Nếu như hồ sơ thông tin ứng viên được xem là “lời tự giới thiệu” để nhà tuyển dụng (NTD) nắm một cách sơ lược về trình độ năng lực của đối tượng cần tuyển dụng thì khâu phỏng vấn trực tiếp sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tuyển dụng. Dù vậy, nhiều nhà tuyển dụng vẫn bị “hớ hàng” vì những gì thể hiện trong hồ sơ và qua phỏng vấn trực tiếp lại không phản ánh đúng thực lực của ứng viên.
Gây ấn tượng xấu
Nộp hồ sơ xin việc nhiều nơi cùng một lúc, mong muốn của số đông ứng viên là tìm kiếm thật nhiều cơ hội việc làm. Thế nhưng, nhiều ứng viên đã tự “triệt tiêu” cơ hội của mình bằng cách hành xử thiếu chuyên nghiệp, gây bức xúc cho NTD.
Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều NTD cho biết thái độ của ứng viên trong quá trình xin việc có ý nghĩa quan trọng đối với việc tuyển dụng. Ứng viên biết giữ chữ tín sẽ ghi điểm với NTD. Tuy nhiên, không ít ứng viên không suy nghĩ như vậy. Bà Phạm Thị Thanh Thúy, bộ phận nhân sự Công ty Cổ phần Thiết bị điện Sài Gòn, chia sẻ: “Để tạo niềm tin, chúng tôi thường mời ứng viên đến tham quan công ty để tìm hiểu môi trường nơi mình sẽ làm việc. Thế nhưng, tấm thịnh tình này của chúng tôi đã bị ứng viên dội một gáo nước lạnh khi đến trễ hoặc hẹn nhưng không đến. Đây là điều ứng viên cần tránh nếu không muốn gây ấn tượng xấu với NTD”.
Ấm ức không kém, ông Nguyễn Quang Dương, nhân viên tuyển dụng Công ty TNHH TM&SX Dầu thực vật Minh Huê, kể lại: “Đến ngày phỏng vấn, công ty gọi điện nhưng họ tắt máy, thậm chí trả lời gọn lỏn rằng không thích nhận công việc này... Thái độ xem thường NTD của họ rất khó chấp nhận và nếu có tìm được việc thì họ cũng khó lòng tiến xa trong nghề”.
Đừng “làm màu” trước nhà tuyển dụng
Qua bảng mô tả công việc và bằng cấp, không ít ứng viên thích “liệt kê” những ưu điểm của bản thân mà giấu nhẹm nhược điểm nhằm thu hút sự quan tâm của NTD. Tuy nhiên, nhiều ứng viên tự “tiếp thị” bản thân quá lố khiến họ phải trả giá, kể cả khi được tuyển dụng.
Thực tế, nhiều NTD đã “khóc ròng” khi tuyển phải “hàng dỏm” bởi trong quá trình thử việc, nhiều ứng viên bộc lộ những hạn chế về kỹ năng, khác xa với bảng thành tích trong bảng mô tả công việc khi nộp đơn ứng tuyển. Nhiều NTD do quá tin tưởng vào năng lực của ứng viên qua hồ sơ xin việc và phong thái tự tin, chững chạc khi phỏng vấn nên đã bố trí công việc vượt quá khả năng. Đến lúc ấy, ứng viên mới bộc lộ những hạn chế. Điều này khiến NTD bị “sốc” và buộc lòng chấm dứt thời gian thử việc với ứng viên trước thời hạn.
“Rút kinh nghiệm nhiều lần bị “hớ”, chúng tôi đề nghị ứng viên phải nói rõ hạn chế và tìm cách bù đắp những khiếm khuyết đó cho họ, có như vậy doanh nghiệp mới không mất quá nhiều thời gian cho công tác tuyển dụng, đào tạo” - ông Lê Hữu Hùng, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty Cao Minh, chia sẻ.
Để vá “lỗ hổng” trong công tác thẩm định, đánh giá năng lực của ứng viên, nhiều doanh nghiệp buộc phải tổ chức, sắp xếp lại quy trình tuyển dụng. Bà Trịnh Thị Kim Hồng, nhân viên Phòng Hành chính - Nhân sự Công ty TNHH Đồng Tiến, cho biết công ty chỉ tuyển chọn ứng viên được đào tạo đúng chuyên ngành, có kinh nghiệm và ý thức cầu tiến. Trong quá trình thử việc, nếu họ đáp ứng 70% yêu cầu thì công ty mới xem xét ký hợp đồng chính thức.
Việc các doanh nghiệp ngại tuyển ứng viên mới ra trường, thiếu kinh nghiệm vô hình trung đã khép cửa với hàng vạn sinh viên ra trường mỗi năm. “Kinh tế khó khăn, chúng tôi không muốn tốn kém thêm chi phí đào tạo lại, vì vậy các bạn trẻ cần tự trang bị cho mình hành trang đầy đủ khi vào đời. Nói thật, bây giờ nếu có người quen gửi gắm tôi cũng không dám nhận sinh viên mới ra trường vì vừa tốn tiền của, thời gian, công sức lại ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của đơn vị” - ông Trần Minh Khang, giám đốc một công ty cơ khí tại quận 12, TP HCM, thú thật.
Vòng quanh các sàn giao dịch, trung tâm giới thiệu việc làm tại TP HCM trong những tháng qua, sự heo hút, vắng bóng ứng viên là điều dễ dàng nhận ra. Nhiều nhà tuyển dụng nhận định dường như cách làm này chẳng mấy hiệu quả.
Bình luận (0)