Khi nghe kể công nhân (CN) DNTN Tân Hùng Ngọc (huyện Củ Chi, TP HCM), ngoài việc được chăm lo nhà ở, 3 bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng, còn được doanh nghiệp (DN) tổ chức giặt quần áo mỗi ngày miễn phí để CN có thêm thời gian nghỉ ngơi, chị Nguyễn Thị Tuyết, CN Công ty B.S (quận 12, TP HCM), hết sức ngạc nhiên. “Tôi không dám tin có DN đối đãi tốt với CN như vậy. Ở công ty tôi, đến ngày phép còn không được sử dụng nói gì đến chuyện được tạo điều kiện để nghỉ ngơi” - chị Tuyết chia sẻ.
Không biết ngày phép là gì!
Tại công ty của chị Tuyết, hợp đồng lao động có quy định rõ CN may có 14 ngày phép/năm nhưng hơn 1 năm làm việc ở công ty, chưa khi nào chị được nghỉ phép. Giữa tháng 8 hằng năm, công ty ít hàng nên cho CN nghỉ 2 tuần, tiện thể tổ chức tổng vệ sinh, bảo trì máy móc. Số ngày nghỉ này được trừ hết vào phép năm của CN. Vì vậy, khi ốm đau hay có việc đột xuất, CN phải xin nghỉ không lương mà nghỉ không lương thì bị trừ tiền chuyên cần (nghỉ 1 ngày trừ 50% tiền chuyên cần, nghỉ 2 ngày thì bị trừ hết 300.000 đồng). Chưa kể, nếu nghỉ quá 5 ngày sẽ bị áp vô lỗi nghỉ không phép quá 5 ngày cộng dồn trong 1 tháng và bị cho nghỉ việc.
Không chỉ bị trừ tiền, việc xin nghỉ mỗi khi có chuyện đột xuất cũng rất “trần ai”. CN Nguyễn Bé Ba cho biết cách đây ít lâu, đang làm việc thì chị nhận được tin con trai 3 tuổi ở nhà bị phỏng nước sôi phải đưa đi cấp cứu ở bệnh viện. Chị chạy đến xin phép chủ quản người Hàn Quốc nghỉ làm về lo cho con nhưng không được chấp thuận. Quẫn bách quá, chị xin trực tiếp giám đốc thì được đồng ý cho nghỉ nhưng chỉ được nghỉ duy nhất ngày hôm ấy. Chị Bé Ba than thở: “May mắn là con tôi được bệnh viện cho về nhà điều trị, chứ nếu phải nằm viện thì tôi không biết phải làm sao?”.
Ngày phép của ai?
Tại buổi đối thoại với DN mới đây, bà Huỳnh Thị Anh Mai, Phó trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - Tiền công Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, cho rằng DN có quyền quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động (NLĐ) nhưng phải thông báo cho NLĐ và lịch nghỉ này phải được quy định rõ trong nội quy lao động. Thế nhưng, hiện nay phổ biến tình trạng DN tùy tiện quy định ngày nghỉ hằng năm mà không hề thỏa thuận với NLĐ hoặc sử dụng ngày phép của NLĐ để phục vụ lợi ích của DN như dọn dẹp vệ sinh, bảo trì thiết bị, cấn trừ vào những ngày nghỉ chờ việc, sự cố điện nước...
Đơn cử như trường hợp tại Công ty M.K (huyện Hóc Môn, TP HCM). Đầu tháng 10-2015, công ty hết việc, CN được thông báo nghỉ chờ việc 10 ngày. Khi đi làm trở lại, CN được thông báo số ngày nghỉ chờ việc sẽ được trừ vào phép năm đối với những người còn phép còn những người thiếu phép hoặc hết phép sẽ được trả lương. Nhưng lạ là tiền lương của những CN đã hết phép chưa đến 100.000 đồng/người. Khi CN yêu cầu giải thích rõ thì bà U.T.V.Q, giám đốc công ty, nói một cách lạnh lùng: “Ai đồng ý với cách tính lương đó thì làm, không đồng ý thì nghỉ”.
Còn tại Công ty V.T (tỉnh Tiền Giang), toàn bộ phép năm của CN bị trừ vào những ngày nghỉ lễ, Tết. Chị Nguyễn Bích Ngọc cho biết do phép năm đã bị trừ vào dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 và các dịp lễ nên đầu tháng 10-2015 khi cha chị bị bệnh phải nhập viện điều trị, chị phải xin nghỉ không lương 8 ngày để chăm sóc. Sau đó, do bệnh chuyển nặng, cha chị được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị, chị tiếp tục nộp đơn xin nghỉ không lương 1 tuần kèm theo các chứng từ nằm viện của cha để chứng minh. Sau khi nộp đơn 3 ngày, bộ phận nhân sự gọi điện yêu cầu chị làm đơn xin thôi việc; nếu không, công ty ra quyết định buộc thôi việc thì sẽ mất hết các chế độ!
Bình luận (0)