Lắng nghe nhu cầu của các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp, sau đó liên hệ các cơ quan chức năng để làm hồ sơ xin cấp vốn, đó là công việc thường ngày của chị Lê Thị Bé Ba, Phó Giám đốc Trung tâm Ươm tạo DN Nông nghiệp công nghệ cao TP HCM (Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP).
Áp lực công việc khá nặng, lại phải di chuyển liên tục giữa 2 nơi làm việc (quận 1, TP HCM và huyện Củ Chi) nhưng trông chị Bé Ba vẫn tràn trề năng lượng. "Khó khăn vất vả mấy tôi cũng chịu được, miễn sao hỗ trợ cho DN khởi nghiệp một cách tốt nhất. Thành công của DN cũng là niềm vui của tôi" - chị Bé Ba bộc bạch.
Khơi nguồn sáng tạo
Tốt nghiệp ngành kinh tế nông nghiệp, chị làm việc cho một công ty nước ngoài. Đến năm 2010, chị chính thức về đầu quân cho Trung tâm Ươm tạo DN Nông nghiệp công nghệ cao TP chỉ vì muốn thử thách bản thân. Chị kể thời điểm đó, khái niệm "khởi nghiệp" còn khá mới mẻ, sinh viên ra trường chỉ muốn làm cho các tập đoàn lớn nước ngoài vì thu nhập cao, ít ai muốn mạo hiểm với cái mới.
Khi ấy trung tâm mới đi vào hoạt động được 1 năm. Hai chữ ươm tạo khiến nhiều người hiểu lầm, cho rằng trung tâm chuyên cung cấp cây giống, con giống. Chính chị cũng đã nhận được những cuộc điện thoại của khách hàng hỏi trung tâm ươm cây gì để đến mua mà không nghĩ chức năng của trung tâm chính là tiếp sức cho DN khởi nghiệp với những ý tưởng lạ và độc đáo, không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp mà còn nhiều lĩnh vực khác.
Cái khó của phần lớn các DN khởi nghiệp là thiếu vốn, kinh nghiệm quản lý điều hành hạn chế, chưa kể tâm lý sợ thất bại. Hiểu được điều đó nên chị bỏ nhiều thời gian để lắng nghe các bạn trẻ trình bày ý tưởng khởi nghiệp, từ đó góp ý để họ hoàn thiện dự án một cách tốt nhất. Những ý tưởng hay, lạ, độc đáo của các bạn trẻ luôn được chị và các thành viên ở trung tâm đứng ra hỗ trợ, từ việc ủng hộ cơ sở hạ tầng đến phương pháp kinh doanh, quản lý nhân sự, đăng ký độc quyền thương hiệu…
Với sự hỗ trợ tích cực của chị và đồng nghiệp, nhiều dự án khởi nghiệp sớm gặt hái thành công. Những sản phẩm độc đáo của các DN xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường trong nước và quốc tế, như: cây khí canh, bột rau má, xà phòng organic, nấm mối trồng nhà màng… "Mỗi khi nghe một bạn khởi nghiệp ra mắt sản phẩm mới được thị trường ưa chuộng, tôi vui như chính mình vừa thành công. Cứ thế hết DN này đến DN khác, sản phẩm này đến sản phẩm khác ra đời cuốn tôi vào công việc" - chị nói.
Anh Phạm Thành Lộc, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Thanh Bình (huyện Củ Chi, TP HCM), cho biết anh và nhóm bạn có ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp sạch nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Qua giới thiệu của bạn bè, anh đã tìm đến trung tâm và được chị Bé Ba hướng dẫn tận tình. Anh Lộc kể: "Nghe chúng tôi trình bày về việc khởi nghiệp cung cấp dụng cụ, kỹ thuật trồng rau sạch từ phương pháp khí canh, chị Bé Ba rất ủng hộ. Không chỉ hướng dẫn tận tình, chị còn kết nối kêu gọi cấp vốn cho DN của chúng tôi 1,2 tỉ đồng. Một con số trong mơ tôi cũng không nghĩ được".
Hiện công ty của anh Lộc chuyên cung cấp dụng cụ, hướng dẫn kỹ thuật cho các gia đình, DN trồng rau khí canh tại nhà. Trồng rau khí canh chỉ cần một không gian nhỏ, mọi người có thể trồng rau, củ, quả… để ăn. Sản phẩm trồng bằng phương pháp khí canh không chỉ sạch mà còn có chất lượng dinh dưỡng cao.
Chị Lê Thị Bé Ba hướng dẫn doanh nghiệp trẻ trong lĩnh vực nông nghiệp
Kết nối doanh nghiệp
Những năm gần đây, DN khởi nghiệp ra đời và các trung tâm ươm tạo cũng khá nhiều. Hoạt động của các trung tâm ươm tạo đã tạo ra được những chuyển biến mới ban đầu về chất trong cách thức cung cấp các dịch vụ hỗ trợ DN, tăng cường mạng lưới liên kết giữa các DN nhỏ và vừa với nhau và với các đối tác trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hiện nay các trung tâm ươm tạo nhìn chung vẫn chưa thật sự liên kết chặt chẽ với nhau, mỗi trung tâm hoạt động theo một cách riêng lẻ, chưa có sự đồng nhất, gây khó khăn trong quá trình quảng bá hoạt động.
Trước thực tế ấy, chị đã có sáng kiến "Thành lập CLB Ươm tạo DN TP HCM". CLB gồm 5 thành viên: Trung tâm Ươm tạo DN Phần mềm Quang Trung, Trung tâm Ươm tạo DN Nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Ươm tạo DN Công nghệ của Trường ĐH Bách khoa TP, Khu Công nghệ Phần mềm ĐHQG TP và Vườn ươm DN Công nghệ cao. CLB tập hợp và chia sẻ kinh nghiệm phát triển các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo DN nhằm mục tiêu thu hút ngày càng cao số lượng ứng viên đầu vào, đồng thời hỗ trợ DN tham gia ươm tạo được tốt hơn.
Không để các DN trẻ quẩn quanh tìm đầu ra thị trường trong nước, chị có sáng kiến "Hỗ trợ năng lực cạnh tranh của các DN khởi nghiệp thông qua mạng lưới vườn ươm DN ASEAN". Tham gia dự án, các DN trẻ có cơ hội được tiếp cận một nền tảng giá trị cho việc học hỏi, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm giữa các đại diện, nhà quản lý vườn ươm DN, cũng như con người, tài nguyên, chuyên gia từ ASEAN và Nhật Bản.
Trung tâm ươm tạo góp một phần vào vai trò chiến lược trong hệ sinh thái khởi nghiệp nhằm hỗ trợ sự phát triển và bền vững của các DN Việt Nam trong khu vực ASEAN nói chung cũng như nâng cao chất lượng ươm tạo, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, kết nối các DN ươm tạo tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP đến với cộng đồng khởi nghiệp ở ASEAN.
Phấn đấu không ngừng
"Tôi may mắn làm việc cùng chị Bé Ba trong gần 10 năm. Chị là người rất tâm huyết trong việc nâng đỡ các DN trẻ khởi nghiệp khi vừa kết nối để hỗ trợ vốn vừa tìm đầu ra, tìm kiếm thị trường cho họ… Không chỉ thế, chị còn tận tình kèm cặp, dìu dắt từng nhân viên trong trung tâm khi họ có ý tưởng hoặc đề tài. Những sáng kiến của chị Bé Ba không chỉ làm lợi cho DN mà còn mang giá trị rất lớn cho cộng đồng" - chị Phan Thị Hồng Thủy, Phó Phòng Hồ sơ Công nghệ tế bào thực vật Trung tâm Ươm tạo DN Nông nghiệp công nghệ cao TP, nhận xét.
(*) Xem Báo Người Lao động từ số ra ngày 18-8
Kỳ tới: Vì cộng đồng phục vụ
Bình luận (0)