Chủ tọa hội nghị
Sáng 3-6, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức hội nghị phản biện dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi). Dự án này đã được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp đang diễn ra và nhận sự quan tâm của toàn xã hội với những dự kiến thay đổi như tăng tuổi nghỉ hưu, tăng giờ làm thêm.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, nhấn mạnh pháp luật là ý chí của nhân dân. Pháp luật lao động phải mang tiếng nói của người lao động (NLĐ). Do đó, việc lắng nghe, tiếp thu tối đa các ý kiến của NLĐ là cực kỳ cần thiết, để bảo đảm tính khả thi khi thực hiện.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Ngọ Duy Hiểu phát biểu - Video: Văn Duẩn
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thỏa, Ban Quan hệ Lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết tổ chức Công đoàn (CĐ) đã tổ chức nhiều cuộc khảo sát, gặp gỡ trực tiếp NLĐ, tổ chức hội nghị, hội thảo lấy ý kiến NLĐ và cán bộ CĐ. "Nguyện vọng của tất cả NLĐ là việc sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Lao động lần này phải mang lại lợi ích tốt hơn cho NLĐ, đồng thời hướng tới bảo đảm sự hài hòa, ổn định trong quan hệ lao động"- bà Thỏa nêu quan điểm.
Bà Nguyễn Thị Thỏa, Ban Quan hệ Lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam, trình bày quan điểm
Theo đại biểu đến từ Tổng LĐLĐ Việt Nam, mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa, qua thu thập ý kiến, phần lớn NLĐ không mong muốn mà đề xuất cần tập trung các giải pháp để nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho NLĐ.
Và thực tế cho thấy, tăng thời giờ làm thêm tỉ lệ thuận với lợi ích người sử dụng lao động thu được. Trong khi, NLĐ làm ngoài giờ tuy có tăng thu nhập nhưng phải đối diện với nhiều chi phí phát sinh và nguy cơ tai nạn lao động.
Từ những lý do trên, bà Thỏa cho biết tổ chức CĐ chỉ đồng ý xem xét mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ như trong dự thảo khi việc chi trả tiền lương làm thêm giờ cho NLĐ được tính theo lũy tiến theo giờ nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.
Bà Thỏa cũng khẳng định về phương án "việc trả lương lũy tiến làm thêm giờ ở mức lương cao hơn" thì "do hai bên thỏa thuận" là không khả thi. Bởi trong quan hệ lao động, NLĐ luôn ở vị thế yếu hơn, đặt trong bối cảnh mất cân đối nghiêm trọng về cung cầu lao động.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Quang Minh, Trưởng Ban Dân chủ pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho rằng dự thảo có nhiều quy định liên quan đến việc bảo đảm quyền lợi của NLĐ nhưng không có tính khả thi, do chưa tính đến yếu tố bất bình đẳng và chịu chi phối trong quan hệ lao động giữa một bên là người sử dụng lao động (thường là ở thế mạnh) và một bên là NLĐ (thường là ở thế yếu, phụ thuộc), nên đã thể hiện theo hướng cho hai bên tự thỏa thuận.
TS Nguyễn Quang Minh, Trưởng Ban Dân chủ pháp luật, phát biểu
Ông Minh đề nghị rà lại tất cả các quy định mang yếu tố thỏa thuận giữa hai bên, những quy định nào cần thiết phải quy định là quyền, quyền lợi của NLĐ bắt buộc phải bảo vệ thì cần quy định lại rõ theo hướng là quyền của NLĐ và trách nhiệm, nghĩa vụ của người sử dụng lao động.
Góp ý vào vấn đề làm thêm giờ, bà Đàm Thị Vân Thoa, Phó Ban Chính sách-Pháp luật của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đề xuất, việc tăng giờ làm thêm cần tính toán kỹ tác động đối với NLĐ, nhất là lao động nữ, lao động ở những ngành nghề nặng nhọc, vì họ cần thời gian để tái tạo sức lao động, nghỉ ngơi, chăm lo gia đình. Chính vì vậy, luật cần quy định rõ những ngành nghề nào được làm thêm giờ cũng như quy định rõ cách tính lũy tiến tiền làm thêm giờ, để NLĐ phải được bảo đảm quyền lợi khi làm thêm.
Bà Đàm Thị Vân Thoa, Phó Ban Chính sách-Pháp luật của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, phát biểu
Vị đại diện đến từ Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ cần quy định rõ những nhóm đối tượng nào được nghỉ hưu sớm, nhóm đối tượng nào được nghỉ hưu muộn hơn. Như đối với nhóm lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt có quyền nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tuổi nghỉ hưu chung. Đồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu nghỉ hưu cao hơn với một số nhóm lao động nữ là nguồn nhân lực chất lượng cao, tiềm năng cho các vị trí quản lý, các ngành khoa học.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực khẳng định trên cơ sở ghi nhận ý kiến của đại diện NLĐ, người sử dụng lao động, các chuyên gia, nhà khoa học, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ tổng hợp gửi tới Ban Soạn thảo để có thêm thông tin, ý kiến trong các tầng lớp nhân dân đối với những nội dung sửa đổi, nhất là những vấn đề đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội, từ đó tạo sự đồng thuận, tính khả thi của dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) trong thực tiễn cuộc sống.
Bình luận (0)