Ngày 20-9, Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Bộ luật Lao động (sửa đổi). Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đã trình bày báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo.
Theo bà Nguyễn Thúy Anh, ngày 18-9 vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã trực tiếp chỉ đạo, làm việc với Chủ nhiệm Ủy ban chủ trì thẩm tra, Trưởng ban soạn thảo để nghe báo cáo về quá trình tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đã trình bày báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)
"Về cơ bản, cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo đã thống nhất tiếp thu, chỉnh lý hầu hết các nội dung lớn, cơ bản của dự thảo Bộ luật. Đồng thời, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã dự thảo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình và chính lý dự thảo Bộ luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8"- bà Nguyễn Thúy Anh cho hay.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho hay về mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa (Điều 107) tại kỳ họp thứ 7, Chính phủ đã trình Quốc hội mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm (tăng 100 giờ so với quy định hiện hành), quá trình thảo luận, lấy ý kiến có hai loại ý kiến khác nhau về vấn đề này.
Loại ý kiến tán thành với tờ trình của Chính phủ đồng ý mở rộng thêm khung thời gian làm thêm giờ vì xuất phát từ thực tiễn của doanh nghiệp, đồng thời cũng là nguyện vọng của người lao động (chủ yếu ở nhóm lao động phổ thông trong một số lĩnh vực: Da giày, thủy sản, dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử…) để tăng thu nhập do tiền lương thực tế chưa đủ sống.
Tuy nhiên, ý kiến này đề nghị phải có sự thỏa thuận thực sự giữa người sử dụng lao động và người lao động, tiền lương làm thêm giờ phải được tính lũy tiến, khống chế giờ làm thêm tối đa trong tháng để tạo điều kiện tháo gỡ cho nhóm doanh nghiệp, ngành nghề có nhu cầu làm thêm giờ.
Đối với ý kiến không đồng ý mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa vì cho rằng, mục tiêu phải hướng đến là tăng năng suất lao động, cải tiến công nghệ, quản trị doanh nghiệp, bảo đảm sức khỏe cho người lao động về lâu dài, phù hợp với xu hướng tiến bộ của thế giới, phù hợp với mục tiêu của phong trào công nhân, công đoàn thế giới, quan hệ lao động trong thời kỳ mới.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải lo ngại công nhân không có thời gian để thụ hưởng thành quả của xã hội
Thảo luận tại phiên họp, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho rằng mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm nếu xét từ phía giới sử dụng lao động và người lao động, thì lợi ích mà giới sử dụng lao động thu được sẽ lớn hơn.
"Như một số đại biểu cũng đã phân tích, việc tăng giờ làm thêm sẽ không gây áp lực lên việc thay đổi công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng như thay đổi phương thức quản lý" - bà Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.
Theo Trưởng ban Dân nguyện, thời gian qua báo chí có nêu phản ánh của các doanh nghiệp về việc nếu không tăng giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm thì sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế, chi phí doanh nghiệp sẽ phát sinh khi phải thuê thêm lao động. "Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng đó là lợi ích của giới sử dụng lao động. Trong khi đó, người lao động là nhóm yếu thế hơn, quyền lợi và mong muốn của họ chưa được thể hiện đầy đủ, rõ ràng. Thông qua tổ chức công đoàn, họ thể hiện nguyện vọng của mình"- Trường ban Dân nguyện phân tích.
Bà Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh không đồng tình với phương án tăng giờ làm thêm và cho rằng trong lộ trình 5 năm tới phải xem xét giảm giờ làm thêm. "Cần quan tâm đến đời sống của công nhân, họ phải có tinh thần tốt, thể lực tốt thì năng suất lao động mới cao, sản xuất mới hiệu quả được"- bà Hải thảo luận tại phiên họp.
Trưởng ban Dân nguyên nhắc đến bộ phim "Những cô gái trong thành phố" vừa phát sóng trên khung giờ vàng của VTV3 để nói về đời sống của nữ công nhân tại các khu công nghiệp. "Nếu ai từng xem bộ phim này rồi thì sẽ nhận thấy nếu công nhân đi làm liên tục, tăng ca thường xuyên thì họ sẽ không có thời gian để thụ hưởng những thành quả của xã hội mà do chính họ đóng góp làm nên, không có thời gian đến khu vui chơi giải trí, đời sống sẽ bị hạn chế"- bà Nguyễn Thanh Hải nói.
Ở góc độ xã hội, bà Nguyễn Thanh Hải cho rằng, nhiều vụ bạo lực gia đình, đạo đức xuống cấp, hay chồng giết vợ, anh giết em là có một phần nguyên nhân từ việc lao động quá sức, áp lực, căng thăng do công việc.
Bình luận (0)