Điều 104 Bộ Luật Lao động (sửa đổi) 2019 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2021) quy định thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động (NSDLĐ) thưởng cho người lao động (NLĐ) căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của NLĐ. Như vậy, thay vì chỉ được thưởng cho NLĐ bằng tiền, trong Bộ Luật Lao động mới mở rộng các hình thức thưởng khác như bằng hiện vật là chính hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp (DN).
Trăm đồng tiền lương không bằng 1 đồng tiền thưởng
Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhấn mạnh tâm lý của NLĐ nói chung là "100 đồng tiền lương không bằng 1 đồng tiền thưởng", do đó tiền thưởng có ý nghĩa là để thúc đẩy NLĐ. Cho nên điều 104 Bộ Luật Lao động (sửa đổi) 2019 quy định thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác. "Hình thức khác như voucher để đi du lịch, cổ phần, trái phiếu... Nếu chủ sử dụng lao động thưởng Tết không trả bằng tiền mặt nhưng là những hiện vật thưởng có giá trị và thuận lợi như tiền thưởng thì rất tốt" - ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Tuy nhiên, ông Bùi Sỹ Lợi cũng băn khoăn trước đây đã có DN thưởng bằng hiện vật, họ sản xuất ra cái gì thì thưởng cái đó. Rất tiếc là giá trị của những hiện vật ấy không có giá trị bằng tiền thưởng. "Hiện vật gì dùng được ngay thì còn đỡ nhưng có những thứ cho không có người lấy, bán không có người mua hoặc bán được giá rất thấp thì mất đi giá trị, ý nghĩa của việc thưởng" - ông Bùi Sỹ Lợi cho hay. Trước những băn khoăn về quy định thưởng tại điều 104, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết tại khoản 2 điều 104 quy định quy chế thưởng do NSDLĐ quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở. Vai trò, trách nhiệm của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở là vô cùng quan trọng. Theo ông Bùi Sỹ Lợi: "Dù hình thức thưởng bằng tiền hay hiện vật hoặc hình thức khác thì dứt khoát phải có sự thỏa thuận với NLĐ. Còn nếu chủ DN không thỏa thuận, không tuân thủ các thỏa ước với NLĐ thì rõ ràng là vi phạm pháp luật".
Đa số người lao động mong muốn thưởng Tết bằng tiền mặt. Ảnh: AN KHÁNH
Nên thưởng bằng tiền mặt
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng việc thưởng Tết bằng hiện vật hay tiền là do điều kiện, quy định của từng công ty, chứ không phải bắt buộc tất cả công ty cứ đến Tết là thưởng hiện vật. Còn xét theo tâm lý, ai cũng thích được thưởng tiền hơn bởi dễ sử dụng, mua được những thứ cần thiết. "Thưởng cho NLĐ bằng hiện vật hoặc bằng tiền thì tùy theo tình hình thực tiễn của mỗi DN hoặc cơ quan. Tuy nhiên, sau khi có nghị định, thông tư hướng dẫn thì sẽ có những đề xuất sao cho phù hợp, bảo đảm cuộc sống của người dân, công nhân trong một năm họ vất vả lao động" - ông Phạm Văn Hòa nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh điều đáng suy nghĩ ở đây là NLĐ làm quần quật cả năm, cuối năm trông chờ vào đồng tiền lương, thưởng để mua sắm, trang bị các thứ cho gia đình, do đó họ cần thưởng bằng tiền mặt hơn. "Do đó, cần hết sức hạn chế thưởng bằng hiện vật" - ông Bùi Sỹ Lợi nói. Còn nếu thưởng bằng hiện vật, theo ông Bùi Sỹ Lợi, dứt khoát phải có sự đồng ý của NLĐ cũng như tổ chức đại diện NLĐ. "Phải chấm dứt tình trạng thưởng không đúng nguyện vọng của NLĐ và không thưởng bằng hiện vật có giá trị thấp hơn khi quy đổi sang tiền mặt mà lẽ ra NLĐ được hưởng" - ông Bùi Sỹ Lợi nêu quan điểm. Theo Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, dù trong Bộ Luật Lao động 2019 đã quy định khá cụ thể, khá rõ về thưởng nhưng trong luật không thể quy định chi tiết các trường hợp cụ thể được. "Do đó, chúng tôi đã đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Chính phủ để Chính phủ chỉ đạo xây dựng những văn bản hướng dẫn dưới luật như nghị định, thông tư rất cụ thể, chi tiết. Theo đó, về cơ bản, thưởng phải bằng tiền mặt" - ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Cũng bày tỏ quan điểm về việc thưởng Tết bằng hiện vật, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp nhìn nhận hiện nay, ngoài thưởng Tết bằng tiền mặt, nhiều DN trong nước đã và đang có nhiều hình thức khuyến khích NLĐ. "Chẳng hạn như thưởng cổ phiếu, thưởng bằng các chuyến tham quan du lịch hay nhiều dịch vụ khác. Không hiếm trong số đó là các hiện vật có giá trị như tủ lạnh, tivi, ôtô hay xe máy…" - ông Doãn Mậu Diệp nêu thực tế. Mặc dù vậy, ông Doãn Mậu Diệp cũng lưu ý việc quyết định hình thức thưởng còn phải được sự đồng thuận của đại diện NLĐ tại cơ sở. Do đó, việc thưởng bằng tiền mặt, hiện vật hay dịch vụ, mức thưởng và thời điểm nào cần được bàn thảo, công khai từ trước khi áp dụng. "Do vậy, không thể có chuyện cuối năm DN tự áp dụng thưởng cho NLĐ bằng gạch hay sản phẩm gần hết hạn sử dụng, như dư luận vài năm trước từng nêu" - ông Doãn Mậu Diệp giải thích.
Phải thảo luận với Công đoàn
Theo ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam - đại đa số NSDLĐ đều thưởng Tết bằng tiền mặt cho NLĐ, chỉ một số rất ít vì kinh doanh gặp khó khăn nên đã thưởng bằng hiện vật, sản phẩm do đơn vị làm ra. Bộ Luật Lao động sửa đổi năm 2019 cũng đặt thứ tự ưu tiên tiền mặt lên đầu tiên, sau đó mới đến tài sản và hình thức khác. Nếu DN nào không gặp khó khăn mà cố tình thưởng những hiện vật không có giá trị, thiếu tính nhân văn thì sẽ rất khó để NLĐ gắn bó lâu dài. "NLĐ không nên quá lo lắng về quy định này, bởi trước khi thưởng bằng hình thức nào, đều có sự tham gia bàn bạc của tổ chức đại diện NLĐ mà hiện nay là tổ chức Công đoàn. Tổ chức Công đoàn sẽ tham gia một cách hiệu quả trong xây dựng chính sách như các nghị định, thông tư hướng dẫn Bộ Luật Lao động để bảo đảm quyền lợi tốt nhất của NLĐ" - ông Quảng nói.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 23-12
Bình luận (0)