Vũ Anh Tuyết (Công ty TNHH An Thái, tỉnh Bình Dương) hỏi: "Tôi ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với công ty từ tháng 4-2013. Ngày 15-8-2020, anh tôi bị tai nạn nên tôi phải về quê gấp để chăm sóc mà chưa kịp xin phép công ty. Mới đây, khi quay lại công ty làm việc, tôi có nộp giấy tờ xác nhận của địa phương về việc anh tôi bị tai nạn. Tuy nhiên, công ty cho rằng tôi đã tự ý bỏ việc nên không bố trí công việc và thông báo sẽ sa thải tôi. Công ty làm vậy có đúng không?".
Bà Lê Mỹ Thanh, Trưởng Phòng Hành chính - Nhân sự Công ty TNHH An Thái, trả lời: Chị Tuyết tự ý bỏ việc hơn 1 tháng mà không báo trước, cũng không nộp đơn xin phép. Hành vi này vi phạm nội quy lao động và kỷ luật lao động tại doanh nghiệp. Khi trở lại công ty, chị Tuyết có trình bày lý do và nộp giấy xác nhận về việc người anh bị tai nạn giao thông phải điều trị dài ngày.
Tuy nhiên, theo quy định tại điều 126 Bộ Luật Lao động và điều 31 Nghị định 05/2015/NĐ-CP, người sử dụng lao động được áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải đối với người lao động tự ý bỏ việc 5 ngày làm việc cộng dồn trong phạm vi 30 ngày kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc hoặc 20 ngày làm việc cộng dồn trong phạm vi 365 ngày kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.
Các trường hợp người lao động nghỉ việc có lý do chính đáng bao gồm: do thiên tai, hỏa hoạn; bản thân, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố vợ, mẹ vợ, bố chồng, mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi hợp pháp bị ốm có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật. Như vậy, anh trai chị Tuyết không nằm trong các trường hợp xét nghỉ việc vì lý do chính đáng. Do vậy, công ty đã tổ chức họp và ra quyết định sa thải đối với chị Tuyết.
Bình luận (0)