Sáng 23-6, tại TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Hội đồng Tiền lương quốc gia (HĐTLQG) tổ chức phiên họp lần thứ nhất (họp kín), dưới sự chủ trì của ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), Chủ tịch HĐTLQG, để bàn về phương hướng tiền lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2021 và một số dự kiến hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của HĐTLQG.
Hai phương án lương tối thiểu vùng
Tại hội nghị, Bộ phận kỹ thuật của HĐTLQG đã đề xuất 2 phương án tiền LTT vùng năm 2021. Phương án 1: Khuyến nghị tiếp tục thực hiện mức LTT vùng năm 2020 đến hết năm 2021 (không điều chỉnh LTT năm 2021).
Ưu điểm của phương án 1, theo lý́ giải của bộ phận kỹ thuật là tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) lấy đà phục hồi do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và sau nhiều năm liên tục điều chỉnh mức LTT; đồng thời có thêm việc làm, thuận lợi để người lao động (NLĐ) đã mất việc làm tham gia thị trường lao động; NLĐ, DN, nhà nước cùng chia sẻ khó khăn và thực hiện trách nhiệm trong việc bảo đảm cuộc sống cho NLĐ theo nghị quyết của Chính phủ. T
uy nhiên, nhược điểm là trong ngắn hạn (năm 2021) tiền LTT không bảo đảm được mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ.
Do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, cả doanh nghiệp và người lao động đều đang gặp khó khăn. Ảnh: KHÁNH AN
Phương án 2: Từ ngày 1-7-2021 (lùi 6 tháng so với thông lệ các năm trước), điều chỉnh bình quân 2,5% để duy trì, bảo đảm mức sống tối thiểu cho NLĐ (tính trên cơ sở CPI - chỉ số gia tiêu dùng - năm 2021 dự kiến 4% trừ phần đã tăng vượt 1,51% của năm 2020). Ưu điểm của phương án 2 là vẫn bảo đảm được mức sống tối thiểu trong trường hợp CPI năm 2020 - 2021 tăng không quá 4%/năm.
Tuy nhiên, nhược điểm là gây tâm lý cho các DN và dư luận trong xã hội tại thời điểm hiện nay vì chưa biết tình hình dịch bệnh trên thế giới, sự phục hồi, ổn định sản xuất của DN, việc làm của NLĐ trong thời gian tới ra sao.
Trao đổi trước khi vào dự phiên họp, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó Chủ tịch HĐTLQG - nhìn nhận năm 2021, thương lượng về mức LTT vùng cho NLĐ có khác với những năm trước. Đó là hậu quả nặng nề từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 sẽ được bàn thảo trong phòng đàm phán. "Cả NLĐ và DN đều đang gặp khó khăn, có nơi khó khăn gay gắt. Chúng tôi sẽ nỗ lực bảo vệ quyền lợi NLĐ, trong mối quan hệ với sự thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của DN" - ông Hiểu cho hay, đồng thời lưu ý lương cơ sở do nhà nước trả cho NLĐ, còn LTT do DN trả cho NLĐ trên kết quả sản xuất - kinh doanh.
Thời gian Covid-19 vừa qua, NLĐ là công chức, viên chức về cơ bản, lương của họ không bị ảnh hưởng, kể cả thời gian giãn cách xã hội. Tuy nhiên, một bộ phận NLĐ trong các khu vực khác bị giảm lương, mất việc trong thời gian giãn cách và sau này. "Do đó, việc không tăng lương cơ sở năm 2021 không có nghĩa là không tăng LTT vùng năm 2021" - ông Hiểu nói.
Phải xem xét nhiều yếu tố
Trưa 23-6, sau khi kết thúc phiên họp, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết phiên họp đầu tiên HĐTLQG chưa bàn đến việc tăng hay không tăng, hay tăng như thế nào đối với LTT vùng của năm 2021 mà là dịp để các bên tiếp tục nghiên cứu, đánh giá các tác động của tình hình kinh tế - xã hội tới đời sống NLĐ. "Ở góc độ đại diện NLĐ, chúng tôi sẽ căn cứ trên cơ sở đánh giá tình hình đời sống NLĐ, nhất là mức sống tối thiểu.
Cùng với đó là tìm hiểu về "sức khỏe" của DN trong bối cảnh có ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng như chỉ số giá tiêu dùng" - ông Hiểu nói. Những yếu tố trên sẽ được đánh giá, xem xét và làm căn cứ để đưa vào trong cuộc họp sắp tới. "Lúc đó HĐTLQG sẽ quyết định tăng hay không tăng, tăng như thế nào" - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nêu quan điểm.
Còn theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra đối với các DN chưa biết đến bao giờ mới kết thúc. Các DN đang phải đối mặt với chồng chất khó khăn, đòi hỏi sự chia sẻ, đồng cảm của NLĐ.
Nhiều DN đang bị đứt gãy chuỗi cung ứng, các hợp đồng mới chưa có, hợp đồng cũ chưa xong. Chưa kể các vùng nguyên liệu đang bị ảnh hưởng nặng nề. Bên cạnh đó, các thị trường xuất khẩu, nhập khẩu lớn của Việt Nam đang bị ảnh hưởng do việc giãn cách xã hội tại một số nước. Cũng như các thị trường khác cũng bị ảnh hưởng do giãn cách xã hội ở nước đó.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, để DN có điều kiện phục hồi cũng như bảo vệ DN trong giai đoạn khó khăn này, VCCI kiến nghị HĐTLQG không tính đến việc điều chỉnh LTT trong năm 2021.
"Đây cũng là một biện pháp để "bồi dưỡng" cho "sức khỏe" của DN vượt qua giai đoạn khó khăn này. Hy vọng thời gian tới, sẽ có đủ nguồn lực để đáp ứng cho việc điều chỉnh LTT và các chính sách xã hội khác với NLĐ..." - ông Phòng lý giải.
Do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, cả doanh nghiệp và người lao động đều đang gặp khó khăn Ảnh: KHÁNH ANTheo dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của HĐTLQG đang được lấy ý kiến, số lượng thành viên tối đa 18 người, trong đó giữ nguyên cơ cấu hiện nay 15 thành viên, gồm đại diện Bộ LĐ-TB-XH (5 thành viên); Tổng LĐLĐ Việt Nam (5 thành viên); tổ chức đại diện Người sử dụng lao động ở trung ương (5 thành viên) và bổ sung tối đa 3 thành viên là chuyên gia độc lập.
Các chuyên gia độc lập này là các nhà khoa học có uy tín, đang công tác nghiên cứu, giảng dạy các nội dung thuộc lĩnh vực lao động, tiền lương, kinh tế - xã hội tại viện nghiên cứu, trường đại học. Các chuyên gia này sẽ do Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH lựa chọn, bổ nhiệm sau khi tham khảo ý kiến của HĐTLQG.
Bình luận (0)