Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) mới đây công bố báo cáo thị trường lao động với nhiều dữ liệu được phân tích từ thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) tìm kiếm việc làm. Theo đó, hệ thống ghi nhận 16.730 lượt DN đăng tuyển dụng 75.285 lao động và 72.458 NLĐ đang tìm việc.
Nhiều tín hiệu lạc quan
Trong quý I/2023, có 5 nhóm ngành với nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất là thông tin và truyền thông; công nghiệp chế biến, chế tạo; hoạt động tài chính, ngân hàng - bảo hiểm; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ. Trong khi đó, 5 nghề được NLĐ đi tìm việc nhiều nhất là lao động giản đơn trong công nghiệp; nhân viên bán hàng và kinh doanh; kế toán - tài chính; quản lý sản xuất; quản lý nhân sự và quản lý dự án.
Bộ LĐ-TB-XH dự báo sẽ có tổng cộng khoảng 51,25 triệu người có việc làm trong quý II, tăng thêm 150.000 người so với quý I. Các ngành sản xuất sản phẩm điện tử máy tính, sản phẩm quang học dự kiến tăng thêm 28.200 việc làm, chế biến thực phẩm tăng thêm 18.600; sản xuất đồ uống tăng thêm 4.700 người. Trong khi đó, các ngành may trang phục sẽ tiếp tục giảm 38.100 việc làm; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 38.000; in, sao chép bản ghi các loại giảm 37.800 người…
Các sàn giao dịch việc làm luôn thu hút nhiều doanh nghiệp tuyển dụng và người tìm việc
Sở LĐ-TB-XH TP HCM cũng vừa rà soát tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh, lao động, việc làm tại 3.795 DN trên địa bàn thành phố. Kết quả cho thấy, nếu so với cuối năm 2022 - thời điểm có đến 30,7% DN phản ánh phải cắt giảm lao động, chỉ 18,6% DN ghi nhận lao động có tăng thì trong quý I/2023 ghi nhận khả năng bảo đảm việc làm cho NLĐ là khả quan. 851 trong tổng số DN được hỏi đợt này cho biết có nhu cầu tuyển dụng lao động trong quý II. Chỉ khoảng 7% DN dự kiến giảm lao động trong quý II.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, dự báo trong quý II này tình hình đơn hàng có thể cải thiện về số lượng nhưng tiếp tục khó khăn về đơn giá khi áp lực chi phí cao, lợi nhuận của DN chưa được cải thiện, dư địa phát triển ngành may chỉ là đơn hàng nhỏ, phức tạp. Tuy vậy, từ cuối quý I/2023, công việc của NLĐ ngành may ổn định hơn trước khi có thêm đơn hàng và đẩy mạnh tiêu thụ trong nước. Đợt này, Tổng Công ty May 10 đang cần tuyển nhiều nhân sự cho các công việc cắt, may và một số vị trí như lễ tân, kinh doanh, nhân viên marketing (tiếp thị)...
Đòi hỏi cao hơn ở ứng viên
Thị trường lao động đang phục hồi và phát triển nhưng vẫn bộc lộ những vấn đề bất cập, hạn chế. Chất lượng cung lao động chưa đáp ứng nhu cầu lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Hiện cả nước có khoảng 38 triệu lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên, chỉ 26,4% NLĐ có bằng cấp, chứng chỉ.
TS Đỗ Thanh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM, cho biết qua rà soát lực lượng lao động của thành phố có dấu hiệu tăng trở lại trong quý II. Bởi NLĐ sau thời gian dài ở quê do dịch COVID-19 bắt đầu quay lại TP HCM tìm kiếm việc làm. Bên cạnh đó, lực lượng lao động trẻ tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học sẽ góp phần làm cho thị trường lao động sôi động.
Hiện các DN tuyển dụng cũng đòi hỏi ngày một cao từ ứng viên tìm việc. "Những yêu cầu khắt khe cho thấy DN đang trong giai đoạn tái cấu trúc và chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ. Vì thế, có thể đầu vào khó hơn nhưng công việc NLĐ nhận được sẽ tốt, thu nhập cao hơn. Do đó, NLĐ phải tự nâng cấp bản thân để phù hợp với tình hình mới" - TS Vân đánh giá.
Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH) Vũ Trọng Bình cho biết lần đầu tiên trong nghị quyết của Chính phủ về Đề án 06 (Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia) coi thị trường lao động là một cân đối lớn của nền kinh tế. Đây là tư duy đầu tiên không nhìn thị trường lao động chỉ dưới góc độ an sinh mà như một yếu tố của mô hình tăng trưởng.
Theo ông Bình, đây là bước đột phá, là cơ sở quan trọng để Chính phủ từng bước phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội. "Cục Việc làm cũng đề ra nhiều giải pháp phát triển hệ thống kết nối cung - cầu lao động; hỗ trợ phát triển lưới an sinh và bảo hiểm cho NLĐ; thúc đẩy việc học tập, nâng cao tay nghề cho công nhân lao động. Nghiên cứu phát triển các chương trình đào tạo về tác phong, kỷ luật, tâm lý NLĐ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực" - ông Bình nhấn mạnh.
Bình luận (0)