Đầu tháng 2-2025, trên mạng xã hội xôn xao về đoạn clip một tài xế xe ôm công nghệ khi đang chạy trên đường ở quận Bình Tân, TP HCM thì bất ngờ bị một người đàn ông chặn xe, lớn tiếng và liên tục đánh vào đầu. Tài xế này là anh N.M.N (SN 2000, quê Đồng Tháp).
Phải tự xử lý sự cố
Sau Tết, anh N. từ quê lên TP HCM để chạy xe ôm công nghệ. Sự việc xảy ra khi anh đến địa bàn quận Bình Tân. Sau đó, anh đã đến cơ quan công an trình báo. N cho biết anh không quen biết người đàn ông đánh mình, trong lúc di chuyển cũng không xảy ra va chạm với ai. Rủi ro xảy ra đã ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của anh.
Thời gian qua, nhiều vụ hành hung đã xảy ra với các tài xế xe công nghệ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn của họ. Không chỉ có nguy cơ mất an toàn, tài xế xe công nghệ còn đối mặt nhiều tình huống dở khóc dở cười.
Chị Lê Thị Huyên - chạy Grab hơn 3 năm tại quận 7, TP HCM - kể cách đây gần 1 năm, chị nhận cuốc xe vào buổi tối. Đến điểm đón, thấy khách đã hơi say, dù lo ngại nhưng chị vẫn chở ông ta. Xe lưu thông được một đoạn thì gặp sự cố. Chị dừng xe, xin lỗi khách, đồng thời đề xuất giúp ông ta đón cuốc xe khác. Song, người khách này liên tục to tiếng, dọa nạt đánh giá 1 sao với cuốc xe của chị.
"Tôi là mẹ đơn thân, vì mất việc nên chuyển sang chạy xe công nghệ để kiếm thu nhập. Mỗi ngày chạy xe hơn 10 giờ, tôi không sợ vất vả nhưng gặp những tình huống như vậy thì rất lo lắng. Sau sự cố ấy, buổi tối tôi chuyển sang giao đồ ăn" - chị Huyên cho hay.
Còn anh Nguyễn Duy Dương - ngụ quận 8, TP HCM - cũng vừa một phen hoảng hốt khi không may xe anh va quệt với người đi đường tại khu vực quận 5, TP HCM. Dù cả hai đều an toàn, quá trình giải quyết cũng thuận lợi nhưng do xe anh bị hư hỏng nên số tiền cả ngày hôm đó kiếm được (hơn 350.000 đồng) chỉ vừa đủ sửa chữa.
Anh Dương cũng phải nghỉ chạy xe vài ngày do bị thương ở mắt cá chân sau cú va quệt. Anh chia sẻ những ngày này, thời tiết nắng nóng khiến anh kiệt sức, không đủ tỉnh táo để kéo dài thời gian chạy xe như trước. Vì vậy, thu nhập vốn đã giảm sút, sau sự cố, anh lại phải nghỉ ở nhà 4 ngày không có thu nhập nên các khoản chi tiêu trong gia đình bị thiếu hụt.
"Là lao động tự do, không có hợp đồng lao động hay chính sách hỗ trợ gì nên khi xảy ra sự cố, tôi chỉ có thể tự xử lý" - anh Dương bày tỏ.
Xây dựng cơ chế pháp lý
Ông Lê Tấn Lưu - Chủ tịch Nghiệp đoàn Xe ôm, xe công nghệ quận Bình Tân - cho biết hiện nay, số lượng lao động chọn chạy xe công nghệ, giao hàng làm công việc chính ngày càng nhiều. Dù dễ gặp rủi ro, môi trường làm việc khắc nghiệt nhưng họ lại thiếu chính sách hỗ trợ, bảo vệ.
Nhằm hỗ trợ tài xế, ngoài các hoạt động chăm lo, nghiệp đoàn còn có đội chuyên ứng cứu trường hợp bị hỏng xe, tai nạn… Bên cạnh đó, nghiệp đoàn cũng định kỳ tổ chức trao đổi kinh nghiệm, học kỹ năng phòng vệ (võ thuật, xử lý tình huống khi va chạm…), ứng xử với khách hàng. Nhờ vậy mà thời gian qua, các đoàn viên nghiệp đoàn rất ít xảy ra xung đột trong quá trình chở khách hoặc giao hàng.

Tài xế xe công nghệ gặp nạn khi lưu thông, được Nghiệp đoàn Xe ôm, xe công nghệ quận Bình Tân hỗ trợ
Hiện nay, tài xế xe công nghệ chỉ là đối tác nên không có hợp đồng lao động, không được bảo vệ bởi Bộ Luật Lao động cũng như không được tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Họ chỉ có bảo hiểm tai nạn nhưng chính sách này chưa được áp dụng đồng đều, một số ứng dụng chỉ mua bảo hiểm cho tài xế lâu năm.
Do vậy, ông Lưu đề xuất nhà nước nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý đối với nghề lái xe ôm công nghệ. Trong đó, ràng buộc doanh nghiệp quản lý ứng dụng phải có trách nhiệm giao kết hợp đồng lao động với những tài xế làm việc lâu năm, để họ được hưởng chính sách an sinh về sau.
"Về phía doanh nghiệp quản lý ứng dụng, tôi cho rằng nên cập nhật kiến thức pháp luật, trang bị kỹ năng cần thiết định kỳ cho tài xế. Qua đó, giảm thiểu các rủi ro phát sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe, an toàn của họ" - ông Lưu nhìn nhận.
Theo PGS-TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội, để lao động tự do bớt đơn độc, cần có những giải pháp đồng bộ từ nhiều phía. Trong đó, việc cải thiện khung pháp lý và chính sách bảo vệ lao động tự do rất quan trọng. Cụ thể, cần xây dựng cơ chế pháp lý bảo vệ lao động tự do, yêu cầu các nền tảng công nghệ cam kết bảo đảm quyền lợi, đồng thời nghiên cứu mô hình BHXH, BHYT phù hợp với họ.
Ngoài ra, ứng dụng công nghệ cần phát triển các nền tảng giúp giám sát môi trường làm việc, hỗ trợ khẩn cấp khi người lao động gặp tình huống nguy hiểm. Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống đánh giá công bằng giữa khách hàng và người lao động, tránh tình trạng lạm quyền từ phía khách hàng; đào tạo kỹ năng giao tiếp, nhận diện và xử lý bạo lực trong công việc cho người lao động...
Ràng buộc bằng quan hệ lao động
Ông Lê Văn Đại, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Nẵng, cho biết để hỗ trợ lao động tự do - trong đó có tài xế xe ôm, xe công nghệ - LĐLĐ thành phố đã thành lập các nghiệp đoàn nhằm liên kết, tập hợp, chăm lo, bảo vệ người lao động. Về lâu dài, cần có quy định pháp luật để quản lý hiệu quả mô hình hoạt động của shipper, tài xế xe công nghệ; tránh tình trạng người lao động có nhiều nguy cơ nhưng không bị ràng buộc bởi quan hệ lao động.
Bình luận (0)