Trong số 10 gương mặt vinh dự được xét trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2020, anh Nguyễn Minh Nhựt, Trưởng ca sản xuất Công ty CP Tico (quận Tân Phú, TP HCM), được đánh giá cao ở tinh thần nhẫn nại và lòng yêu nghề. Dù liên tục có những sáng kiến có giá trị làm lợi tiền tỉ, anh vẫn khiêm tốn khi nói về mình. "Tôi vui và hạnh phúc khi những sáng kiến của mình mang lại lợi ích cho doanh nghiệp (DN) và giúp anh em công nhân (CN) bớt cực hơn" - anh Nhựt bộc bạch.
Chậm mà chắc
Tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa TP HCM chuyên ngành công nghệ hóa học, năm 2004, Nhựt đầu quân vào Công ty CP Tico ở vị trí nhân viên vận hành sản xuất. Được làm đúng ngành nghề đào tạo, lại siêng năng và ham học hỏi, Nhựt nhanh chóng tiếp cận công việc và khẳng định được năng lực bản thân. Chỉ 2 năm sau, anh được bổ nhiệm làm phó ca rồi trưởng ca sản xuất.
Trước khi CP hóa, Công ty CP Tico là DN nhà nước. Thời điểm đó, hệ thống thiết bị máy móc khá đơn giản, sản phẩm ít nên Nhựt chỉ chú tâm đến công tác điều hành, quản lý. Đến năm 2016, khi công ty đầu tư mua sắm thiết bị sản xuất hiện đại nhằm đa dạng hóa sản phẩm, khối lượng công việc dành cho đội ngũ kỹ sư, CN ngày càng lớn. Cũng từ đó, quá trình sản xuất cũng phát sinh nhiều vấn đề cần khắc phục. Đây cũng là thời điểm tinh thần sáng tạo của người kỹ sư trẻ được khơi nguồn.
Anh Nguyễn Minh Nhựt (phải) hướng dẫn công việc cho công nhân
Một trong những sáng tạo đầu tay của Nhựt là "Cải tiến góc nghiêng đĩa khuấy của thiết bị trung hòa làm giảm công suất sử dụng điện năng". Nhựt cho biết nguồn năng lượng sử dụng chính tại nhà máy là điện năng và cùng với việc gia tăng sản xuất, nhu cầu năng lượng ngày càng tăng. Vì lẽ đó, năm 2016, Công ty CP Tico được phân loại vào "Danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm" của quốc gia. Theo quy định của pháp luật, các cơ sở nằm trong diện này phải từng bước tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng.
Để thực hiện mục tiêu này, hằng năm Công ty CP Tico phải kiểm tra, rà soát tất cả thiết bị sản xuất, thiết bị phụ trợ tại nhà máy nhằm giảm điện năng, tăng hiệu suất. Trong quá trình quản lý sản xuất, Nhựt nhận thấy thiết bị phản ứng chính 79MX1 (thuộc cụm thiết bị sản xuất sản phẩm trung hòa) sử dụng mô-tơ khuấy công suất lớn, lượng điện năng tiêu hao nhiều (khoảng 44-45 KWh). Nếu có giải pháp hợp lý sẽ giúp công ty tiết kiệm một số tiền không nhỏ.
Từ trăn trở ấy, anh đã đề xuất cải tiến thiết bị 79MX1 với hàng loạt những điều chỉnh phù hợp, ít tốn kém chi phí. Sự nhạy bén của anh không chỉ giúp thiết bị bảo đảm hiệu suất hoạt động, tiết kiệm điện năng tiêu thụ mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm. Khi đưa vào ứng dụng, cứ mỗi giờ vận hành, thiết bị 79MX1 tiết kiệm được 7-8 KWh điện, giúp DN tiết kiệm được 345 triệu đồng/năm.
Tận tâm với thợ trẻ
Sau thành công đầu tay ấy, đến nay, Nhựt đã có thêm 3 sáng kiến hữu ích cho DN. Tuy số lượng sáng kiến không nhiều nhưng giá trị làm lợi của mỗi sáng kiến là không nhỏ, ước tính 1,67 tỉ đồng/năm.
Một trong những sáng kiến mà Nhựt tâm đắc nhất chính là "Giải pháp không làm phát sinh bán thành phẩm trong quá trình chuyển đổi sản xuất sản phẩm trung hòa". Trước đó, để chuyển đổi quy trình sản xuất giữa các loại sản phẩm, hệ thống thiết bị sản xuất sản phẩm trung hòa Sodium Lauryl Ether Sulfate (SLES) phải mất 30 phút. Khoảng thời gian này không tạo ra được sản phẩm (tương đương 1.500 kg sản phẩm) mà còn phát sinh bán thành phẩm phải đưa vào tái chế, chưa kể tồn dư chất thải nguy hại.
Những sáng kiến của Nguyễn Minh Nhựt đã đóng góp lớn vào sự phát triển ổn định của DN trong nhiều năm qua. Không chỉ giúp DN tiết kiệm chi phí sản xuất, các sáng kiến của anh còn thể hiện tính nhân văn sâu sắc, đó là vì sức khỏe của đồng nghiệp và cộng đồng".
Ông HÀ QUỐC CƯỜNG, Trưởng Bộ phận Sản xuất Công ty CP Tico
Để cải thiện tình hình, Nhựt đã tính toán, cân bằng chất phù hợp đối với từng chủng loại sản phẩm, đồng thời điều chỉnh hiệu chuẩn bơm định lượng. Sáng kiến giúp DN giảm chi phí năng lượng và vận hành (khoảng 220 triệu đồng/năm), quan trọng hơn là NLĐ tiết kiệm công lao động trong khi vẫn đạt năng suất, hiệu quả công việc. Điều có ý nghĩa hơn là sáng kiến còn giúp giảm phát sinh chất thải nguy hại ra môi trường.
Ở công ty, Nhựt được lãnh đạo tin yêu, đồng nghiệp quý mến bởi anh không chỉ vững chuyên môn, giàu sáng kiến mà còn tận tâm với thợ trẻ. Đối với những nhân viên mới, anh sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm, giúp họ vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu khi tiếp cận công việc.
Khi CN đã quen việc, anh vẫn theo dõi sát sao, nhắc nhở họ tuân thủ quy trình sản xuất nhằm giảm thiểu các sự cố phát sinh. "Sơ suất trong quá trình sản xuất là điều khó tránh khỏi. Với một công ty thường xuyên sản hóa chất hóa chất như Tico, an toàn lao động phải là ưu tiên hàng đầu" - Nhựt chia sẻ.
Không chỉ nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, hằng năm Nhựt còn tham gia đào tạo lại tay nghề cho CN vận hành máy. Trong 3 năm qua, anh đã giúp nâng cao tay nghề cho 85 lượt CN. "Là quản lý nhưng anh Nhựt sống rất tình cảm, hòa đồng, đặc biệt là luôn giúp đỡ anh em CN cả trong công việc và cuộc sống. Ngày mới vào làm, tôi cũng từng được anh cầm tay chỉ việc. Nhờ sự chỉ bảo tận tình của anh mà tôi luôn hoàn thành tốt công việc của mình" - anh Võ Quang Thiết, CN vận hành máy, nhận xét.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 18-8
Kỳ tới: "Bà đỡ" của doanh nghiệp trẻ
Bình luận (0)