Đời sống người lao động quá khó khăn, hầu hết họ chỉ trông vào mỗi việc làm để có thu nhập, cưu mang cuộc sống cho chính họ và gia đình. Do đó, việc doanh nghiệp (DN) dùng mọi cách để sa thải họ, nhất là lao động trên 35 tuổi là "vắt chanh bỏ vỏ". PGS-TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhìn nhận như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động xoay quanh thực trạng nhiều chủ DN tìm cách sa thải lao động lớn tuổi.
. Phóng viên: Theo kết quả điều tra của Viện Công nhân và Công đoàn, bình quân độ tuổi của công nhân lao động (CNLĐ) trong các DN chỉ là 31,2 tuổi và thời gian trung bình CNLĐ làm cho các DN chỉ 6,7 năm. Điều này chủ yếu do các DN đang có xu hướng chấm dứt hợp đồng với CNLĐ từ 35 tuổi trở lên. Ông lý giải vì sao có tình trạng này?
- PGS-TS Vũ Quang Thọ: Thực trạng chấm dứt quan hệ việc làm với những công nhân (CN) trước 40 tuổi, đặc biệt gần đây có những CN chưa đến 35 tuổi, là rất đáng quan ngại.
Về nguyên nhân, khi nào lợi ích nhận được từ người lao động (NLĐ) kém hơn so với chi phí tiền lương bỏ ra thì chắc chắn DN sẽ tìm cách sa thải họ. Do chi phí đào tạo, trả lương mà DN bỏ ra cho NLĐ rất thấp nên nhiều DN sẵn sàng thay máu lao động, nhất là lao động lớn tuổi và tìm NLĐ khác thay thế. Ngoài ra, do lực lượng lao động dồi dào, sẵn sàng tham gia thị trường lao động cũng là một thách thức, cạnh tranh việc làm đối với những người lớn tuổi. Điều đó lý giải vì sao DN không ngần ngại đẩy CN ra đường dù chúng ta vẫn thường nghe NLĐ là tài sản quý nhất của DN.
Bên cạnh đó, chính sách kêu gọi đầu tư của chúng ta không ràng buộc DN đầu tư dài hạn, không có ràng buộc, yêu cầu DN đó phải đầu tư ở Việt Nam ít nhất 20-30 năm. Do đó, nhiều DN chỉ sau 5-10 năm đã rời khỏi Việt Nam. Thế là nhiều chủ DN sẵn sàng thay đổi quy trình công nghệ, cơ cấu kỹ thuật và kéo theo thay đổi cơ cấu lao động mới. Đương nhiên NLĐ sẽ bị sa thải bất cứ lúc nào, bất kỳ hình thức nào.
Lao động nữ lớn tuổi cần được chính sách về lao động bảo vệ tốt hơn. Ảnh: TRỰC NGÔN
. Có ý kiến cho rằng DN sa thải lao động lớn tuổi là do sợ phải trả lương cao, đóng BHXH cao hơn cho NLĐ có thâm niên. Đây có phải là hành vi "vắt chanh bỏ vỏ" của DN không, hay chỉ là xu thế tất yếu của thị trường lao động, thưa ông?
- Thực ra, việc dùng từ "vắt chanh bỏ vỏ" thì nhiều DN không đồng tình nhưng thực tế bản chất là vậy. Đây là hành động có thể nói, chủ DN đã "lột hết của NLĐ, khi không còn gì nữa thì đẩy NLĐ ra đường". Những DN tìm cách chấm dứt hợp đồng để loại bỏ những NLĐ ở độ tuổi trên 35 là hành động không nhân văn vì thực tế cho thấy hầu hết NLĐ bước chân vào DN khi mới 18-20 tuổi. Suốt khoảng 20 năm thời trẻ, sung sức nhất, họ đã cống hiến, tạo ra sản phẩm đem lại lợi ích và sự phát triển cho DN thì lúc họ lớn tuổi, DN lại chấm dứt hợp đồng, trong khi ở tuổi này không dễ tìm việc làm mới. Đáng ra, chủ DN phải có những giải pháp như tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng để bố trí những NLĐ đó vào những vị trí như quản lý dây chuyền, chuyên gia đào tạo, huấn luyện cho đội ngũ lao động trẻ để làm sao năng suất lao động cao hơn, chất lượng sản phẩm tốt hơn và sẽ hạ giá thành sản phẩm.
. Theo ông, Bộ Luật Lao động cần sửa đổi theo hướng nào để có thể bảo vệ nhóm lao động yếu thế, hạn chế tình trạng này?
- Có lẽ, chúng ta nên tập trung làm tốt về an sinh xã hội gồm 3 trụ cột: thị trường lao động, BHXH và trợ giúp, trợ cấp xã hội. Nếu làm tốt các vấn đề này thì ít nhiều NLĐ vẫn còn "một tấm lá chắn" bên cạnh để bảo vệ họ, để NLĐ có thể bấu víu vào khi chủ DN tìm mọi cách đẩy họ ra khỏi dây chuyền sản xuất, để rồi tiếp tục tìm kiếm kế sinh nhai bằng công việc chính thức hoặc phi chính thức.
Nhưng điều quan trọng là trong thị trường lao động cần phải có chính sách được luật hóa tốt hơn hiện nay. Nên chăng trong Bộ Luật Lao động cần có điều khoản quy định DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khi đầu tư vào Việt Nam, tận dụng những ưu đãi của Chính phủ, ưu đãi về lao động giá rẻ, thì phải có nghĩa vụ với NLĐ bằng việc cam kết đầu tư lâu dài, ít nhất 20-30 năm ở Việt Nam. Nếu có cam kết đó, DN sẽ rất ít có cớ để sa thải NLĐ một cách tự do, ngang nhiên như mấy năm vừa qua.
. Trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 5, QH khóa XIV diễn ra sáng 5-6, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định qua khảo sát tại Đồng Nai, Bắc Ninh và TP HCM, chỉ có 11% lao động trên 35 tuổi nghỉ việc, xin nghỉ với nhiều lý do khác nhau. Tính ra, chỉ có 1,9% so với tổng số lao động của DN đó trong độ tuổi 30-35 nghỉ việc. Ông có bình luận gì về ý kiến này?
- Đây là ý kiến của ông Dung và một vài người khác. Thực ra, điều này có thể đúng ở DN này, DN khác nhưng không thể đúng với tổng thể thị trường lao động - mà hiện nay lực lượng lao động nữ đang chiếm hơn 50%. Tôi khẳng định việc sa thải lao động nữ không phải là ít, bởi đây là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, dễ bị sa thải nhất.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 31-7
Bình luận (0)