xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

DẤN THÂN SÁNG TẠO (*): Bạn của nhà nông

Bài và ảnh: HỒNG ĐÀO

Không chỉ tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, anh còn hết lòng hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm cho các kỹ sư, công nhân trẻ

Sinh ra và lớn lên bên con sông Tiền hiền hòa, đỏ nặng phù sa, anh Lê Văn Cửa, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp Công nghệ cao TP HCM (Ban Quản lý Nông nghiệp Công nghệ cao TP), quyết định gắn cuộc đời mình với vườn rau, cây trái. Anh Cửa là một trong 10 cá nhân tiêu biểu được trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2020.

Ứng dụng khoa học vào nông nghiệp

Tốt nghiệp Trường ĐH Mở TP HCM, anh Cửa về công tác tại Viện Cây ăn quả miền Nam (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Năm 2011, vì lý do gia đình, anh chuyển về công tác tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao TP. "Làm công tác nghiên cứu khoa học, trước hết phải sống trọn vẹn với niềm đam mê, đặc biệt là mang lại lợi ích cho cộng đồng. Ở bất kỳ đơn vị nào, tôi luôn tự nhủ phải cố gắng hết mình, vì lợi ích của cơ quan, đặc biệt là bà con nông dân" - anh Cửa bộc bạch.

DẤN THÂN SÁNG TẠO (*): Bạn của nhà nông - Ảnh 1.

Anh Lê Văn Cửa hướng dẫn nhân viên trung tâm cấy ghép lan giống

Ở đơn vị mới, được thỏa niềm đam mê sáng tạo, anh bắt tay ngay vào việc nghiên cứu, thử nghiệm và chuyển giao công nghệ cho bà con nông dân tại TP HCM và các tỉnh lân cận. Mỗi năm, anh Cửa cùng đồng nghiệp thực hiện từ 30 - 40 đề tài, công trình nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao với tổng giá trị làm lợi gần 9 tỉ đồng. Tiêu biểu như công trình "Xây dựng quy trình trồng dưa lưới và rau ăn lá thủy canh hoàn lưu trong nhà màng".

Việc hoàn thiện quy trình này không hề đơn giản bởi phải đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất và chế biến các sản phẩm hữu cơ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Khi triển khai, người thực hiện thường gặp một số trở ngại do nguồn đất và nước bị ô nhiễm, dịch hại, dinh dưỡng trong đất thấp.

Để giải quyết bài toán hóc búa này, ngoài việc dày công khảo sát, lựa chọn vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn (vị trí đất, nguồn nước và không khí), anh Cửa còn lên phương án thiết kế mô hình nhà màng phù hợp với đặc điểm cây trồng. Đi kèm với đó là việc chuẩn bị vật tư, giống, phân bón hữu cơ, nhất là hoàn thiện quy trình trồng và chăm sóc; quản lý dịch hại; thu hoạch và sơ chế bảo quản.

Việc áp dụng kỹ thuật công nghệ và giải pháp mới đã khắc phục những hạn chế và nâng cao năng suất của rau hữu cơ so với việc sản xuất rau hữu cơ thông thường ngoài đồng ruộng. Sáng kiến đã được Hội đồng sáng kiến cấp TP công nhận và được chuyển giao cho Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Hết lòng với đồng nghiệp

Mỗi năm, anh Cửa còn cùng đồng nghiệp tham gia thực hiện 30 công trình nghiên cứu khoa học cấp cơ sở theo hướng nghiên cứu ứng dụng, tập trung giải quyết các vấn đề tồn đọng trong canh tác nông nghiệp như sản xuất giống mới; hoàn thiện các quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc các giống cây, giống hoa, giống con; quy trình nhân giống các giống cây dược liệu quý hiếm; quy trình chẩn đoán, phát hiện bệnh trên cây trồng và vật nuôi…

Không dừng lại đó, cùng với đồng nghiệp, anh Lê Văn Cửa còn triển khai, tổ chức hàng trăm khóa đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho bà con nông dân. Đặc biệt, trung tâm của anh đã dày công sưu tập và bảo tồn 120 giống lan rừng ở Việt Nam. Nỗ lực nhân giống các loại lan rừng có giá trị kinh tế, lan rừng quý hiếm của anh và cộng sự góp phần đa dạng cơ cấu giống cũng như bảo tồn nguồn gien làm cơ sở lai tạo về sau. Ngoài ra, anh còn tham gia sưu tập và khảo nghiệm hàng trăm giống cà chua, khổ qua, cây ăn quả phù hợp với khu đô thị TP, các tỉnh lân cận, đặc biệt thích nghi với tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay.

Với vai trò chủ tịch Công đoàn cơ sở, anh Lê Văn Cửa luôn quan tâm đến đội ngũ kỹ sư, nghiên cứu viên trẻ. Từ năm 2014 đến nay, anh đã hướng dẫn trên 100 kỹ sư, nghiên cứu viên và công nhân trực tiếp sản xuất tại trung tâm. Chị Nguyễn Thị Kim Liên, Phó Phòng Nghiên cứu khoa học nuôi trồng thủy sản của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhận xét: "Vừa làm chuyên môn vừa là chủ tịch Công đoàn cơ sở, áp lực công việc khá nặng nhưng anh Cửa luôn quan tâm, hướng dẫn từng đề tài của anh chị em ở trung tâm. Ai gặp khó khăn cũng được anh hỗ trợ, chỉ dẫn cho đến khi thành công mới thôi".

Không chỉ vậy, anh Cửa còn tham gia tổ chức hội thi tay nghề "Que cấy vàng" đã thu hút hơn 50 kỹ thuật viên và công nhân cấy mô của các đơn vị trong Khu Nông nghiệp Công nghệ cao dự thi. Qua cuộc thi, lãnh đạo đã đánh giá được trình độ, kỹ thuật, tay nghề các thành viên… và là cơ sở đề xuất nâng bậc lương và định mức công việc hiệu quả hơn. Dù bận rộn với rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học nhưng anh vẫn trực tiếp đào tạo, hướng dẫn mỗi năm trên 200 sinh viên thực tập tốt nghiệp từ các trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP HCM và các tỉnh lân cận.

Ông PHẠM ĐÌNH DŨNG, Chủ tịch CĐ Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP:

Hạt nhân thi đua

Chín năm gắn bó với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao, anh Lê Văn Cửa đã thực hiện hàng trăm công trình, sáng kiến, đồng sáng kiến có tính ứng dụng cao. Các nghiên cứu của anh được chuyển giao cho bà con nông dân, giúp họ thay đổi phương thức canh tác và tăng thu nhập. Đặc biệt, anh luôn dành nhiều tâm huyết trong việc đào tạo, hướng dẫn đồng nghiệp trẻ tham gia nghiên cứu khoa học.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 18-8

Kỳ tới: Bệ phóng thành công

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo