa giữa tuần trăng, khi thuyền không ra khơi. Bởi cuộc đời của người ngư dân lấy thuyền làm nhà, biển cả là quê hương có mấy thời gian được ở gần vợ con.
Người săn "lộc" biển
Là con trưởng trong một gia đình có truyền thống đi biển, năm 13 tuổi, ông Cảnh đã giong thuyền ra khơi. Năm 2004, lúc 29 tuổi, ông Cảnh mạnh dạn vay vốn hơn 500 triệu đồng, tích cóp vốn liếng đóng tàu công suất lớn (420 CV) để vươn khơi, bám biển. Năm 2010, ông đóng thêm 1 tàu cá công suất 430 CV trị giá 1,9 tỉ đồng.
Đặc biệt, năm 2016, theo Nghị định số 67/ 2014/NĐ-CP của Chính phủ hỗ trợ ngư dân đóng tàu, gia đình ông Cảnh quyết định đóng thêm 1 tàu cá trị giá gần 17 tỉ đồng, công suất 829 CV. Cả 3 chiếc tàu này ông Cảnh đầu tư thiết bị máy móc hiện đại, đồng bộ như: Máy liên lạc tầm xa, máy dò cá, máy định vị MOVIMAR… để phục vụ cho làm nghề câu, chụp, vây rút…
Ông Cảnh cho biết nhờ thời tiết thuận lợi, áp dụng công nghệ cùng với kinh nghiệm đi biển nhiều năm, những năm gần đây, ông đều trúng lớn. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2023, mỗi chuyến ra khơi, 3 tàu cá của ông đều đánh bắt được từ 40-50 tấn cá nục, cá ngừ... với giá trị từ 1,7 đến 1,9 tỉ đồng.
Với chiếc "tàu cá 67" (đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP), ông Cảnh đã tuyển thêm ngư dân đi biển để tham gia bám biển Hoàng Sa với thời gian dài hơn. Ông Cảnh khoe từ năm 2020 đến nay, mỗi năm 3 chiếc tàu đánh bắt được trên 120 tấn hải sản, doanh thu 9,7 tỉ đồng, lợi nhuận sau khi khấu trừ mọi chi phí đạt khoảng 4,7 tỉ đồng/năm. Ngoài ra, ông Cảnh cũng giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 35 lao động với mức thu nhập bình quân từ 10-20 triệu đồng/người/tháng.
Đến nay, sau 36 năm bám biển Hoàng Sa, ông Cảnh đã có một gia tài lớn khiến nhiều người ngưỡng mộ, cả 4 người con của ông đều được ăn học thành tài.
Giúp nhau bám biển mưu sinh
Xác định được công việc của ngư dân đi biển không chỉ có đánh bắt thủy sản, năm 2014, ông Cảnh đã đăng ký tham gia và vận động được 2 chủ tàu cùng đăng ký vừa khai thác thủy sản vừa bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc .
Cũng trong năm 2014, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tàu của ông Cảnh là 1 trong 4 tàu cá đầu tiên xuất hiện trên vùng biển Hoàng Sa để kết hợp đánh bắt và bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Ông Cảnh cho biết lần đó là một kỷ niệm không bao giờ quên trong sự nghiệp đi biển. Tuy phải đối mặt với hiểm nguy, sự hung hãn của tàu Trung Quốc nhưng ông và các tàu cá khác quyết tâm đoàn kết, kiên cường bám trụ vùng biển thuộc chủ quyền của đất nước.
Những ngư dân như ông Cảnh được gọi là những cột mốc sống trên biển, góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia. "Bao năm lênh đênh biển cả, chúng tôi rõ từng mét chủ quyền biển, đảo quốc gia và luôn tuân thủ tuyệt đối quy định của pháp luật, không đánh bắt ngoài khu vực cho phép. Tham gia bảo vệ chủ quyền là trách nhiệm của mỗi ngư dân chúng tôi" - ông Cảnh nói.
Ở địa phương, ông Cảnh được nhiều người xem là tấm gương về lao động sản xuất, đoàn kết ngư dân. Ông tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nghề nghiệp như thành lập tổ đoàn kết, tổ hợp tác đánh bắt thủy sản trên biển... Ông còn làm Bí thư chi bộ kiêm Trưởng Ban Công tác Mặt trận tổ dân phố Tân Mỹ nhiều năm liền. Thông qua tổ đoàn kết, các thành viên trong tổ có thể nắm bắt được thông tin đầy đủ quy định của pháp luật Việt Nam, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, các quy định về hoạt động khai thác khơi xa.
Ông Cảnh còn được người dân địa phương gọi là "kỳ lân" làng biển, bởi gần như mỗi chuyến biển của ông đều thắng lớn. Như trong lần ra khơi năm 2023, sau hơn 1 tháng bám vùng biển Hoàng Sa, các tàu cá của gia đình ông Cảnh cập cảng cá Thọ Quang (TP Đà Nẵng), mang về hơn 70 tấn cá ngừ, cá nục và bán được gần 2 tỉ đồng.
Với "kỳ lân" làng biển này, mỗi khi có tàu cá gặp sự cố trên biển là ông không ngần ngại giúp đỡ, cho dù quen biết hay không. Các tàu cá của ông Cảnh đã 11 lần lai dắt, cứu hộ tàu bị nạn do hỏng máy lênh đênh trên biển.
Hằng năm, gia đình ông còn giúp đỡ cho 15 gia đình khó khăn hoặc hộ nghèo về vật tư, vốn, kinh nghiệm đi biển để phát triển sản xuất, vươn lên giảm nghèo, làm giàu trên quê hương.
"Làm ngư dân luôn phải đối mặt với muôn vàn hiểm nguy, gian khó. Giúp nhau mưu sinh bám biển, cùng nhau bảo vệ chủ quyền biển, đảo mà cha ông mình bao đời nay gìn giữ là tâm nguyện, trách nhiệm không của riêng tôi" - "kỳ lân" - thuyền trưởng Nguyễn Ngọc Cảnh nói.
Dám nghĩ, dám làm
Ngư dân Nguyễn Ngọc Cảnh từng được Thủ tướng Chính phủ trao tặng bằng khen vào năm 2018. Năm 2021, ông được Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng Ba. Ông còn là 1 trong 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 do Hội Nông dân Việt Nam bầu chọn.
Ông Trần Tiến Sỹ, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình, nhận xét: "Ngư dân Nguyễn Ngọc Cảnh là một tấm gương hội viên có ý chí vượt khó, cần cù lao động, dám nghĩ dám làm; có lòng quyết tâm bám biển không chỉ làm giàu từ đánh bắt thủy hải sản, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động, mà còn tích cực góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tấm gương của ngư dân Cảnh rất đáng biểu dương và lan tỏa".
Bình luận (0)