Ở nhiều địa phương, tinh giản biên chế (TGBC) cũng được đặt ra với mục tiêu cụ thể.
Đó là điều tất yếu, không có sự lựa chọn nào khác khi tìm lời giải cho bài toán nhân sự cồng kềnh, hiệu quả thấp trong nền hành chính các địa phương, bộ - ngành trên cả nước. Lề thói ăn theo, thích sống bám vào cơ quan nhà nước, bao cấp nhiều năm đã ăn sâu vào tư duy nhiều thế hệ, khiến hàng chục năm qua, rất nhiều đợt TGBC với các chính sách ưu đãi, tốn kém ngân sách lớn đều không đem lại kết quả mà ngược lại, biên chế ngày càng phình ra đến mức đáng lo ngại. Đến tháng 4-2015, khi Ban Chấp hành Trung ương (BCHTƯ) Đảng ban hành Nghị quyết 39 về TGBC và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCC), nhiều người đã hy vọng với nghị quyết riêng về TGBC, bộ máy hành chính sẽ gọn nhẹ và hiệu quả.
Thế nhưng, tình hình không cải thiện. Sau 5 năm thực hiện Nghị định 132/CP/2007, đến năm 2012, tổng số CBCC từ trung ương đến cấp huyện tăng 42.000 người, cấp xã tăng 14.000 người. Nguyên nhân khiến bộ máy phình ra đều được quy về do địa phương, bộ - ngành tùy tiện trong tuyển dụng. Đến khi cấp trên kiểm tra, đánh giá việc này sai, thường cho sát hạch lại, rồi cũng "qua truông", đâu vào đó. Nếu người nào bị buộc phải ra khỏi guồng máy thì đa số không phải "con ông cháu cha" ở địa phương, bộ - ngành.
Mới đây, ngày 25-10-2017, BCHTƯ ban hành Nghị quyết 18 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Qua nghị quyết này, TGBC được đặt ra với yêu cầu và quyết tâm chính trị cao hơn, không chấp nhận đánh trống bỏ dùi như trước, hướng đến sự vững mạnh về chất của đội ngũ CBCC, song hành với cải cách tiền lương. Cùng với Nghị quyết 18 là những hình mẫu ở một số địa phương có kết quả tốt, như Quảng Ninh khi thực hiện Đề án 25 về nhất thể hóa đã giảm 202 đầu mối trực thuộc cấp huyện.
Gần đây, TP HCM cũng mạnh dạn với đề án vận động 2 nhóm đối tượng nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ việc với nguồn trợ cấp thêm của TP. Theo tính toán của UBND TP, tổng kinh phí hỗ trợ 1.062 người từ nay đến năm 2021 là hơn 380 tỉ đồng… Đây là những cách làm có tính đột phá. Thực tiễn ở Quảng Ninh và TP HCM sẽ đưa ra những bài học, mô hình tốt và đây là hai địa phương sẽ cải thiện được chất lượng và số lượng đội ngũ CBCC.
Bước vào thời kỹ thuật số, tư duy quản trị và thực hành phải đổi thay, phải quản lý bằng thiết chế, bằng khoa học và bằng luật pháp, không phải bằng nhân sự thuần túy, quản lý kiểu "một kèm một" thì bao nhiêu cho đủ! Cách nói cần nhiều thanh tra viên lao động, xây dựng để đi hết các công trình, các doanh nghiệp hay quản lý thị trường, kiểm lâm đổ lỗi địa bàn rộng, xin thêm người là lối tư duy rất cũ, nên dẹp bỏ. Tại sao các nước họ ít nhân sự mà đâu ra đó, công việc chạy trơn tru?
Phải sát hạch lại đội ngũ CBCC, mạnh dạn chuyển sang các chế độ hợp đồng, làm dịch vụ công. Đồng thời, phải giám sát, đừng "ngó lơ" hay lơi lỏng là các ngành, địa phương lại phình ra biên chế, xử lý cũng đã muộn.
Bình luận (0)